Tiếp cận Quyền trẻ em
TheoGS.TS Lê Anh Vinh, Quyền trẻ em theo Công ước Quyền Trẻ em, 1989 (Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á phê chuẩn Công ước này vào năm 1990) và Luật trẻ em, 2016 ở Việt Nam với 25 quyền cụ thể, nhưng tựu trung lại đều thống nhất nguyên tắc chung:
Bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em; Bảo đảm sự tham gia của trẻ em) và quan tâm đến 4 nhóm quyền: Quyền được sống còn; Quyền được bảo vệ; Quyền được phát triển; Quyền tham gia. Tiếp cận Quyền trẻ em vào Chương trình Giáo dục Mầm non (GDMN) thể hiện ở nhiều cấp độ, theo đó lấy các Quyền trẻ em làm cơ sở xác định kết quả mong đợi và lấy các nguyên tắc về Quyền trẻ em làm điều kiện, khuôn khổ cho quá trình đạt kết quả đó.
Hiểu đơn giản của việc tiếp cận Quyền trẻ em trong Chương trình GDMN chính là bảo đảm yêu cầu xây dựng được môi trường học tập an toàn, lành mạnh, thân thiện, không phân biệt đối xử đối với trẻ em. Cụ thể hơn, tiếp cận Quyền trẻ em trong xây dựng Chương trình GDMN quốc gia bằng cách đưa các giá trị của Quyền trẻ em lồng ghép vào một số quan điểm, nguyên tắc, phương pháp giáo dục trong Chương trình.
Ông Vinh lý giải như: Sự tham gia/ ảnh hưởng của trẻ em; Bình đẳng và không phân biệt đối xử; Phẩm giá; Tôn trọng (không có sự phân biệt đối xử về văn hoá, dân tộc, ngôn ngữ, hoàn cảnh gia đình, địa vị xã hội…) và sự hoà nhập của trẻ - nhấn mạnh đến sự khác biệt của mỗi cá nhân...
Tiếp cận năng lực
Tiếp cận năng lực là một trong những yêu cầu quan trọng của Chương trình GDMN mới đặt ra. Năng lực theo nghĩa rộng bao gồm cả các giá trị/ phẩm chất và năng lực.Chương trình GDMN theo tiếp cận năng lực thể hiện trước hết ở kết quả mong đợi của Chương trình- những gì trẻ em thực hiện được sau quá trình giáo dục.
Năng lực của trẻ em sau quá trình giáo dục thể hiện ở nhiều tầng/ bậc- xa nhất là mục tiêu giáo dục, thể hiện những năng lực (giá trị, năng lực) chung, cốt lõi mà Chương trình hướng đến đạt được cuối giai đoạn mầm non (chú ý rằng các năng lực cốt lõi cần hình thành cho trẻ mầm non phải liên thông với các năng lực cốt lõi cần hình thành ở học sinh theo Chương trình GDPT 2018 ở Việt Nam).
Tiếp theo là những năng lực cuối độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo- kết quả đầu ra mong đợi; gần nhất là những kết quả giáo dục cụ thể như là các yêu cầu cần đạt ở trẻ em theo các lĩnh vực nội dung/ chủ đề giáo dục mà người GVMN có thể giám sát được trong quá trình giáo dục.
Chính mục tiêu và kết quả đầu ra mong đợi theo độ tuổi sẽ quyết định những nội dung giáo dục cơ bản cho trẻ MN các độ tuổi trong Chương trình, đồng thời, chi phối các hoạt động giáo dục, phương pháp và hình thức giáo dục trẻ em mà GV lựa chọn, sử dụng trong quá trình giáo dục trẻ.
Giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm
Theo GS Lê Anh Vinh, tiếp cận lấy trẻ em làm trung tâm trong xây dựng Chương trình GDMN mới dựa trên cơ sở các luận cứ khoa học về giáo dục và sự phát triển của trẻ em lứa tuổi mầm non; vui chơi là hoạt động chủ đạo và là phương thức học tập hiệu quả của trẻ em mầm non. Lấy trẻ em làm trung tâm còn thể hiện về cuộc sống đầy đủ của một đứa trẻ ở tất cả các giai đoạn của thời thơ ấu (trẻ Nhà trẻ và mẫu giáo, còn gọi là tiếp cận theo vòng đời).
Điều này thể hiện đặc trưng của độ tuổi và khả năng của trẻ em - đưa ra nội dung và phương pháp giáo dục mầm non phù hợp với quy luật phát triển tâm lý và khả năng của trẻ theo lứa tuổi. Đồng thời thể hiện tiếp cận cá nhân- quá trình giáo dục có tính đến các đặc điểm, năng lực và sở thích riêng của trẻ em, đảm bảo liên thông giữa các độ tuổi và chuẩn bị chuyển tiếp thành công cho trẻ vào học lớp 1 tiểu học.
Yếu tố toàn diện và hài hoà, được đặt theo hướng đa chiều bao gồm việc trẻ cảm thấy khỏe mạnh về thể chất, cá nhân, xã hội, tình cảm và tinh thần cũng như các khía cạnh nhận thức của việc học. Hài hoà trong sự quan tâm, tôn trọng sự phát triển của từng trẻ, đặc trưng của nhóm trẻ trong mối quan hệ với con người, tự nhiên/thiên nhiên và văn hoá, xã hội ở từng cộng đồng.
Chương trình GDMN quốc gia là Chương trình Khung, tạo cơ hội cho các địa phương, khu vực và từng cơ sở GDMN phát triển Chương trình GDMN phù hợp. Cách tiếp cận này cung cấp khả năng phát triển Chương trình dựa trên điểu kiện, khả năng và nhu cầu cụ thể của khu vực và sự thay đổi của quá trình giáo dục tùy thuộc vào các đặc điểm cụ thể của khu vực, nhà trường và lớp học, đảm bảo sự tham gia của các lực lượng giáo dục trong phát triển Chương trình GDMN. - GS Lê Anh Vinh