Đây là ý kiến chung của nhiều đại biểu trong Hội nghị Tổng kết đào tạo theo chương trình tiến tiến giai đoạn 2006 – 2016 tổ chức tại Hà Nội ngày 30/12, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Đóng góp tích cực trong đào tạo nhân lực chất lượng cao
Tổng kết chung, sau 10 năm thực hiện, tuy còn một số hạn chế, song Đề án “Đào tạo theo chương trình tiên tiến (CTTT ) tại một số trường ĐH Việt Nam” đã thành công, hoàn thành hầu hết các mục tiêu đề ra. CTTT đã tác động khá toàn diện đến các hoạt động của trường triển khai theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; mang lại nhiều lợi ích cho giảng viên, cán bộ quản lý và sinh viên của chương trình.
Ngoài ra, CTTT cũng đã đào tạo được đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và sinh viên đủ trình độ chuyên môn, tiếng Anh và các kỹ năng cần thiết để tham gia đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế mà trước mắt là hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN.
Việc kiểm định CTTT bởi các tổ chức quốc tế, thu hút được giảng viên, nhà khoa học quốc tế đến giảng dạy, làm việc tại Việt Nam và thực hiện trao đổi sinh viên quốc tế đã góp phần đưa giáo dục Việt Nam tiếp cận với chuẩn khu vực và tạo dựng thương hiệu trên trường quốc tế.
Đại diện các trường tham gia CTTT đều khẳng định tính hiệu quả và tác động lan toả của chương trình này mặc dù thời gian đầu triển khai có khó khăn. Đặc biệt, đại diện các doanh nghiệp cũng đánh giá cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp CTTT khi làm việc tại doanh nghiệp.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP HCM - ông Vũ Thế Dũng - cho biết: Sau thời gian triển khai CTTT, chất lượng chương trình ngày càng được chứng minh, số sinh viên đăng ký học chương trình này tại trường cũng như điểm đầu vào ngày càng tăng.
Còn Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng Hải - ông Lương Công Nhớ - thì đánh giá: CTTT đã tạo ra một môi trường học tập mang tính quốc tế; làm động lực đổi mới tư duy cho giảng viên.
Ông Nguyễn Hữu Tú - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội – chia sẻ: Một số sinh viên của Trường tốt nghiệp CTTT đang làm việc với mức lương cao tại Đức, các em đạt được chứng chỉ làm việc trong môi trường quốc tế. “Nhiều em đăng ký làm giảng viên của trường và cam kết trở về. Khi quay về Việt Nam, các em sẽ là nguồn lực vô vùng quan trọng với nhà trường” - ông Nguyễn Hữu Tú cho hay.
Tại Trường ĐH Ngoại thương, 2 CTTT được triển khai đã khẳng định được chất lượng, thể hiện ở điểm đầu vào rất cao và chất lượng đầu ra. Hiệu trưởng Bùi Anh Tuấn cho biết: Sinh viên vào CTTT điểm cao luôn thuộc top đầu của trường, đặc biệt tuyển không chỉ qua điểm mà còn đánh giá năng lực và ngoại ngữ. Sinh viên ra trường được đối tác nước ngoài và doanh nghiệp sử dụng lao động đánh giá cao.
CTTT cần thêm điều kiện để lan toả, nhân rộng
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng như phát biểu của đại biểu đều cho rằng, thành công của CTTT mới chỉ là bước đầu, rất cần được nuôi dưỡng và tạo điều kiện tiếp theo; cần xây dựng những đề án tiếp nối để hỗ trợ phát triển bền vững và nhân rộng mô hình trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam.
Theo ông Lương Công Nhớ, muốn phát triển bền vững CTTT, đặc biệt những ngành nhà nước cần nhưng không hấp dẫn người học, cần phải đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; trang bị phòng thí nghiệm chuẩn quốc tế; hỗ trợ kinh phí cho người học… Đặc biệt, phải truyền thông tốt hơn để xã hội hiểu hơn về CTTT.
Còn theo Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội - Nguyễn Hữu Tú, muốn CTTT thành công cần khắc phục 3 khó khăn lớn nhất là năng lực người thầy, khả năng tổ chức và năng lực tiếng Anh của sinh viên.
“Về phía Trường ĐH Y Hà Nội, chúng tôi hoàn toàn có thể tiếp tục chương trình này từ thành công trong triển khai những năm vừa qua. Tôi cũng đề nghị cần rà soát lại chương trình, rà soát nội lực của từng trường để đầu tư hiệu quả và đúng chỗ. Bên cạnh đó, nên đầu tư mới cho chương trình mới, vì chương trình cũ đã thực hiện xong sứ mệnh” - ông Nguyễn Hữu Tú đề nghị.
Từ thực tiễn của Trường ĐH Ngoại thương, ông Bùi Anh Tuấn cho rằng, để CTTT lan toả và bền vững, vấn đề lớn nhất là phát triển được đội ngũ, làm sao làm chủ được chương trình, nội dung đào tao, đây là vấn đề khó khăn cần đầu tư lâu dài, bền bỉ.
“Đến giờ nhà trường chưa thể làm chủ hoàn toàn mà vẫn cần sự giúp đỡ của các giảng viên quốc tế. Giải pháp được chúng tôi đưa ra là yêu cầu giảng viên phấn đấu đạt chuẩn một trường quốc tế, yêu cầu các thầy cô đào tạo ở nước ngoài để làm chủ được chương trình. Đội ngũ này sẽ dần thay thế giảng viên nước ngoài. Về phía Trường ĐH Ngoại thương vẫn quyết tâm, duy trì chương trình” - Hiệu trưởng Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh.
Tiếp nối đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có những trao đổi thẳng thắn với từng ý kiến phát biểu.
Trong phát biểu và trao đổi của của mình, ngoài mục tiêu về đào tạo, Bộ trưởng thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới tính bền vững của chương trình – đó là thông qua CTTT tăng cường năng lực cho nhà trường; từ đó đào tạo được sinh viên tốt hơn, phát triển bền vững… Cùng với đó là công nghệ đào tạo; quan hệ đối tác; tài chính... Những vấn đề này phải làm rõ và thuyết phục mới có cơ sở để tiếp tục có pha 2.
Bộ trưởng cho biết, tới đây sẽ tiếp tục rà soát nhu cầu của nền kinh tế, chọn ngành theo hướng tăng cường các ngành công nghệ mũi nhọn, bám sát cuộc cách mạng khoa học công nghệ, ưu tiên 8 lĩnh vực ngành nghề theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN… Đối tượng tham gia là cả trường ĐH công lập và ngoài công lập theo phương thức là hợp đồng giao nhiệm vụ, làm sao nhà nước bỏ ra lượng tiền nhỏ nhất nhưng kết quả tốt nhất.
Việc chọn ngành, chuyên ngành, Bộ trưởng lưu ý, ngoài xuất phát từ năng lực hiện có của nhà trường; đối tác còn cần quan tâm đến thị trường, dự báo nghề nghiệp. Tránh tình trạng chọn chưa chuẩn, lãnh đạo đơn vị chưa thực sự sẵn sàng...
Theo Bộ trưởng, sau khi quy hoạch các ngành, chuyên ngành, sẽ có dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, không phải CTTT, phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế. Bộ GD&ĐT cũng sẽ đẩy mạnh kiểm định, kết hợp với các tiêu chí khác để trong năm 2017 cố gắng ban hành được những trường có thể trọng điểm đầu tư, theo tinh thần đẩy mạnh về tự chủ...
Trong phiên làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có những đánh giá rất chi tiết về CTTT, cũng như bài học rút ra sau 10 năm thực hiện chương trình. Những gợi ý rất cụ thể với các trường, phương hướng thực hiện giai đoạn tới cũng được Bộ trưởng chia sẻ, phân tích, chỉ đạo.
Theo báo cáo tổng kết đào tạo theo chương trình tiên tiến của Bộ GD&ĐT do bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – trình bày, đến năm 2012, Đề án có 23 trường ĐH triển khai thực hiện 35 chương trình đào tạo của 22 trường ĐH trên thế giới.
Đến nay, cả Đề án đã tuyển được 13.270 sinh viên, trong đó có 69 sinh viên các dân tộc ít người. Đề án đã mời tổng cộng 1.833 lượt giảng viên nước ngoài đến giảng dạy; bố trí tổng cộng 880 lượt trợ giảng và 275 lượt cố vấn học tập; đã có 1.903 sinh viên quốc tế đến học tập, thực tập và trao đổi học thuật tại các CTTT.
Các CTTT đã có 3.601 sinh viên tốt nghiệp, trong đó 255 sinh viên xuất sắc (7,1%), 1.307 sinh viên giỏi (34,3%) và 1.707 sinh viên khá (47,4%). Hầu hết sinh viên tìm được việc làm đúng nghề hoặc học tiếp lên trình độ cao hơn sau 6 tháng tốt nghiệp…