Nâng chất lượng giáo dục mầm non vùng khó: Thành quả từ nỗ lực lớn lao

GD&TĐ - Với nỗ lực vượt khó cùng sự đồng lòng, quyết tâm cao, nhiều trường Mầm non tại Thanh Hóa đã duy trì tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường đạt 100%. Đồ dùng học liệu, công tác bán trú đảm bảo việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ.

Giờ thể dục nhẹ nhàng của các bé Trường Mầm non Đông Thọ B (TP Thanh Hóa).
Giờ thể dục nhẹ nhàng của các bé Trường Mầm non Đông Thọ B (TP Thanh Hóa).

Nỗ lực vượt khó

Trường Mầm non Cổ Lũng (xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước) thuộc huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, với địa hình lắm đồi, nhiều núi, dân cư chủ yếu là đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống.

Ngôi trường vùng cao này đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi từ năm 2012 và được duy trì cho đến nay. Bằng sự nỗ lực vượt khó, giờ đây ngôi trường như một biểu tượng của sự vươn lên trong cái khó, cái nghèo.

Về đảm nhận cương vị hiệu trưởng dù mới gần 2 năm nay, song cô Hà Thị Như luôn cảm thấy nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Mỗi ngày được nghe tiếng cười đùa của trẻ thơ cùng sự hài lòng của phụ huynh về ngôi trường xanh – sạch – đẹp, khiến nữ hiệu trưởng có thêm động lực để nỗ lực nâng chất lượng PCGDMN.

“Trong những năm qua và hiện tại, nhà trường luôn tuyên truyền về tầm quan trọng của PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, huy động trẻ ra lớp đạt tỷ lệ 100%. Đồng thời, làm tốt công tác điều tra trẻ trên địa bàn; sử dụng thành thạo phần mềm phổ cập GD”, cô Như chia sẻ.

Theo cô Như, năm học 2021-2022, toàn trường có 179 trẻ, trong đó nhà trẻ gồm 24 bé (đạt tỷ lệ 21% trẻ ra lớp); mẫu giáo gồm 155 bé (đạt tỷ lệ 100% trẻ ra lớp). Trường có 1 khu chính, 2 điểm lẻ và đã tổ chức bán trú từ năm học 2013-2014.

Chất lượng đội ngũ cũng luôn được Ban giám hiệu (BGH) nhà trường chú trọng, đặc biệt là giáo viên (GV) đứng lớp 5 tuổi. Cụ thể, so với năm học trước, hiện chất lượng GV đã thay đổi rõ rệt, với số lượng GV giỏi cấp huyện tăng 10%, sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh cũng tăng 5%.

Cô và trò Trường Mầm non Cổ Lũng (Bá Thước) trong giờ nghe kể chuyện.
Cô và trò Trường Mầm non Cổ Lũng (Bá Thước) trong giờ nghe kể chuyện.

“Năm học này, chúng tôi đã huy động nguồn lực từ phụ huynh học sinh sửa chữa và mở thêm 1 phòng học cho nhóm trẻ 25 - 36 tháng tuổi. Vận động trẻ ra lớp tăng lên 21% so với độ tuổi, tăng 6% so với năm học 2020–2021”, cô Như cho hay.

Với đặc thù là ngôi trường vùng sâu, vùng xa, học sinh chủ yếu là con em người đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, nhà trường đã tích cực triển khai chuyên đề tăng cường tiếng Việt cho trẻ đến toàn thể cán bộ, giáo viên.

Đồng thời, nâng cao chất lượng bữa ăn, thay đổi thực đơn hợp lý theo mùa. Đặc biệt, theo cô Như, việc đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục mầm non đã mang lại kết quả đáng khích lệ.

Trong đó, phương pháp lấy trẻ làm trung tâm đã tạo cơ hội cho trẻ được tìm tòi phát huy năng lực sẵn có của mình. Khi tổ chức các hoạt động với hình thức đa dạng, trẻ không chỉ được trải nghiệm, quan sát mà còn được thực hành… Từ đó giúp phát triển tư duy, nhân cách cho trẻ một cách toàn diện.

Gắn bó với nghề từ những năm 2000, thời điểm phụ cấp của nghề dạy học chỉ là 90.000 đồng mỗi tháng và 15kg thóc, trường lớp còn tạm bợ…; thế nhưng, bằng tình yêu nghề, cô Hà Thị Như cũng như bao cô giáo nơi vùng cao này vẫn quyết tâm bám trụ để tiếp tục hành trình gieo chữ nơi rẻo cao.

Theo Hiệu trưởng Hà Thị Như, một trong những khó khăn hiện nay của nhà trường đó là ở các lớp điểm lẻ vẫn còn dạy ghép 3 độ tuổi, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu thốn. Ngoài ra, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp còn thấp, hiện chỉ đạt 21% và không được hưởng chế độ, chính sách gì.

Hoạt động vui chơi ngoài trời của các bé Trường Mầm non Cổ Lũng.
Hoạt động vui chơi ngoài trời của các bé Trường Mầm non Cổ Lũng.

“Với cương vị là nhà quản lý giáo dục, gánh trên vai nhiều trách nhiệm, đôi lúc cũng khiến tôi áp lực, lại thiếu một phó hiệu trưởng để san sẻ công việc. Trình độ đào tạo giáo viên chính quy hiện vẫn còn ít; nền kinh tế phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý”, cô Như trải lòng.

Đảm bảo điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ

Đối với Trường Mầm non Đông Thọ B (TP Thanh Hóa), nhiều năm qua nhà trường luôn giữ vững chất lượng PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, với tỷ lệ trẻ đến trường đúng độ tuổi đạt 100%.

Năm học 2021-2022, nhà trường có tổng số học sinh là 220 theo hồ sơ đăng ký, trong đó tỷ lệ các bé tới trường thường xuyên là 180. Theo cô Lê Thị Lan Anh – Hiệu trưởng nhà trường, một trong những điều kiện thuận lợi của trường đó là môi trường học tập đảm bảo xanh – sạch – đẹp và an toàn.

Bên cạnh đó, đồ dùng học liệu, đồ chơi cho bé, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học, công tác bán trú luôn đồng bộ, đảm bảo đủ điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ.

“Với nhà trường, công tác xã hội hóa về đồ dùng học liệu, đồ chơi cho các con thực hiện rất tốt, nhận được sự quan tâm, đồng tình của phụ huynh học sinh. Mặc dù, mặt bằng đời sống tại đây tuy chưa cao song phụ huynh luôn có ý thức về xã hội hóa và rất ủng hộ chủ trương, đường lối của nhà trường.

Trung bình mỗi năm nhà trường huy động khoảng 60 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa”, cô Lan Anh chia sẻ.

Chương trình văn nghệ đặc sắc của trẻ Trường Mầm non Đông Thọ B.
Chương trình văn nghệ đặc sắc của trẻ Trường Mầm non Đông Thọ B.

Theo Hiệu trưởng Lê Thị Lan Anh, những năm qua nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương. Đặc biệt là sự đoàn kết, nhất trí cao trong tập thể cán bộ, GV, nhân viên nhà trường.

“Mặc dù trường vẫn còn số lượng GV hợp đồng, song các cô rất gắn bó, chịu thương, chịu khó, nhiệt tình chấp nhận khó khăn. Vì vậy, cũng đỡ đi nỗi lo phần nào cho BGH”, cô Lan Anh nói.

Bên cạnh những thuận lợi, cô Lan Anh cho rằng, hiện nay nhà trường cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Ngoài thiếu GV đứng lớp, khó khăn lớn nhất hiện nay là các tòa nhà phục vụ dạy và học được xây dựng theo thiết kế từ những năm 1990 nên phòng chật hẹp, nhiều hạng mục xuống cấp, nhất là khu vực nhà bếp.

“Theo kế hoạch, tháng 11 tới nhà trường sẽ công nhận lại đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Hiện, UBND phường cũng đã làm việc với nhà trường, tiến hành khảo sát để có kế hoạch cải tạo, tu bổ”, cô Lan Anh chia sẻ.

Đối với công tác giáo dục kỹ năng cho trẻ, cô Lan Anh cho biết, nhà trường luôn chú trọng tổ chức thường xuyên, xuyên suốt năm học thông qua các hoạt động học tập, vui chơi hàng ngày. Các hoạt động này giúp trẻ cải thiện và nâng cao những kỹ năng cần thiết.

Ngoài đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 năm 2016, Trường Mầm non Đông Thọ B đã đạt danh hiệu Trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh năm 2021, Đơn vị kiểu mẫu năm 2020…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.