Chương trình mới giúp phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh

GD&TĐ - Đó là chia sẻ của Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Tấn (Bình Phước) tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội về chương trình, SGK mới.

Tiết học của học sinh Trường THCS Lộc Tấn.
Tiết học của học sinh Trường THCS Lộc Tấn.

Ngày 20/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội dẫn đầu đã có buổi làm việc về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) tại Trường THCS Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).

Thuận lợi triển khai

Tại buổi làm việc, cô Nguyễn Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Tấn cho biết, Chương trình GDPT 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đổi mới, giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục tiểu học, có học vấn phổ thông ở trình độ cơ sở và những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học THPT, Trung cấp, học nghề,…

Ông Đỗ Chí Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Đỗ Chí Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc.

Mục tiêu đổi mới của chương trình phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đáp ứng mục tiêu của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Cô Chi cũng cho biết, nhà trường có 21 lớp với 829 học sinh, có 46 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Năm học 2021-2022 chất lượng giáo dục vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Học sinh lên lớp thẳng đạt 96,56%, tốt nghiệp THCS đạt 100%.

“Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ đáp ứng việc triển khai Chương trình GDPT 2018. Chương trình mới phù hợp với các đối tượng học sinh. Giáo viên căn cứ mục tiêu của môn học để thiết kế các hoạt động dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Tuy nhiên việc triển khai dạy 2 buổi/ngày dự kiến sang năm học tới trường mới thực hiện được”, cô Chi chia sẻ.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Tấn, về cơ bản giá SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, mức sống của người dân. Nội dung sách giáo khoa phù hợp với mục tiêu, yêu cầu Chương trình GDPT 2018 và phù hợp với đối tượng học sinh trong nhà trường, tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức dạy học lấy học sinh làm trung tâm, khuyến khích học sinh tích cực, chủ động sáng tạo.

“Đặc biệt, nội dung các bài học/chủ đề trong SGK có những hoạt động học tập thiết thực, giúp học sinh biết cách định hướng để đạt mục tiêu học tập. Các nhiệm vụ học tập trong mỗi bài học hướng đến việc phát triển kỹ năng nhận thức, kỹ năng tư duy, rèn khả năng tích hợp, vận dụng kiến thức mới…”, cô Chi nhấn mạnh.

Cô Lê Thị Ánh Tuyết chia sẻ tại buổi giám sát.

Cô Lê Thị Ánh Tuyết chia sẻ tại buổi giám sát.

Cô Lê Thị Ánh Tuyết, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lộc Tấn cho biết, quá trình thực hiện giáo án chương trình cũ và thực hiện kế hoạch bài dạy chương trình mới nhà trường không gặp phải khó khăn nào. Bởi chương trình cũ đối với khối 8-9 cũng đã thiết kế bài học theo định hướng năng lực học sinh theo công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cũng như Sở GD&ĐT về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh.

“Như vậy lớp 8 và 9 vẫn thực hiện bài học theo các hoạt động học và vẫn giao nhiệm vụ cho học sinh, nghĩa là 2 khối lớp này giáo viên vẫn thiết kế bài học và các hoạt động giống như lớp 6 và 7. Do đó khi thầy cô tiếp cận chương trình mới thì dễ dàng thực hiện”, cô Tuyết nói.

Cô Lê Thị Lan Nhi, tổ trưởng tổ Khoa học xã hội Trường THCS Lộc Tấn cho biết, chương trình mới đa dạng hình thức dạy học nên tạo hứng thú cho học sinh, các em được làm các dự án, được thảo luận, trình bày,… Tuy nhiên với chương trình mới giáo viên phải đầu tư rất nhiều thời gian, đồng thời phải theo dõi quá trình học sinh thực hiện, để giúp đỡ, uốn nắn giúp các em đạt được kết quả học tập tốt.

Giáo viên Trường THCS Lộc Tấn chia sẻ về thuận lợi, khó khăn khi thực hiện chương trình mới.

Giáo viên Trường THCS Lộc Tấn chia sẻ về thuận lợi, khó khăn khi thực hiện chương trình mới.

Luôn quan tâm học sinh con em đồng bào dân tộc

Cũng theo chia sẻ của cô Chi, Trường THCS Lộc Tấn thuộc địa bàn xã biên giới, học sinh dân tộc thiếu số như Khmer, S’tiêng chiếm tỉ lệ 7,2%, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Việc học trực tuyến thời điểm dịch khiến một số học sinh thụ động, không theo kịp chương trình,… nên trong quá trình thực hiện chương trình mới, một số em khả năng thực hiện nhiệm vụ học tập chưa tốt, thiếu tính tự học, thiếu hỗ trợ từ gia đình. Vì vậy thời gian qua trường luôn quan tâm đến những em này, từ sách giáo khoa, đồ dùng học tập, học bổng,.. để động viên các em vươn lên trong học tập.

Giá SGK phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, mức sống của người dân, tuy nhiên, vẫn còn những em thuộc diện khó khăn, nhà trường cho các em mượn sách từ kho sách thư viện. Cụ thể, năm học 2021-2022 có 23 học sinh lớp 6 mượn SGK, năm học 2022-2023 có 14 học sinh lớp 6 và 7 mượn SGK.

Cô Nguyễn Thị Kim Chi thông tin về việc triển khai chương trình mới với đoàn giám sát.

Cô Nguyễn Thị Kim Chi thông tin về việc triển khai chương trình mới với đoàn giám sát.

Cô Trần Thị Thu Sương, tổ trưởng tổ Anh văn - Mỹ thuật - Âm nhạc - Thể dục cho biết, với học sinh dân tộc thiểu số cũng như thuộc diện hộ nghèo, thực hiện chỉ đạo của trường, giáo viên các bộ môn cũng đã tổ chức hỗ trợ, phụ đạo các em để nỗ lực giảm dần học sinh yếu kém.

“Thầy cô bộ môn phối hợp với cô giáo chủ nhiệm tổ chức mô hình đôi bạn cùng tiến. Giáo viên chủ nhiệm sẽ sắp xếp những em có năng lực học tập tốt ngồi cùng bàn với những em yếu để cùng hỗ trợ, nhất là với những học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số hay hoàn cảnh khó khăn”, cô Sương chia sẻ.

Tại buổi làm việc ông Đỗ Chí Nghĩa thay mặt Đoàn giám sát đánh giá cao sự chuẩn bị của Trường THCS Lộc Tấn, đồng thời đánh giá cao đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong trường.

Ông Nghĩa cho biết, qua ghi nhận thực tế các giáo viên đều là người có kinh nghiệm và rất tâm huyết. Thầy cô tổ trưởng các tổ bộ môn nắm chắc vấn đề, việc triển khai chương trình mới cũng như chọn SGK theo đúng quy định đặt ra, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, địa phương, đáp ứng đúng yêu cầu.

Đặc biệt nhà trường đã có những mô hình, cách làm hay để giúp đỡ học sinh dân tộc thiểu số và diện khó khăn, tạo động lực cho các em đến trường học tập.

“Thời gian tới việc triển khai chương trình mới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy cán bộ, giáo viên Trường THCS Lộc Tấn tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, rà soát kĩ các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Trong quá trình triển khai nếu có bất cập phải kiến nghị lên cấp trên để kịp thời khắc phục, sửa chữa. Thầy cô trong trường tiếp tục nỗ lực thúc đẩy, khắc phục mọi khó khăn, tự bồi dưỡng để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới”, ông Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ