Công việc ít sáng tạo mất chỗ đứng
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, nghiên cứu sinh, giảng viên bộ môn Ngân hàng số, Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, sự phát triển của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đang tạo ra những chuyển biến mang tính cấu trúc đối với nguồn nhân lực ngành ngân hàng. Là lĩnh vực có mức độ ứng dụng công nghệ cao, ngành ngân hàng từ lâu đã tiên phong trong việc tích hợp AI, dữ liệu lớn (Big Data), blockchain và điện toán đám mây vào hoạt động kinh doanh.
Xu hướng này tác động mạnh mẽ đến cơ cấu nhân sự, lực lượng giữ vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi.
Ông Tùng dẫn chứng, theo một nghiên cứu năm 2023, khoảng 30% công việc mang tính lặp lại, tốn kém chi phí và ít giá trị sáng tạo trong ngành tài chính - ngân hàng có thể được tự động hóa vào năm 2030. Tương tự, nghiên cứu của Lamarre, Smaje và Zemmel vào cùng năm cho rằng khoảng 50% các nghiệp vụ cơ bản như xử lý giao dịch, nhập liệu và đối chiếu chứng từ sẽ được tự động hóa trong tương lai gần.
Ngược lại, theo báo cáo của Accenture (2023), chỉ 12% nhân viên ngân hàng hiện nay sử dụng thành thạo công cụ AI và phân tích dữ liệu, nhưng nhóm này tạo ra tới 30% giá trị gia tăng trong hoạt động kinh doanh.
Tại Việt Nam, báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến hết 2024, hơn 95% các ngân hàng đã thực hiện chiến lược chuyển đổi số toàn diện, có ngân hàng có tới 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số. Song song đó, nhiều ngân hàng xác nhận tình trạng “khát” nhân lực số và ưu tiên tuyển dụng nhân sự công nghệ cao về cả số lượng và chất lượng trong thời gian tới.
“Việc định vị lại vai trò của nguồn nhân lực trong môi trường ngân hàng số không chỉ mang tính thích ứng, mà còn là chiến lược phát triển dài hạn để nâng cao lợi thế cạnh tranh”, giảng viên Nguyễn Thanh Tùng khẳng định.
Tăng mạnh công việc có giá trị gia tăng cao
Ngân hàng số là không gian để thử nghiệm và phát triển các năng lực công nghệ, sáng tạo, ra quyết định chiến lược, từ đó nâng cao vị thế cá nhân trong tổ chức và khả năng thích ứng trên thị trường lao động.
Mô hình mới này không đơn thuần là hình thái công nghệ hóa hệ thống giao dịch, mà là sự chuyển dịch toàn diện trong tư duy quản trị và vận hành. Trong đó, con người không bị thay thế bởi máy móc, mà được giải phóng khỏi các công việc lặp lại để tập trung vào những nhiệm vụ yêu cầu tư duy, phân tích, ra quyết định và đổi mới dịch vụ, tức là những công việc có giá trị gia tăng cao hơn như tư vấn tài chính, phát triển sản phẩm số, quản lý rủi ro công nghệ, hay chuyển đổi vận hành.
Sự chuyển dịch này đòi hỏi nhân sự phải sở hữu những năng lực số hóa toàn diện, bao gồm hiểu biết và ứng dụng công nghệ AI; kỹ năng phân tích dữ liệu lớn; khả năng thiết kế, đổi mới mô hình kinh doanh số; tư duy linh hoạt trong môi trường vận hành thông minh.
Từ những chuyển dịch mang tính cách mạng về nhân sự trong lĩnh vực ngân hàng, việc tái cấu trúc nhân sự sẽ là xu thế chung và hướng đi bắt buộc nhằm tối ưu chi phí và tăng trưởng hiệu quả.
Theo báo cáo Future of Jobs 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, dự báo đến năm 2026, AI sẽ tạo ra hơn 69 triệu việc làm mới, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghệ và sáng tạo số. Đây là bằng chứng cho thấy xu hướng công nghệ không làm mất đi việc làm mà đang tái định nghĩa lại bản chất công việc và mở ra những cơ hội mới cho nhân sự có khả năng thích ứng.
Một dẫn chứng khác từ Navigos Group, top 10 ngành tuyển dụng nhiều nhân sự nhất ở Việt Nam từ 2022 tới nay có thể kể đến các ngành Tài chính - Ngân hàng, Công nghệ thông tin, … Trong đó, các ngân hàng với xu thế chuyển dịch mạnh mẽ trong ứng dụng các nền tảng công nghệ số vào tất cả các hoạt động vẫn đã và đang đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự Công nghệ thông tin, AI, phân tích dữ liệu và các vị trí liên quan đến phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính số. Xu hướng này tiếp tục được củng cố mạnh mẽ trong các năm tiếp theo khi nhiều ngân hàng Việt Nam tiếp tục mở rộng và phát triển dịch vụ ngân hàng số.