Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết, khái quát các giá trị con người Việt Nam gồm: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo.
Đối chiếu với mục tiêu 5 phẩm chất và 10 năng lực của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm tương đồng. Đây chính là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với ngành Giáo dục nói chung và trường phổ thông nói riêng.
Nhân lực vẫn là điểm nghẽn
Xây dựng và phát triển hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết, nhưng theo PGS.TSKH Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, qua bài viết trên Tạp chí Tuyên giáo, có một số điểm đặt ra như sau:
Thứ nhất, từ trước đến nay, nhất là các văn kiện Đảng những nhiệm kỳ gần đây, đều nhấn mạnh điểm nghẽn của sự phát triển đất nước là nguồn nhân lực; một trong những đột phá của sự phát triển cũng là nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao - đang là điểm nghẽn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc khơi dậy, khai thác, phát huy, phát triển hệ giá trị con người và hệ giá trị Việt Nam chưa được nghiên cứu, chưa được nhận thức và chưa thể hiện thành chính sách, giải pháp cụ thể.
Thứ hai, tất cả các chủ trương chính sách về con người và về nguồn nhân lực, cho đến nay vẫn chưa chú ý đến hệ giá trị con người và hệ giá trị Việt Nam, càng chưa chú ý trực tiếp đến khơi dậy, khai thác, phát huy, phát triển các hệ giá trị đó trong việc đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước phát triển bền vững.
Đại hội Đảng các kỳ gần đây đều nhấn mạnh vai trò chủ thể của con người, xem con người là động lực, trung tâm và là mục tiêu của sự phát triển. Tuy nhiên, xây dựng và phát triển con người mà không nói đến xây dựng và phát huy các hệ giá trị nói chung, hệ giá trị con người nói riêng là thiếu sót quan trọng, rất cần sớm được khắc phục.
Thứ ba, hệ giá trị con người và hệ giá trị Việt Nam là một trong những nội dung cốt lõi nhất của xây dựng phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay. Các hệ giá trị đó đều trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra các sản phẩm có giá trị và có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Công nghiệp điện ảnh, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, lịch sử, sinh thái… là những ví dụ về hệ giá trị Việt Nam tạo nên giá trị của cải vật chất. Trong điều kiện kinh tế thế giới, với đặc tính mới là hao mòn giá trị, hao mòn vô hình, nhanh hơn hao mòn hữu hình thì sự tham gia của các hệ giá trị con người, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia có vai trò rất đặc biệt trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường hiện đại.
Thứ tư, trong hiện thực, chúng ta đang “khủng hoảng” hệ giá trị con người ở những mức độ khác nhau. Suy thoái về tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tư duy, của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Việc xác định, xây dựng và phát huy các hệ giá trị văn hóa, con người là rất cần kíp, quan trọng, rất có ý nghĩa đối với việc phòng chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Cô Phạm Thị Hương Giang (thứ 2 từ phải qua), Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội và học trò. Ảnh: INT |
Thứ năm, cá nhân, gia đình, nhà trường, xã hội là những chủ thể xã hội đặc biệt quan trọng trong việc hình thành hệ giá trị con người. Các chủ thể xã hội này có chức năng, vai trò đặc biệt, to lớn trong việc khơi dậy, trao truyền, bồi đắp, phát triển, tiếp biến và phát huy hệ giá trị con người, các hệ giá trị Việt từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ cá nhân, cộng đồng này qua cá nhân, cộng đồng khác.
Sự kết nối liên hoàn vai trò giáo dục hệ giá trị con người của các chủ thể cá nhân, gia đình, nhà trường, xã hội đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tiếp nhận, hình thành và phát triển các hệ giá trị Việt Nam nói chung và hệ giá trị con người nói riêng, đặc biệt là giữa các thế hệ trẻ.
Ngày nay, trẻ em có thời gian ở trường, giao tiếp với cô thầy, bạn bè, học tập kiến thức nhiều hơn ở nhà với ông bà, bố mẹ, anh chị em. Trong khi nhà trường chưa sẵn sàng, chủ động với giáo dục các hệ giá trị thì vai trò, chức năng của gia đình về việc này đang bị rút bỏ. Đây là khiếm khuyết lớn cần nhanh chóng được khắc phục.
Thứ sáu, trong giai đoạn Đổi mới, mặc dù Đảng đã xác định con người là mục tiêu, là động lực, là trung tâm của sự phát triển, nhưng trong thực tế, chủ trương đó vẫn chưa được các chủ thể xã hội khác nhau thực sự xem con người, nhân lực là khâu quyết định; Đã đến lúc cần có một nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển con người với đầy đủ các nội dung phong phú về con người đối với phát triển bền vững đất nước đến 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Trong đó các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người Việt Nam nói riêng, là những nội dung cơ bản quan trọng. Sự nghiệp xây dựng, phát triển bền vững đất nước không thể thành công nếu không có những con người và nhân lực tương ứng. Sẽ là sai lầm nếu chỉ nhấn mạnh vào khía cạnh kỹ thuật, công nghệ mà xem nhẹ khía cạnh con người, nhân lực, hệ giá trị.
Cô trò Trường THPT Hoài Đức C (Hà Nội). Ảnh: INT |
Mục tiêu tương đồng
Với những phân tích như trên của PGS Lương Đình Hải, chúng ta thấy rằng, một trong những khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực của nước ta là mục tiêu giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng trong những giai đoạn trước chưa gắn với nâng cao giá trị con người Việt Nam.
Các chương trình giáo dục phổ thông trước đây xây dựng theo tiếp cận nội dung, trong đó các năng lực cá nhân con người chưa bao giờ được xác định là những mục tiêu giáo dục. Chẳng hạn, mục tiêu giáo dục phổ thông 2006, được xác định là:
“Giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Mục tiêu này vẫn ở mức chung, có đề cập phát triển năng lực cá nhân, nhưng là những năng lực nào thì chưa nói rõ.
Hệ giá trị giá trị con người Việt Nam, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết, gồm: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Đây là những giá trị cơ bản, chủ yếu, cốt lõi trong hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay. Đối chiếu hệ giá trị này với mục tiêu phát triển 5 phẩm chất cốt lõi và 10 năng lực của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng ta thấy có nhiều điểm tương đồng. Bảng so sánh sau cho ta thấy điều đó.
Giải pháp đối với giáo dục, đào tạo
Như vậy, sự tương đồng giữa Hệ giá trị con người Việt Nam và các phẩm chất, năng lực phát triển đối với học sinh phổ thông là cơ hội, là niềm tin để gia đình, nhà trường, xã hội cùng chung sức, quyết tâm, thực hiện giáo dục, đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực - qua đó nâng cao, phát huy giá trị con người Việt Nam.
Trước hết, trên cơ sở các tiêu chí, chỉ số của hệ giá trị con người Việt Nam mà Đảng và Nhà nước đã xác định, ngành giáo dục - đào tạo cần so sánh, đối chiếu, nhằm đưa ra các chỉ dẫn để thực hiện các phương thức, giải pháp nâng cao giá trị con người Việt Nam phù hợp với từng cấp, bậc học: Tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Trong đó, những tiêu chí như “tự cường”, “nghĩa tình”, “đoàn kết”, “kỷ cương” chưa được nêu tường minh trong mục tiêu của giáo dục phổ thông cần được lý giải rõ ràng những phẩm chất, năng lực nào có liên quan đến các tiêu chí này.
Nâng cao nhận thức cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về các hệ giá trị con người Việt Nam nói chung, trong đó hệ giá trị con người Việt Nam là cốt lõi, là trung tâm để tạo nên các hệ giá trị khác, tạo nên sức mạnh cho quốc gia, hạnh phúc cho từng cá nhân và đất nước.
Nhà trường phối hợp với gia đình, xã hội trong việc nâng cao chất lượng giáo dục gắn với nâng cao giá trị con người Việt Nam nhằm tạo ra nguồn nhân lực xây dựng đất nước hùng cường, bền vững và hội nhập quốc tế, trong bối cảnh công nghiệp cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế thị trường hiện đại đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
Trên cơ sở các tiêu chí, chỉ số của hệ giá trị con người Việt Nam mà Đảng và Nhà nước đã xác định, ngành giáo dục - đào tạo cần so sánh, đối chiếu, nhằm đưa ra các chỉ dẫn để thực hiện các phương thức, giải pháp nâng cao giá trị con người Việt Nam phù hợp với từng cấp, bậc học: Tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Trong đó, những tiêu chí như “tự cường”, “nghĩa tình”, “đoàn kết”, “kỷ cương” chưa được nêu tường minh trong mục tiêu của giáo dục phổ thông cần được lý giải rõ ràng những phẩm chất, năng lực nào có liên quan đến các tiêu chí này.