Phát triển giáo dục mầm non vùng khó: Đòn bẩy từ chính sách

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Quan tâm phát triển giáo dục vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và tập trung nguồn lực cho khu vực này.

Giờ chơi của trẻ điểm trường Mầm non Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: TG
Giờ chơi của trẻ điểm trường Mầm non Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: TG

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy vẫn có sự chênh lệch về điều kiện dạy học, chất lượng giáo dục đòi hỏi đầu tư tập trung và toàn diện để trẻ dù ở đâu cũng được tiếp cận nền giáo dục như nhau.

TS Nguyễn Ngọc Hiền, thành viên Tiểu ban Giáo dục Mầm non, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực:

Chênh lệch vùng miền


Cơ sở vật chất trang thiết bị, tài liệu, học liệu đồ dùng, đồ chơi tại các cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn còn thiếu; môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học hạn chế, chưa đảm bảo điều kiện để phát triển các lĩnh vực giáo dục cho trẻ, nhất là phát triển ngôn ngữ và tăng cường khả năng tiếng Việt. Nhiều điểm lẻ chưa có đủ phòng học, phải mượn nhà sinh hoạt văn hóa của thôn buôn, nhà của dân để làm phòng học cho trẻ... - TS Nguyễn Ngọc Hiền

Trong giai đoạn vừa qua, mạng lưới trường lớp mầm non ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn từng bước được sắp xếp, quy hoạch, đầu tư để đáp ứng yêu cầu đưa trẻ tới trường. Các điểm trường lẻ được sắp xếp lại để tăng nguồn đầu tư, tránh dàn trải; hệ thống cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn đã đáp ứng được nhu cầu của nhân dân tại các địa bàn nói trên.

Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn còn gặp rất nhiều khó khăn như: Mạng lưới trường mầm non dù đã đầu tư nhưng mới chỉ thu hút được 54% trẻ em tới trường, còn 46% trẻ em chưa được tiếp cận giáo dục.

Do đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, hầu hết địa bàn vùng khó khăn còn nhiều điểm trường lẻ (9.356 điểm trường) khó dồn dịch do khoảng cách xa, điều kiện giao thông không thuận lợi, dân cư sống rải rác, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Cơ sở vật chất dù đã được quan tâm tuy nhiên mới có 54,6% phòng học kiên cố, tỷ lệ phòng học tạm, nhờ mượn còn cao (6,6%). Nhiều cơ sở giáo dục mầm non còn thiếu diện tích, đặc biệt tại các điểm trường lẻ, khu vực vùng núi cao không thể mở rộng diện tích do không có đất, trường/điểm trường cạnh vực sâu, núi cao; nhiều địa bàn không thể xây dựng kiên cố do không thể chuyển được vật liệu... Đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học còn thiếu so với nhu cầu, hằng năm chưa bổ sung kịp để cho trẻ sử dụng; tại vùng sông nước, miền núi, hải đảo các công trình xuống cấp nhanh...

Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ thuộc vùng khó khăn còn có sự chênh lệch so với vùng thuận lợi: Tỷ lệ trẻ em được tổ chức học 2 buổi/ngày đạt 97% (thấp hơn 0,9% so với bình quân chung toàn quốc); tỷ lệ trẻ em được tổ chức ăn bán trú đạt 82,1% (thấp hơn 9,9% so với trung bình chung), tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 6,7% (cao hơn 4,7% so với bình quân chung toàn quốc), thể thấp còi còn 5,8% (cao hơn 3,1% so với bình quân chung toàn quốc). Đây là những rào cản cần phải tháo gỡ để giáo dục mầm non vùng khó phát triển.

TS Cù Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT:

Đời sống nhà giáo gặp nhiều khó khăn


Giáo viên vùng khó chịu áp lực về mặt thời gian. Nhiều nơi, tại các điểm lẻ chỉ có 1 giáo viên/lớp. Giáo viên phải kiêm cả việc phải đón và trả trẻ vì một số phụ huynh bận việc nương rẫy không đưa đón con em hằng ngày. Chính vì vậy, giáo viên thiếu thời gian để xây môi trường trong lớp học, tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với trẻ.

Bên cạnh đó, các vùng dân tộc thiểu số, miền núi do điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội không thuận lợi nên đội ngũ giáo viên thường không ổn định, thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển dụng. Chính sách tiền lương hỗ trợ cho giáo viên còn thấp so với đặc thù công việc và chưa công bằng so với cấp học phổ thông.

Ở nhiều điểm bản không có nhà công vụ hay phòng cho giáo viên ở, trong khi đó nhà lại xa, GV phải dùng phòng học của trẻ để sinh hoạt vào buổi tối. Những vấn đề này tạo nên khó khăn chung, áp lực, tâm lý lo lắng, không yên tâm công tác đối với đội ngũ giáo viên mầm non công tác tại khu vực miền núi, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số. Để phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, miền núi, dân tộc thiểu số, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ giảm bớt các khó khăn đặc thù cho vùng.

Ông Vương Văn Bằng: Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái:

Tăng cường đầu tư cho thầy và trò


Là tỉnh miền núi có địa hình địa lý phức tạp, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, tính đến tháng 5/2022, Yên Bái có 100 cơ sở giáo dục mầm non nằm trong khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn với 1.066 nhóm, lớp. Tỷ lệ huy động nhà trẻ đạt 16%; mẫu giáo đạt 89%; 100% trẻ em mầm non tại cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành.

Các chính sách cho trẻ em và giáo viên được tỉnh Yên Bái ban hành giai đoạn vừa qua đã tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em ra lớp. Đời sống của đội ngũ nhà giáo vùng khó khăn được quan tâm để giảm bớt một phần khó khăn, yên tâm công tác và gắn bó với nghề.

Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn Yên Bái còn gặp nhiều trở ngại như: Cơ sở vật chất trang thiết bị tối thiểu, tài liệu, học liệu đồ dùng, đồ chơi tại các cơ sở giáo dục mầm non còn thiếu thốn; phòng học, phòng chức năng, hệ thống công trình phụ trợ chưa đảm bảo tiêu chuẩn.

Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ thuộc vùng khó khăn còn chênh lệch so với vùng thuận lợi. Đội ngũ giáo viên thiếu so với định mức quy định, giáo viên bổ sung chưa đáp ứng quy mô phát triển; chính sách tiền lương hỗ trợ cho giáo viên còn thấp so với đặc thù công việc tạo nên khó khăn chung. Chế độ chính sách mới chỉ quan tâm đến trẻ mẫu giáo, trẻ nhà trẻ đến trường không được hưởng chính sách mặc dù cùng đối tượng dẫn đến mất cân bằng trong giáo dục.

Để tiếp tục phát triển giáo dục mầm non vùng khó, Nhà nước cần đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi tối thiểu cho các trường mầm non, đảm bảo điều kiện phục vụ dạy học theo danh mục thông tư quy định.

Tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho giáo viên vùng khó khăn để thu hút, đảm bảo đời sống và yên tâm công tác, gắn bó với vùng cao. Nhà nước có chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ nhà trẻ ở các xã, bản đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, lớp.

TS Trần Thị Hoàng Yến, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh:

Chương trình đào tạo giáo viên mầm non cần bám sát thực tế


Công tác tại vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, giáo viên gặp nhiều khó khăn khi phải dạy lớp ghép đa dân tộc với nhiều độ tuổi khác nhau, trong khi số lượng giáo viên biết tiếng mẹ đẻ của trẻ còn ít.

Mỗi giáo viên người dân tộc thiểu số hoặc giáo viên đã được bồi dưỡng tiếng dân tộc cũng chỉ biết thêm từ 1 đến 2 ngôn ngữ nhưng việc sử dụng còn hạn chế. Ngoài ra, trong một lớp học có nhiều dân tộc khiến giáo viên gặp khó khăn trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ.

Chương trình giáo dục mầm non quy định chế độ sinh hoạt cho trẻ mầm non là 10 giờ/ngày. Ở các vùng núi cao, điểm bản, cha mẹ trẻ thường đi làm sớm, về muộn nên giáo viên phải thực hiện chế độ làm việc vượt quá so với Thông tư số 48/TT-BGDĐT. Dù đã được Chính phủ bổ sung biên chế cho vùng khó khăn, tuy nhiên đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng.

Chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non chưa sát thực tế, còn chậm đổi mới. Trong khi đó, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giáo viên mầm non được xác định là vấn đề then chốt, quan trọng của các cơ sở đào tạo, rất cần tiếng nói chung của các bên.

Tôi cho rằng, các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non cần chủ động nghiên cứu và đề xuất thực hiện các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng bám sát thực tiễn, phù hợp với vùng miền, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, cần lưu tâm đến yếu tố tiếng dân tộc và tiếng Việt của trẻ vì đây là chìa khóa để trẻ tiếp thu kiến thức.

Nghiên cứu, đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực giáo dục mầm non cho vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó khuyến nghị xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp khung năng lực và chuẩn đầu ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.