Thông tin này được PGS.TS Bùi Trần Anh Đào – Ban quản lý đào tạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam – chia sẻ tại Hội thảo tổng kết, đánh giá và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo chương trình tiên tiến tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam diễn ra sáng nay (15/3).
Sinh viên mù mờ thông tin
Một khó khăn khác khi triển khai chương trình, theo PGS.TS Bùi Trần Anh Đào là trình độ Tiếng Anh của sinh viên nói chung còn hạn chế và không đồng đều; thậm chí trình độ Tiếng Anh của một số giảng viên cũng chưa tốt, phát âm không chuẩn, khả năng diễn đạt tiếng Anh còn hạn chế…
Giáo trình nước ngoài khá đầy đủ song chưa có các giáo trình riêng của chương trình tiên tiến; nhiều máy móc trang thiết bị đã xuống cấp nên chất lượng phục vụ chưa cao.
Đặc biệt, tiền học phí của sinh viên theo học các chương trình tiên tiến và chất lượng cao hiện đang áp dụng cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mức học phí bình thường dù là thấp và chưa đáp ứng được các chi phí giảng dạy và đào tạo song vẫn khó khả thi vì hầu hết sinh viên theo học đều là con em nông dân nghèo.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó trưởng khoa Dầu khí Trường ĐH Mỏ - Địa chất - chia sẻ: Sau 5 năm thực hiện và triển khai đào tạo chương trình tiên tiến, bên cạnh các thành quả đạt được, nhà trường còn gặp nhiều khó khăn trước mắt và lâu dài, đặc biệt là vấn đề tuyển sinh.
Số lượng sinh viên giỏi vào trường không nhiều, đặc biệt những thí sinh thi khối A thường hay e ngại, lo lắng sẽ không theo học được chương trình tiên tiến do trình độ Tiếng Anh không tốt.
Sinh viên của trường chủ yếu đến từ các vùng nông thôn nên ít nắm bắt được thông tin về sự tồn tại của chương trình. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, tuyên truyền về chương trình còn hạn chế. Học phí cao cũng là một rào cản lớn trong công tác tuyển sinh chương trình này…
Quyết tâm đẩy mạnh khâu quảng bá
Mặc dù còn không ít khó khăn, nhưng PGS.TS Bùi Trần Anh Đào – Ban quản lý đào tạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam - vẫn khẳng định: Chương trình tiên tiến là chương trình đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ về chuyên môn mà còn về khả năng sử dụng Ngoại ngữ.
Đây là một hướng đi đúng đắn và bắt kịp thời đại của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu lao động lành nghề, giỏi chuyên môn và ngoại ngữ của thị trường ngày càng tăng cao. Sinh viên tốt nghiệp chương trình tiên tiến có chuyên môn, đặc biệt khả năng tiếng Anh tốt.
Theo PGS Bùi Trần Anh Đào, Chương trình tiên tiến tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam chỉ áp dụng cho hai ngành là Quản trị kinh doanh và Khoa học cây trồng.
Kể từ khi tiếp nhận triển khai đề án chương trình tiên tiến, Học viện đã xây dựng chiến lược triển khai, chủ động nghiên cứu mô hình tổ chức và quản lý phù hợp, áp dụng hiệu quả vào điều kiện thực tế của Học viện. Do đó, ngoài một số khó khăn như kể trên, quá trình tổ chức thực hiện diễn ra khá thuận lợi, đạt được mục tiêu đề ra và cơ bản theo đúng định hướng…
Chuẩn Ngoại ngữ áp dụng cho chương trình ngay từ những ngày đầu là TOEFL ITP. Sinh viên của chương trình này được lựa chọn dựa trên kết quả bài thi TOEFL ITP đầu vào với điểm số tối thiểu cần đạt là 300 TOEFL ITP và sau năm học đầu tiên với 2 học kỳ Tiếng Anh (30 tín chỉ), sinh viên phải đạt 500 TOEFL ITP.
Sau khi kết thúc chương trình học tiếng Anh cơ bản 1 và Tiếng Anh cơ bản 2, sinh viên chương trình tiên tiến phải tự học thêm để đạt chuẩn 550 TOEFL ITP. Học kỳ I năm thứ 3, sinh viên chương trình tiên tiến phải tham gia thi mô phỏng TOEFL ITP và phải đạt 550 điểm mới đủ điều kiện tốt nghiệp.
Để nâng cao chất lượng đào tạo chương trình tiên tiến, PGS Bùi Trần Anh Đào đề xuất, cần tích cực quảng bá, giới thiệu về chương trình để sinh viên có thêm thông tin.
Cùng với đó, xây dựng kế hoạch hợp tác trao đổi sinh viên và nghiên cứu khoa học giữa cơ sở đào tạo với các trường đối tác và các trương ĐH khác trong khu vực; cập nhật các kiến thức mới và phù hợp hơn với điều kiện Việt Nam. Cho phép chấp nhận tín chỉ tương đương khi có sinh viên quốc tế tham gia một số môn học hoặc sinh viên của Học viện học một số môn ở các trường đối tác và trong khu vực.
Riêng với vấn đề ngoại ngữ, theo PGS Bùi Trần Anh Đào, nhất thiết phải nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên và giảng viên, góp phần cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo; thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn ngắn, trung và dài hạn để giảng viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ đảm bảo tính thống nhất, chính xác, khách quan.