Ngoài được đánh giá cao về chất lượng đào tạo, việc triển khai chương trình tiên tiến (CTTT) còn góp phần giúp nhà trường thúc đẩy hợp tác quốc tế, đổi mới phương pháp dạy học và nghiên cứu khoa học cả trong GV lẫn SV. Tuy nhiên, hai ngành học này hiện vẫn chưa thu hút nhiều người học.
Chất lượng cao
Ngành Điện tử Viễn thông ECE của trường ĐH Bách khoa được triển khai vào năm học 2006-2007 nhờ sự hỗ trợ của Công ty Boeing (Hoa Kỳ) và đối tác của chương trình là University of Washington (Seattle, Washington, Hoa Kỳ).
Ngành Hệ thống nhúng E) được triển khai vào năm học 2008-2009 với sự hỗ trợ của Công ty Intel và đối tác là Portland State University (Portland, Oregon, Hoa Kỳ). Để tham gia học chương trình này, một trong những yêu cầu đối với SV đó là trình độ Tiếng Anh. Theo đó, chuẩn Tiếng Anh sau năm học thứ nhất là 52 Toefl Ibt, cuối khóa là Toefl Ibt 71.
Các CTTT đều có đặc điểm chung là giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh và sử dụng hầu hết giáo trình của các trường Đại học đối tác là các Đại học danh tiếng trên thế giới. Giảng viên là các Giáo sư danh tiếng được mời từ các trường Đại học đối tác, các Đại học chất lượng cao tại Mỹ, Châu Âu và bởi các Giảng viên Giáo sư, Tiến sỹ uy tín của ĐH Bách khoa, Đại học Đà Nẵng.
Chương trình đào tạo được xây dựng, điều chỉnh và phát triển theo các quy trình chuẩn quốc tế, căn cứ vào nhu cầu của các bên liên quan như: yêu cầu phát triển kinh tế của quốc gia, địa phương; nhu cầu của nhà tuyển dụng, nhu cầu của người học và cả từ sự phản hồi của cựu SV..., đội ngũ giảng viên được đào tạo chuyên sâu, trình độ giỏi, có sự trao đổi, hợp tác với giảng viên quốc tế.
Ngoài ra, chương trình còn thường xuyên tổ chức các buổi seminar chuyên đề do các công ty như Công ty Intel, công ty TNHHH Thiết kế Renesas Việt Nam, Công ty Instruments, Công ty THNN eSilicon Việt Nam, Công ty TNHH Robert Bosch Engineering Solutions Việt Nam, Công ty Samsung ElectronicsViệt Nam, P&G Việt Nam… Có thể nói, CTTT của 2 ngành đào tạo theo Đề án này tại trường ĐH Bách khoa được các chuyên gia quản lý ngành GD-ĐT trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng.
Hầu hết SV CTTT đều có việc làm sau khi tốt nghiệp từ 1 – 6 tháng. GS.TS Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa cho biết: “Theo phản hồi của doanh nghiệp thì sau SV CTTT đã thể hiện được năng lực của mình trong môi trường lao động có tính cạnh tranh cao... Với một chương trình đào tạo và môi trường học tập có nhiều điểm nổi trội, SV CTTT có kiến thức, kỹ năng, thái độ đáp ứng nhu cầu của xã hội, đặc biệt năng lực tiếng Anh và kỹ năng mềm có chất lượng tốt hơn hẳn SV đại trà cùng ngành”.
“Đòn bẩy” góp phần đổi mới giáo dục ĐH
Sự tham gia của các giáo sư, giảng viên nước ngoài trong quá trình giảng dạy giúp SV cải thiện được năng lực tiếng Anh cùng các kỹ năng mềm. |
TS Nguyễn Văn Hựu – Vụ GD Đại học, Bộ GD&ĐT - cho rằng: “Đánh giá về hiệu quả của CTTT, điều quan trọng không phải ở chỗ trong vòng 10 năm qua, đã đào tạo được bao nhiêu kỹ sư chất lượng cao mà còn ở chỗ sự lan tỏa, tác động của CTTT đối với nhà trường trong đổi mới phương pháp giảng dạy, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, đầu tư CS|VC… ”.
Về vấn đề này, GS.TS Trần Văn Nam – GĐ ĐH Đà Nẵng - đánh giá: Từ CTTT, trường ĐH Bách khoa đã thiết lập nhiều mối quan hệ với các tập đoàn quốc tế, các doanh nghiệp lớn... Đây cũng là kênh rất hiệu quả hỗ trợ cho nhà trường trong công tác đào tạo cán bộ, cập nhật chương trình đào tạo, hình thành các bộ môn chuyên ngành mới, tăng cường CSVC phục vụ đào tạo và chuyển giao công nghệ NCKH.
Việc các GS nước ngoài đến giảng dạy tại ĐH Đà Nẵng cũng là một cơ hội để giảng viên trẻ và giảng viên bộ môn có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, học tập và chuyển giao công nghệ giảng dạy tiên tiến. Thông qua đó để các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng cập nhật, sửa đổi bổ sung chương trình đào tạo theo các chương trình của đối tác, mở các chương trình mới hoặc là cơ sở để phát triển các chuyên ngành khác”.
Cũng theo TS Nguyễn Văn Hựu - trường ĐH Bách khoa, cũng như ĐH Đà Nẵng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hơn nữa về CTTT cũng như linh hoạt, mềm dẻo hơn trong công tác tuyển sinh, chú ý đến việc trao đổi, thu hút SV quốc tế đến với chương trình: “Có một số SV sau một thời gian theo học CTTT đã chuyển tiếp du học tại các trường ĐH đối tác nước ngoài và các trường ĐH khác trên thế giới khiến nhà trường mất đi một lượng SV giỏi.
Có thể nói CTTT cũng là một điều kiện để SV có cơ hội tìm được học bổng du học, chính vì vậy, cần tạo ra được mối quan hệ tương tác giữa SV chuyển tiếp du học với việc quảng bá thương hiệu CTTT này đến với người học... Chúng ta cần cần có chế tài trách nhiệm đối với SV từng theo học CTTT này khi chuyển tiếp du học”.
Từ năm 2015, cùng với việc Bộ GD&ĐT triển khai một kỳ thi chung, trường ĐH Bách khoa cũng bắt đầu tuyển sinh CTTT trực tiếp, có mã ngành riêng để thí sinh đăng ký nên số lượng tuyển sinh được nhiều hơn các năm trước. Trước đó, SV của CTTT được tuyển từ những SV đã đỗ vào ĐH Đà Nẵng.