Phát triển đội ngũ cốt cán là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt giai đoạn triển khai đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, để phát huy tối đa vai trò của đội ngũ này vẫn còn những trăn trở.
Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình: Tạo động lực cho đội ngũ
Phần lớn cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán cấp tiểu học của tỉnh Hòa Bình đang công tác ở vùng nông thôn, miền núi, điều kiện sống và môi trường công tác khó khăn. Nhìn chung, đa số thầy cô gương mẫu, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, có ý chí vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao. 100% cốt cán đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục và được tham gia đầy đủ các nội dung tập huấn của Bộ/sở GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Cơ cấu đội ngũ cốt cán tương đối hợp lý, đủ về số lượng và có những năng lực mới như sáng tạo, tầm nhìn, lôi cuốn, thu hút, thúc đẩy giáo viên thực hiện đổi mới và xây dựng môi trường giáo dục sáng tạo…
Tuy nhiên, trình độ và năng lực ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin của một bộ phận giáo viên cốt cán còn hạn chế. Giáo viên cốt cán thường xuyên đi tập huấn, họp chuyên môn, tham gia các hội đồng góp ý, bình chọn sách giáo khoa, hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp… Kiêm nhiệm nhiều việc, nhưng vẫn làm những nhiệm vụ của cán bộ quản lý, giáo viên vẫn phải bảo đảm đủ tiết dạy theo quy định nên quá tải thời gian làm việc.
Để phát triển đội ngũ cốt cán, Sở GD&ĐT Hòa Bình đã triển khai một số giải pháp. Trước hết là nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán theo tiếp cận năng lực; giúp đội ngũ hiểu rõ vai trò của giáo viên cốt cán trong sự nghiệp đổi mới, phát triển giáo dục ở địa phương.
Cùng đó, lập kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán phù hợp với quy mô của nhà trường và năng lực giáo viên. Chủ động phát hiện, lựa chọn giáo viên có năng lực chuyên môn để xây dựng kế hoạch đào tạo, sử dụng, bồi dưỡng, bổ sung, thay thế giáo viên cốt cán hiện có khi cần thiết nhằm bảo đảm đội ngũ này đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và có chất lượng cao.
Một giải pháp quan trọng là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để đội ngũ giáo viên cốt cán phát triển năng lực; bảo đảm thầy cô có cuộc sống vật chất, tinh thần ổn định; thực hiện tốt chế độ, chính sách, tạo động lực phát triển đội ngũ. Tuyển chọn, sử dụng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán dựa vào chuẩn năng lực, tăng cường công tác bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ này.
Cô Nguyễn Thị Hồng Thúy - Tổ trưởng chuyên môn tổ Tiếng Anh, Trường THPT Đặng Trần Côn, Thừa Thiên Huế: Mong cải thiện chính sách đãi ngộ
Với vai trò tổ phó, tổ trưởng chuyên môn hơn 10 năm nay, tôi nhận thấy việc trở thành giáo viên cốt cán đã mang lại một số cơ hội phát triển nhất định cho bản thân; đó là được nâng cao kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy, được phát triển kỹ năng lãnh đạo và tham gia xây dựng mạng lưới chuyên môn trong tỉnh.
Thông qua tham gia các chương trình tập huấn, hội nghị, khóa học nâng cao năng lực chuyên môn, tôi được cập nhật những kiến thức mới, cải thiện phương pháp giảng dạy và áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào lớp học.
Là giáo viên cốt cán, bản thân tôi luôn tự học, cố gắng học hỏi để có thể hỗ trợ, tư vấn cho đồng nghiệp về các vấn đề liên quan đến kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy, giáo dục nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Tôi cũng có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với nhiều giáo viên cốt cán các trường khác, từ đó được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.
Bên cạnh những điều được thụ hưởng, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp có những trăn trở về chế độ dành cho giáo viên cốt cán, như áp lực công việc và cơ hội phát triển.
Giáo viên cốt cán luôn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ giảng dạy đến quản lý và hỗ trợ đồng nghiệp, tham gia các hoạt động phát triển chuyên môn, bảo đảm chất lượng bộ môn, chất lượng giáo dục, duy trì đoàn kết trong nội bộ được phân công quản lý… Điều này góp phần gây ra áp lực và căng thẳng. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ hiện tại chưa tương xứng công sức và trách nhiệm mà giáo viên cốt cán đảm nhận nên ảnh hưởng đến động lực, và sự hài lòng trong công việc. Dù có nhiều cơ hội phát triển chuyên môn, nhưng không phải lúc nào các chương trình tập huấn cũng phù hợp với nhu cầu, mong muốn của bản thân.
Tôi mong rằng, các cơ quan chức năng sẽ xem xét cải thiện chế độ đãi ngộ để đội ngũ này có động lực làm việc và cống hiến nhiều hơn. Cần có sự phân chia hợp lý hơn, giảm bớt gánh nặng công việc để giáo viên cốt cán có thể tập trung vào giảng dạy, phát triển chuyên môn. Bên cạnh đó, cần có các chương trình đào tạo và tập huấn phù hợp với nhu cầu và mong muốn của giáo viên, đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên cốt cán tham gia các khóa học nâng cao ở trong và ngoài nước.
Ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, Nghệ An: Vùng khó khăn thiếu nguồn lực đội ngũ cốt cán
Tại Kỳ Sơn, ngành Giáo dục luôn quan tâm kiện toàn tổ cốt cán chuyên môn các cấp học. Hằng năm, phòng GD&ĐT lựa chọn cốt cán là giáo viên giỏi, hoặc tổ trưởng tổ chuyên môn. Những thầy cô này được giới thiệu, cử tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn các cấp; sau đó về hỗ trợ, có buổi bồi dưỡng chuyên môn ở trường, giúp đỡ giáo viên khác trong công việc…
Đây là điểm mới rất phù hợp trong công tác bồi dưỡng đội ngũ so với trước đây. Bên cạnh đó, mỗi trường học cũng có đội ngũ giáo viên cốt cán, đồng hành, hỗ trợ đồng nghiệp trong quá trình tự bồi dưỡng tại trường, hoặc đồng nghiệp trên cùng địa bàn.
Việc thiết lập đội ngũ giáo viên cốt cán được xem là cách làm hay, mang tính đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Giáo viên cốt cán có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, là người hỗ trợ đồng nghiệp khi cần thiết. Những năm gần đây, chính sách tiếp nhận giáo viên của các huyện miền xuôi quy định, giáo viên miền núi có danh hiệu dạy giỏi cấp huyện, tỉnh, giáo viên có năng lực là được tiếp nhận về công tác.
Chính vì vậy, đội ngũ cốt cán chuyên môn của huyện Kỳ Sơn - huyện miền núi khó khăn đã mỏng, nay lại càng thiếu. Bên cạnh khó khăn trên, công tác phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán của Kỳ Sơn gặp rào cản liên quan đến việc chưa có chính sách cụ thể cho đội ngũ này. Do đó, phòng GD&ĐT đề xuất cần có chính sách (đặc thù) của địa phương để hỗ trợ đội ngũ cốt cán nhằm thúc đẩy, khuyến khích, tạo động lực cho họ yên tâm trong công tác và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị: Chọn đúng người, rõ danh phận
Để chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT 2018, từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch bồi dưỡng các mô-đun kiến thức về chương trình cho cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông cốt cán. Có thể nói, đa số cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông cốt cán được chọn tham gia tập huấn đều là nhà giáo có uy tín, năng lực chuyên môn tốt, được lựa chọn từ cơ sở và do sở GD&ĐT cử tham gia tập huấn. Đây được xem là lực lượng quan trọng, góp phần tích cực vào triển khai Chương trình GDPT 2018 bắt đầu từ năm học 2020 - 2021.
Tại Điều 12 Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành, có hiệu lực từ ngày 10/10/2018, nhiệm vụ của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán được quy định như sau:
Thứ nhất, hỗ trợ, tư vấn cho đồng nghiệp trong trường hoặc các trường trên địa bàn phát triển phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, phù hợp với điều kiện nhà trường, địa phương;
Thứ hai, hỗ trợ, tư vấn cho đồng nghiệp trong trường hoặc các trường trên địa bàn vấn đề liên quan đến đảm bảo và nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục cho học sinh; tham gia biên soạn tài liệu chuyên đề môn học, tài liệu hướng dẫn cho giáo viên, học sinh; tổ chức hướng dẫn các đề tài nghiên cứu khoa học cho học sinh.
Thứ ba, hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong trường hoặc các trường trên địa bàn về hoạt động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, giảng dạy môn học; về việc thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng giáo viên qua mạng Internet; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trong trường hoặc các trường trên địa bàn; tham gia tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu hằng năm của ngành.
Thứ tư, tham mưu, tư vấn cho cấp quản lý trực tiếp về công tác xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương nhằm bảo đảm mục tiêu, chất lượng dạy học, giáo dục và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên; tham gia báo cáo chuyên môn, nghiệp vụ tại các hội nghị chuyên đề, buổi sinh hoạt chuyên môn của trường hoặc các trường trên địa bàn.
Thứ năm, thực hiện kết nối, hợp tác với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đơn vị nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học giáo dục và khoa học sư phạm ứng dụng.
Đa số các địa phương đều xem việc triển khai tập huấn đại trà là trách nhiệm của giáo viên cốt cán. Công việc thì nhiều, cụ thể là: Vừa báo cáo chuyên đề, vừa hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp hoàn thành các nội dung kiến thức theo yêu cầu của các mô-đun tập huấn, vừa chấm bài làm của giáo viên đại trà, nhưng chế độ không được bao nhiêu và còn tùy vào khả năng kinh tế của các tỉnh. Nhiều giáo viên cho rằng, để chấm bài cho giáo viên đại trà, họ phải đọc, nghiên cứu, sửa bài và thường xuyên liên hệ, tư vấn, hỗ trợ để giúp đồng nghiệp hoàn thành các bài tập cuối khóa nhưng không nhận được khoản bồi dưỡng nào là điều đáng buồn.
Nói tóm lại, lực lượng giáo viên cốt cán của trường phổ thông trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng. Bởi lẽ, bên cạnh những ưu điểm của Chương trình GDPT 2018, qua thực tế triển khai bộc lộ vấn đề mới cần giải quyết. Để đạt được kết quả cao về chất lượng giáo dục, không ai khác, người đi tiên phong về chuyên môn đó là lực lượng giáo viên cốt cán. Muốn làm được điều đó, cần bảo đảm các yếu tố: Chọn đúng giáo viên cốt cán - trao danh phận - khuyến khích bằng chế độ vật chất, tinh thần cụ thể.
Giáo viên cốt cán vẫn làm những nhiệm vụ của một giáo viên bình thường, phải bảo đảm các tiết dạy chuẩn theo quy định. Một số giáo viên cốt cán còn được cử làm thêm một số nhiệm vụ, như đi tập huấn trong và ngoài tỉnh dài ngày; hỗ trợ giảng viên chấm bài trong các đợt tập huấn giáo viên trực tuyến. Tuy nhiên, vì không có quy định cốt cán được giảm định mức tiết dạy, nên mỗi đợt tập huấn, nhà trường tổ chuyên môn phải phân giáo viên dạy thay. Công việc chấm bài cũng chưa có quy định bồi dưỡng kinh phí cho giáo viên cốt cán.
Tôi mong sẽ có chính sách tạo động lực làm việc cho đội ngũ cốt cán, cả khía cạnh vật chất và tinh thần. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán; việc tổ chức cần có kế hoạch, nội dung chương trình, đánh giá kết quả bồi dưỡng… Qua đó giúp giáo viên cốt cán tích lũy thêm kinh nghiệm, kỹ năng trong hoạt động, phát huy những điểm mạnh và khắc phục điều còn hạn chế. - Cô Nguyễn Thị Diệu Hiền - Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Ngữ văn - Trường THPT Đặng Trần Côn, Thừa Thiên Huế