Phát huy vai trò Đoàn trường trong đào tạo giáo viên

GD&TĐ - ThS Phạm Thanh Bình (Khoa Tâm lí - Giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội) cho rằng, tổ chức Đoàn có vai trò rất quan trọng trong đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm.

Phát huy vai trò Đoàn trường trong đào tạo giáo viên

Tọa đàm về phương pháp học tập trong môi trường mới

Theo ThS Bình, chương trình này có thể tổ chức cả ở cấp chi đoàn, liên chi đoàn. Thông thường chương trình tọa đàm về phương pháp cần có sự trợ giúp của các giảng viên có trình độ chuyên môn cao hoặc những đoàn viên - sinh viên có kết quả học tập xuất sắc.

Tổ chức Đoàn các cấp thường giữ vai trò là người tổ chức. Việc tổ chức có thể diễn ra dưới hình thức hỏi - đáp (tức là đoàn viên trong chi đoàn, liên chi đoàn có những câu hỏi băn khoăn về vấn đề học tập có thể đặt ra câu hỏi và các thầy, cô giáo có thể trả lời trực tiếp để giúp cho sinh viên thích ứng tốt nhất với môi trường học tập mới);

Hoặc có thể tổ chức theo hình thức chia sẻ những kinh nghiệm trong việc học tập và thích nghi với môi trường học tập mới để các đoàn viên - sinh viên trong chi đoàn (liên chi đoàn) tự tìm ra phương pháp học tập thích hợp của mình.

Thực tế cho thấy, học tập trong môi trường đại học, cao đẳng và học tập ở cấp học phổ thông có sự khác biệt rất rõ rệt về phương pháp, nội dung tri thức, mục đích hay động cơ học tập.

Vì vậy, những buổi tổ chức của Đoàn thanh niên để tọa đàm về phương pháp học tập có ý nghĩa rất to lớn với đoàn viên - sinh viên. Nếu tổ chức tốt và hợp lí, vai trò của đoàn thanh niên cấp cơ sở sẽ được phát huy và khẳng định.

Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề

Thông thường, khi tiếp xúc với môi trường học tập mới, đoàn viên - sinh viên thường gặp rất nhiều khó khăn.

Những khó khăn ấy thường tập trung ở một số môn học cụ thể hoặc một số lĩnh vực nhất định như: Tài liệu tìm ở đâu? Làm thế nào để học tốt và học đều tất cả các môn học? Đọc tài liệu nào trong số rất nhiều tài liệu? Học thế nào để thi cho hiệu quả? Ôn thi như thế nào cho hợp lí? Làm thế nào vừa học tập tốt lại vừa hoạt động phong 

Đứng trước các câu hỏi đó, ThS Bình cho rằng: Chi đoàn, liên chi đoàn có thể tổ chức các chuyên đề sâu về các vấn đề của các môn học cụ thể, nội dung học cụ thể hay vấn đề vướng mắc gắn liền với các chủ đề học tập cho đoàn viên - sinh viên dưới sự trợ giúp của các thầy, cô giáo bộ môn hoặc các chuyên gia trong từng lĩnh vực.

Tiến trình tổ chức có thể như sau: Giới thiệu các chuyên gia trong từng lĩnh vực trả lời về các câu hỏi hoặc nói về các chủ đề mà đoàn viên - sinh viên trong chi đoàn (liên chi đoàn) quan tâm nhất.

Đoàn viên - sinh viên trong chi đoàn (liên chi đoàn) có thể đặt ra những câu hỏi về vấn đề mà mình quan tâm hoặc chia sẻ những điều mà mình phát hiện được trong quá trình học tập ở đại học để trợ giúp cho các đoàn viên - sinh viên khác trong chi đoàn (liên chi đoàn).

Với vai trò tổ chức, chi đoàn (liên chi đoàn) cần có thư kí ghi chép lại những vấn đề cốt lõi của buổi tọa đàm, có người dẫn chương trình để dẫn dắt tiến trình của buổi tọa đàm,...

Thông qua các buổi tổ chức đó giúp cho đoàn viên - sinh viên trả lời được những câu hỏi sát thực với cuộc sống học tập và rèn luyện của họ.

Tham gia rèn luyện nghiệp vụ sư phạm

Thực tế cho thấy, các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường diễn ra tập trung ở các cuộc thi nghiệp vụ sư phạm các cấp hoặc khi đi thực tập sư phạm. Vì vậy thường mang tính chất thời cuộc, không thường xuyên, thậm chí là gò bó, ép buộc.

Do đó, tổ chức Đoàn cần tổ chức cho đoàn viên - sinh viên rèn luyện nghiệp vụ sư phạm một cách thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng.

Ví dụ, thường xuyên tổ chức ở các cấp chi đoàn (có thể trở thành nội dung sinh hoạt chi đoàn) về các nội dung trong rèn luyện nghiệp vụ sư phạm như viết bảng, ứng xử các tình huống sư phạm, hiểu biết sư phạm, tập trình bày vấn đề nào đó trước người khác (diễn giảng),...

Thông qua các hoạt động đó có thể giáo dục ý thức thường trực của đoàn viên - sinh viên trong việc rèn luyện trình độ nghiệp vụ sư phạm cho bản thân.

Đoàn cũng có thể tổ chức các buổi tọa đàm trao đổi về kinh nghiệm giảng dạy, chia sẻ những tình huống ứng xử sư phạm hay, phương pháp rèn luyện sư phạm và những chuẩn bị cần thiết cho các đợt thực tập sư phạm,...

Bên cạnh đó cần chú trọng đến những đặc thù của mỗi khóa đào tạo: Với đoàn viên - sinh viên năm thứ nhất, tập trung tổ chức các hoạt động trao đổi những chia sẻ về nghề sư phạm, giáo dục lòng yêu nghề với đoàn viên - sinh viên.

Với đoàn viên - sinh viên các khóa khác, tập trung tổ chức và tạo nhiều cơ hội cho họ tham gia thực sự vào việc rèn luyện các kĩ năng sư phạm như kĩ năng viết bảng, tổ chức các buổi nói chuyện về kinh nghiệm thực tập sư phạm, kinh nghiệm giảng dạy, những nghệ thuật ứng xử sư phạm khéo léo,…

Các tổ chức đoàn cần phát huy tốt vai trò cố vấn của các đoàn viên là cán bộ giảng dạy đối với các hoạt động của chi đoàn sinh viên, đặc biệt là các hoạt động mang tính bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đoàn viên - sinh viên.

Phát huy vai trò đoàn trong nghiên cứu khoa học

Đoàn Thanh niên cần phát huy tốt vai trò hỗ trợ của mình trong triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học cho đoàn viên sinh viên.

Ngày nay, một số cơ sở đoàn đã biến phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên thành phong trào chạy theo số lượng các báo cáo nghiên cứu khoa học và lấy đó làm thành tích cho đơn vị đoàn của mình.

Đây là một quan điểm và hành động sai lầm. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, tổ chức đoàn cần xác định rõ vai trò hỗ trợ, trợ giúp của mình.

Từ những nghiên cứu lát cắt ban đầu của sinh viên, cần hỗ trợ họ đi đến những lát cắt nghiên cứu khoa học chiều sâu bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục ý thức và lòng ham muốn nghiên cứu khoa học tới mỗi đoàn viên - sinh viên.

Muốn làm được điều đó, tổ chức đoàn trong các trường sư phạm cần xây dựng thống nhất quy trình, tiến độ triển khai hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học ở chi đoàn (liên chi đoàn) của mình; thành lập các câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học hay tổ chức các hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ