Phát hiện loài thực vật có giá trị dược liệu đặc biệt bảo vệ gan

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trường Đại học Đà Lạt (Lâm Đồng) đã nộp đơn đăng ký sở hữu trí tuệ kết quả nghiên cứu khoa học về loài thực vật có giá trị dược liệu đặc biệt.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Sáng 27/1, thông tin từ Trường Đại học Đà Lạt cho biết, đoàn công tác của Nhà trường do TS. Lê Minh Chiến - Hiệu trưởng dẫn đầu, vừa có chuyến làm việc với các trường Đại học và Viện nghiên cứu tại Hàn Quốc (Đại học quốc gia Seoul, Đại học quốc gia Kangwon, Đại học Mokpo, Đại học Hallym, Viện công nghệ sinh học CBF, Viện nghiên cứu và thử nghiệm KTR).

TS. Lê Minh Chiến và TS. Kim Chang Hyeug, Viện trưởng CBF ký Thoả thuận đăng ký bằng sáng chế cùng sự chứng kiến của lãnh đạo thành phố Chuncheon và thành phố Đà Lạt (Ảnh: NTCC).
TS. Lê Minh Chiến và TS. Kim Chang Hyeug, Viện trưởng CBF ký Thoả thuận đăng ký bằng sáng chế cùng sự chứng kiến của lãnh đạo thành phố Chuncheon và thành phố Đà Lạt (Ảnh: NTCC).

Theo đó, Trường Đại học Đà Lạt và Viện công nghệ sinh học CBF đã ký thỏa thuận thống nhất nộp đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký bằng sáng chế kết quả nghiên cứu chung mà hai đơn vị đã thực hiện trong thời gian vừa qua.

TS Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế (QLKH&HTQT) cho biết, đây là kết quả đạt được từ dự án nghiên cứu chung về tài nguyên dược liệu tại Lâm Đồng giữa hai đơn vị.

Cụ thể, từ năm 2021, Trường Đại học Đà Lạt và CBF đã phối hợp điều tra, đánh giá giá trị dược liệu của các loài thực vật hoang dại tại Lâm Đồng. Dự án đã thu được 21 loài dược liệu tự nhiên. Đã chiết xuất, đánh giá giá trị dược liệu của 8 loài.

Điều thú vị, các nhà nghiên cứu của hai bên đã phát hiện ra một loài thực vật có giá trị dược liệu đặc biệt trong việc bảo vệ chức năng gan (tên loài sẽ công bố sau khi có bản quyền sở hữu trí tuệ - PV).

“Đây là một phát hiện mới vừa có giá trị khoa học vừa giá trị y học đặc biệt, vì vậy hai bên đã ký thoả thuận đăng ký cấp bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ tại Hàn Quốc. Sau khi được cấp bằng sáng chế hai bên sẽ tiếp tục thực hiện các nghiên cứu sâu hơn và ứng dụng để thương mại hóa kết quả nghiên cứu”, TS Ngọc chia sẻ.

Hội thảo xây dựng dự án ODA phát triển công nghiệp công nghệ sinh học (Ảnh: NTCC).
Hội thảo xây dựng dự án ODA phát triển công nghiệp công nghệ sinh học (Ảnh: NTCC).

Được biết, Trường Đại học Đà Lạt và CBF cũng thống nhất đề xuất mở rộng dự án để khảo sát, đánh giá toàn diện giá trị dược liệu của các loài thực vật hoang dại, các loài dược liệu từ tri thức dân tộc tại Lâm Đồng và các tỉnh lân cận.

Đề xuất vốn ODA không hoàn lại

Dịp này, TP Đà Lạt và Trường Đại học Đà Lạt cũng đã làm việc với chính quyền thành phố Chuncheon, Viện công nghệ sinh học CBF, các doanh nghiệp thuộc CBF để xúc tiến dự án phát triển công nghiệp công nghệ sinh học tại Đà Lạt.

Dự án đề xuất sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại của chính phủ Hàn Quốc, với tổng mức đầu tư khoảng 20-30 triệu USD.

Mục đích, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm và thực phẩm chức năng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ