Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trường ĐH

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trường ĐH

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trước hết, tất cả mọi người dân Việt Nam cần thống nhất với nhau cách hiểu cho đúng thế nào là nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo cách hiểu của chúng tôi, nguồn nhân lực chất lượng cao không đồng nghĩa với học hàm, học vị cao, nghĩa là nếu một người nào đó cho dù có học hàm, học vị cao nhưng lại không có đóng góp gì thực sự có giá trị về mặt khoa học trong suốt quá trình công tác giảng dậy hoặc nghiên cứu khoa học thì không được gọi là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngược lại, những người không hề có học hàm, học vị cao, thậm chí chỉ là người công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ có trình độ trung cấp, hay kỹ sư, cử nhân, nhưng nếu họ lại có tay nghề hay chuyên môn rất giỏi về một lĩnh vực nào đó, đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc và có những đóng góp thực sự có giá trị cho xã hội thì đó chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao là những người có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc nhất, sáng tạo và hoàn hảo nhất, có đóng góp thực sự hữu ích cho công việc, cho xã hội. Vì vậy mà tìm kiếm nguồn nhân lực có chất lượng cao không chỉ riêng đất nước Việt Nam mà tất cả mọi nước trên thế giới, từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển cũng đặc biệt quan tâm đến công việc rất quan trọng này.

Trong mấy chục năm gần đây, nhìn ra nước ngoài, chúng ta thấy sự phát triển rất nhanh chóng của nhiều nước ở khu vực Đông á bao gồm Nhật Bản, Hàn quốc và Đài Loan cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của nhiều nước công nghiệp mới, các nước ASEAN và Trung Quốc đều phần lớn nhờ vào nguồn nhân lực có chất lượng cao. Không chỉ có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, nguồn nhân lực chất lượng cao còn có ý nghĩa không kém phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội như bất bình đẳng, đói nghèo, các vấn đề về môi trường và sự tiến bộ về mọi mặt của xã hội. Đất nước Việt Nam đã trải qua mấy chục năm trong bối cảnh nền kinh tế tập trung quan liêu và hai cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới xẩy ra vào năm 1997 và 2008 vừa qua tại những nước được gọi là công nghiệp phát triển chính là những bài học kinh nghiệm được rút ra cho bất cứ  người dân Việt Nam nào có tinh thần yêu nước, thực sự đổi mới và muốn đưa đất nước tiến lên nhanh và bền vững.

Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, khi mà sự cạnh tranh diễn ra ngày càng gay gắt không chỉ trong một nước mà trên toàn thế giới, thì nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với mọi hoạt động của nền kinh tế, cũng như các lĩnh vực khác, kể cả lĩnh vực hoạt động về ngân hàng, nơi mà sự cạnh tranh đang diễn ra ngày càng quyết liệt.

Giới hạn ở bài viết này chúng tôi chỉ dừng lại ở nhận thức về vai trò của nguồn nhân lực có chất lượng cao, có liên hệ tới các cơ sở đào tạo trên toàn đất nước, từ đó đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực này.

dvg
Nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. ảnh MH

II. NHẬN THỨC CƠ BẢN VỀ NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO Ở VIỆT NAM

Theo số liệu mới nhất về dân số tính đến năm 2009, Việt Nam có trên 44 triệu lao động trên tổng số 89 triệu dân và là một nước có nguồn lao động dồi dào so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.Về quy mô dân số, Việt Nam là nước đứng thứ 2 trong khu vực và đứng thứ 13 trên thế giới. Trong số 89 triệu dân thì chiếm tới 50% là số người nằm trong độ tuổi lao động và nhóm tuổi từ 15 tới 34 tuổi chiếm hơn 45% tổng số lực lượng lao động. Cũng theo số liệu này thì hàng năm có khoảng từ 1,5 đến 1,7 triệu người nhập vào lực lượng lao động. Nhìn chung, cung lao động tại Việt Nam rất dồi dào và lớn hơn cầu về lao động. Tuy nhiên, phần lớn lượng cung lao động này là lao động phổ thông, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo cao và chất lượng lao động không đồng đều giữa các vùng, miền. Cụ thể là gần 77% người lao động trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo nghề, hoặc được đào tạo thì còn hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp và chất lượng lao động ở khu vực thành phố cao hơn so với ở khu vực nông thôn. Về mặt cầu, nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay phần lớn được phân bổ trong khu vực nông nghiệp, nơi kỹ năng, tay nghề và trình độ của người lao động thường không cần ở mức độ cao. Lực lượng lao động đang làm việc trong khu vực công nghiệp chỉ chiếm 20% và đối với khu vực dịch vụ chỉ chiếm khoảng 26%. Điều này phần nào đã nói lên cầu lao động giản đơn, phổ thông ở Việt Nam vẫn còn khá lớn. Mặt khác, phần lớn lao động ở Việt Nam hiện nay đang làm việc ở khu vực ngoài Nhà nước. Tuy nhiên so với những năm trước đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và sự phát triển của các doanh nghiệp mới nói riêng, nhu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng cao của các ngành dịch vụ và công nghiệp, đặc biệt là đối với lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, điện, điện tử và hoá chất ngày càng tăng lên. Cùng với chính sách mở cửa, đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, làn sóng đầu tư trong nước cũng như đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng lên, các doanh nghiệp trong nước được thành lập mới ngày càng nhiều đã tạo ra một lượng cầu nhân lực có chất lượng cao ngày càng lớn. Đối với các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài thì các nhà đầu tư là người nứôc ngoài thường ưu tiên tuyển dụng lao động có chất lượng cao ngay ở Việt Nam vì lao động Việt Nam là người  am hiểu khá nhiều lĩnh vực, tập quán, có nhiều mối quan hệ và mức lương trả cho họ thường thấp hơn so với lao động từ nước ngoài và cũng để cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam, các nhà đầu tư là người nước ngoài sẵn sàng trả mức lương cho người lao động cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, sự cạnh tranh về nguồn nhân lực có chất lượng cao ngày càng gay gắt. Kết quả cuộc điều tra 63.000 doanh nghiệp ở 36 tỉnh thành phố trên cả nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư  đã tiến hành năm 2008 cho thấy nguồn nhân lực chất lượng cao có thể tham gia quản lý tại Việt Nam cũng mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Đặc biệt những nhân sự cấp cao của Việt Nam đang đứng trước một nguy cơ khủng hoảng trầm trọng vì không đủ khả năng bắt kịp sự phát triển của nền kinh tế. Cũng theo như kết quả cuộc điều tra này, tỷ lệ giám đốc doanh nghiệp có trình độ thạc sỹ chỉ là 2,99%, đại học là 37,82% và cao đẳng là 3,56% trong khi đó tỷ lệ có trình độ trung học chuyên nghiệp là 12,33% và trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông trở xuống chiếm tới 43,30%.

Về nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao trong ngành tài chính và ngân hàng cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Năm 2007, trước khi xẩy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hầu hết các ngân hàng của Việt Nam đều mở thêm rất nhiều chi nhánh. Các ngân hàng thương mại cổ phần đều đồng loạt tuyển dụng một lượng lớn nhân lực có trình độ tốt nghiệp đại học ngành tài chính ngân hàng.Đối với các công ty kinh doanh chứng khoán cũng vậy. Hàng loạt các công ty ra đời và kèm theo đó là việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, vì thế nguồn nhân lực chất lượng cao ngành này ngày càng khan hiếm. Theo dự báo trong năm 2007, nguồn nhân lực cho ngành ngân hàng sẽ thiếu bởi mỗi năm chỉ có khoảng 2000 sinh viên ra trường nên chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Sự khan hiếm nguồn nhân lực có trình độ cao đã khiến cho các doanh nghiệp phải sử dụng tới các chuyên gia là người nước ngoài và đương nhiên là phải trả tiền lương cho họ mức lương rất cao (đây là một điều thực sự đáng suy nghĩ đối với bất cứ người Việt Nam nào có lòng tự trọng dân tộc). Một số dịch vụ ngân hàng, y tế có tới 40% tổng số lao động có thu nhập cao từ 14.000 USD/năm trở lên đều thuộc về người nước ngoài. Tại một nhà máy gia công giầy ở Đồng Nai, tiền lương mà doanh nghiệp phải trả cho 70 chuyên gia là người nước ngoài tương đương với tổng số tiền lương mà doanh nghiệp trả cho 20.000 lao động người Việt Nam.Tại một Nhà máy xi măng ở tỉnh Thanh Hoá, 20 vị trí lao động chủ chốt, người Việt Nam lại giao cho người nước ngoài là người Nhật Bản  đảm nhiệm và họ đã được trả tiền lương ở mức tương đương với tổng số lương của 2000 công nhân người Việt Nam (đây quả thực là một điều rất thiệt thòi cho người dân Việt Nam).  Riêng đối với  lĩnh vực ngân hàng, nhìn chung, lực lượng cán bộ ngành  ngân hàng còn chậm đổi mới và ít được bồi dưỡng về kiến thức cũng như nghiệp vụ chuyên môn. Trình độ và tính chuyên nghiệp của cán bộ, công nhân viên trong các tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa cao, đặc biệt trong lĩnh vực quản trị kinh doanh ngân hàng, tư vấn, phân tích tín dụng, quản lý rủi ro và tiếp cận các dịch vụ ngân hàng mới. Một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, điều hành trong các tổ chức tín dụng còn nhiều hạn chế về kỹ năng quản trị kinh doanh ngân hàng hiện đại. Nguy hại hơn nữa là việc thiếu hụt lao động cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, do sự gia tăng đột biến về quy mô cùng với việc ra đời hàng loạt ngân hàng mới đã dẫn tới tình trạng trong thời gian ngắn, các tổ chức tín dụng đưa ra qúa nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhân lực, nhất là các vị trí chủ chốt, điều đó tiềm ẩn những rủi ro về chất lượng quản lý và điều hành của tổ chức tín dụng, bởi sự dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là những vị trí chủ chốt diễn ra thường xuyên khiến hoạt động kinh doanh, tổ chức quản lý của doanh nghiệp bị xáo trộn và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của toàn ngành.

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới tình trạng cung nhân lực có chất lượng cao không đáp ứng được nhu cầu. Theo điều tra mới đây của Bộ kế hoạch và Đầu tư, gần 18% số các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả các tổ chức tín dung, ngân hàng được hỏi đều gặp khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực lành nghề và có trình độ cao cho chính doanh nghiệp của họ. Nguyên nhân chính của việc này là do các doanh nghiệp thiếu thông tin và chưa tiếp cận một cách hiệu quả được với các dịch vụ đào tạo. Có nhiều sinh viên đã không được định hướng tốt trong việc chọn trường, chọn ngành nghề theo học. Cũng một phần do chất lượng đào tạo ở các cơ sở đào tạo không đáp ứng được nhu cầu, điều này đã tạo ra sự lãng phí lớn đối với bản thân người được đào tạo và đối với xã hội, đó chính là sự yếu kém trong công tác quản lý nguồn nhân lực có chất lượng cao và suy cho cùng thì lực lượng lao động ở Việt Nam chưa phát triển.

pl
Nguồn lao động chất lượng cao trong một số lĩnh vực như cơ khí chế tạo, tự động hoá...vấn còn bị thiếu hụt. ảnh MH

Theo nhận định của nhiều chuyên gia có trách nhiệm thì nguồn lao động chất lượng cao trong một số lĩnh vực như cơ khí chế tạo, tự động hoá, vật lý nguyên tử, kinh doanh thương mại quốc tế, kế toán kiểm toán, tín dụng, ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục bị thiếu hụt và khan hiếm. Hầu hết các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi được hỏi đều cho rằng tuyển dụng được cán bộ nghiệp vụ giỏi đã khó, nhưng tuyển dụng được cán bộ quản lý giỏi còn khó hơn rất nhiều. Đồng thời, việc giữ lao động giỏi ở lại doanh nghiệp cũng là việc không dễ dàng. Điều này một lần nữa cho thấy trong tương lai khi mà cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu qua đi, các doanh nghiệp sẽ tiến hành tái cấu trúc và nhu cầu nhân lực có chất lượng cao ngày càng tăng lên thì chắc chắn sự mất cân đối  giữa cung và cầu về lao động sẽ diễn ra ngày càng trầm trọng hơn nếu như Việt Nam không có những biện pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề này ngay từ bây giờ.

III. GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI  CÁC TRƯỜNG ĐẠI  HỌC

Có thể nói Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa ở Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa ở Thành phố Hồ Chí Minh là những cơ sở đào tạo có đầu vào tuyển sinh hệ đại học cao nhất đất nước. Trong những năm vừa qua, các trường này đã chứng tỏ có điều kiện và khả năng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về nhiều lĩnh vực.Mặc dù nhiều năm qua sinh viên của các trường này khi tốt nghiệp ra trường đã được xã hội tín nhiệm. Song, các trường  vẫn luôn tìm hướng đi mới để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực.

Chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mà các trường cần tiến hành dưới đây:

ủ
Đa dạng hóa đào tạo nhân lực chất lượng cao

Một là, cần luôn trau dồi và nâng cao kiến thức thực tế, kỹ năng nghề nghiệp và năng lực dùng tiếng nước ngoài, đi đôi với mở rộng liên kết với các doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các hình thức đa dạng như mời doanh nghiệp có danh tiếng cùng tham gia giảng dậy, tổ chức cho sinh viên thực tập nhiều lần tại doanh nghiệp.

Bên cạnh trách nhiệm của lãnh đạo các trường, của các thầy giáo, cô giáo, cần xây dựng quy trình, quy chế rõ ràng hơn để tất cả mọi người, kể cả sinh viên phải có trách nhiệm tham gia.Mỗi sinh viên cần xác định rõ mục tiêu, động cơ học tập, thái độ học tập để tự giác học tập, không được gian dối trong thi cử, có ý thức tự học ở nhà, ở trường và ở mọi lúc, mọi nơi.

Hai là, mở rộng liên kết và hợp tác với các trường đại học danh tiếng trên thế giới (cả đào tạo đại học và sau đại học) nhằm nâng cao năng lực giảng dậy của đội ngũ giảng viên, luôn bổ sung mới giáo trình và tài liệu giảng dậy, tạo mọi thuận lợi để sinh viên được tiếp cận với những kiến thức mới nhất trên thế giới. Đa dạng hoá các kênh và phương thức đào tạo, mở rộng việc hợp tác giữa các trường đại học trong nước với nhau, các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước với các Bộ, ngành Trung ương và cơ sở.

Ba là, hợp tác và tận dụng triệt để sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế về các lĩnh vực mà  các trường đang quan tâm để nâng cao hơn nữa năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học, từ đó giúp cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, cũng rất cần quan tâm tới việc thu hút được nguồn nhân lực là chuyên gia Việt Kiều ở khắp thế giới có kiến thức uyên thâm về từng lĩnh vực hợp tác với  các trường trong lĩnh vực giảng dậy và nghiên cứu khoa học.

Bốn là, để làm tốt các vấn đề như đã nói ở trên, rất cần sự đầu tư nhiều mặt của Nhà nước về giáo dục đại học về cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo, Chính phủ cần có những chính sách động viên, khuyến khích để các doanh nghiệp đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và các doanh nghiệp cũng cần chủ động, có trách nhiệm đóng góp về cơ sở vật chất và kỹ năng thực tế cho các trường.

IV.KẾT LUẬN

Điều kiện để tạo được lợi thế cạnh tranh trong thời đại ngày nay là đầu tư phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đi đôi với cấu trúc lại nền kinh tế. Cạnh tranh kinh tế hiểu theo nghĩa rộng chính là cạnh tranh về giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ. Chính vì hiểu đúng theo nghĩa rộng như vậy mà vào những năm cuối của thế kỷ 20 Việt Nam đã đưa giáo dục và đào tạo lên quốc sách hàng đầu. Bất cứ nước nào nếu làm chủ được các ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn, nước đó sẽ có sức cạnh tranh kinh tế mạnh.Tuy nhiên, để có được như vậy vấn đề cơ bản là phải có đầu tư xứng đáng vào giáo dục đào tạo, tức là đầu tư vào nguồn tài nguyên con người, đào tạo nguồn nhân lực có năng lực trí tuệ và tay nghề cao, có khả năng tiếp nhận và sáng tạo tri thức và công nghệ mới.

Hơn nữa, để phát triển được nguồn nhân lực có chất lượng cao cần phải có thời gian và có sự đầu tư thích đáng về mọi mặt. Công việc này không thể tiến hành một sớm một chiều, độ trễ về thời gian trong đầu tư vào nguồn nhân lực kể từ khi bắt đầu cho đến khi nguồn nhân lực phát huy hiệu quả là rất đáng kể. Thực tế quá trình phát triển của các nước Đông á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... đã chứng minh cho điều này. Hiện nay, hơn lúc nào hết Việt Nam cần phải hết sức nhanh chóng tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ và hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho hội nhập kinh tế để có thể đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp hoá trong tương lai, đó chính là mong mỏi và là khát vọng của mỗi người dân Việt Nam có tinh thần yêu nước và lòng tự trọng dân tộc./.

TVH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ