Từ đây, vấn đề công bằng cho người học trong tiếp cận chương trình đào tạo được đặt ra.
Gia tăng cơ hội
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, từ năm 2024 trở đi, nhà trường dừng tuyển sinh chương trình chất lượng cao. Thay vào đó, xây dựng và tuyển sinh 6 chương trình đào tạo tiên tiến, gồm các ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Hàn Quốc, Italia, Anh; Công nghệ thông tin; Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành.
Việc mở mới các chương trình này nhằm tiếp tục duy trì chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp năng lực đào tạo của nhà trường; đồng thời gia tăng cơ hội cho thí sinh, hướng tới việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường lao động.
“Các chương trình chất lượng cao đặt ra yêu cầu chuẩn đầu ra cao hơn, thì nay chúng tôi xây dựng các chương trình tiên tiến sẽ có cùng chuẩn đầu ra. Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế chương trình, chúng tôi tăng cường đào tạo hướng tới thực tế, thực tiễn”, TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay. Theo đó, sinh viên sẽ có cơ hội được đào tạo, thực tập tại doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngoài ra, chương trình có sự linh hoạt, cho phép liên thông ngang, dọc trong nội bộ nhà trường, giữa các chương trình với nhau. Các chương trình có điểm chung là: Chú trọng sử dụng ngoại ngữ trong giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá. Việc này nhằm giúp sinh viên có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ như một công cụ làm việc, học tập. Chương trình cũng trang bị cho người học kỹ năng về học tập suốt đời; có thể phát huy năng lực và khả năng tự học, tự hoàn thiện bản thân, kể cả sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, sinh viên chương trình tiên tiến được ưu tiên trong việc tiếp nhận cơ hội học tập, trao đổi hoặc nhận học bổng ở nước ngoài. “Ví dụ: Sinh viên năm cuối của ngành Ngôn ngữ Trung Quốc có thể đi thực tập hưởng lương tại một số trường đại học ở Đài Loan. Sinh viên ngành Ngôn ngữ Italia có nhiều cơ hội đi học, trao đổi hoặc thực tập tại Italia, bởi Trường ĐH Hà Nội có mối quan hệ với hàng chục trường đại học ở nước này”, TS Nguyễn Tiến Dũng viện dẫn.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Ảnh: TG |
Có công bằng?
Thông tư số 11/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 15/6/2023 đã bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Tuy nhiên, theo TS Vũ Văn Ngọc - Viện trưởng Viện Đào tạo Tiên tiến, Chất lượng cao & POHE (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) đã trao quyền tự chủ cho các trường. Do đó, cơ sở đào tạo sẽ tiếp tục phát huy, phát triển chương trình chất lượng cao. Việc đặt tên chương trình đào tạo cũng thuộc quyền tự chủ của các trường.
“Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đào tạo 18 ngành chất lượng cao. Hiện, các chương trình chất lượng cao đều đạt kiểm định chất lượng”, TS Vũ Văn Ngọc thông tin và cho biết, năm 2024, trường dự kiến phát triển thêm chương trình đào tạo cử nhân Chất lượng cao Bảo hiểm tích hợp chứng chỉ ANZIIF.
Điểm khác biệt của chương trình đào tạo chất lượng cao so với chương trình đại trà là điều kiện đảm bảo chất lượng và học phí. TS Vũ Văn Ngọc trao đổi, các cơ sở đào tạo sẽ không thu học phí liên quan đến chương trình này mà thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.
Theo đó, với những chương trình đã được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, hoặc của các tổ chức quốc tế sẽ được thu theo định mức kinh tế, kỹ thuật, chi phí đào tạo. Học phí chương trình chuẩn của trường năm học 2024 - 2025 từ 16 - 22 triệu đồng/năm/sinh viên, còn chương trình chất lượng cao tùy từng ngành có thông báo cụ thể.
Đặt vấn đề công bằng trong tiếp cận chất lượng đào tạo của trường, TS Vũ Văn Ngọc cho hay, các chương trình chất lượng cao của trường được phát triển dựa trên các chương trình đại trà (chương trình chuẩn). Sự khác biệt có chăng chỉ là rất nhỏ. Chẳng hạn, từ chương trình chuẩn của ngành Công nghệ thông tin, nhà trường phát triển thêm chương trình chất lượng cao về công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Nhấn mạnh, đào tạo các chương trình chất lượng cao thuộc quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trao đổi, việc thiết kế, đặt tên chương trình, quy chế đào tạo do các trường quy định. Tuy nhiên, để có chương trình đào tạo, đòi hỏi phải tuân thủ theo tiêu chuẩn tối thiểu mà Bộ GD&ĐT đã ban hành. Ngoài ra, còn có chuẩn tối thiểu dành riêng cho từng nhóm ngành.
Nói đến chất lượng cao, nhiều người lo lắng mức học phí sẽ cao hơn thông thường. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo. Theo đó, các trường cần giải trình, minh bạch về chi phí vận hành để người học nhận thấy sự thỏa đáng với mức thu học phí. Việc thu học phí cũng phải tuân thủ các quy định của Chính phủ.
Theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật số 34, khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao không còn tồn tại. Việc phát triển các loại chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.
Các đơn vị có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin đối với chương trình đào tạo do trường cung cấp, cam kết với người học về tuyên bố chất lượng đầu ra, đồng thời thực hiện trách nhiệm giải trình với bên liên quan cũng như toàn xã hội.