Kể từ đầu tuần trước, đội thợ lặn cùng với một chiếc thuyền được trang bị đặc biệt có thiết bị trục vớt đã và đang kéo lên hàng trăm lốp xe cao su cũ từ độ sâu 500m ở vùng biển độc quyền nằm giữa thị trấn Cannes và Antibes.
Kế hoạch ủng hộ bởi chính quyền địa phương và ngư dân Pháp trước đây được thực hiện với tầm nhìn núi lốp xe này sẽ trở thành nơi cư trú của san hô và nhiều loại sinh vật biển khác trong khu vực bảo tồn cấm săn bắt đánh cá.
Denis Genovese, người đứng đầu hiệp hội ngư dân địa phương xác nhận rằng, phần lớn các sinh vật biển Địa Trung Hải đã tránh né ý tưởng cư ngụ vào trong thứ sản phẩm nhân tạo sản xuất từ cao su, nhựa, dầu và hóa chất trên.
Theo Genovese, những sinh vật định cư như cá mù làn địa phương đã không sử dụng chúng, trong khi cá mú, cá chình và cá tráp bơi quanh chúng nhưng không có loài nào thực sự quen với môi trường nhân tạo này.
Một nghiên cứu trong năm 2005 thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ ĐH Nice cho biết, những lốp xe này đang rò rỉ hóa chất độc hại ra môi trường tự nhiên, bao gồm kim loại nặng - cực kỳ độc hại tới con người.
Chính quyền lo lắng đống lốp xe này có thể sẽ tiếp tục thoái hóa nặng hơn sau 40 năm kể từ ngày chúng được thả xuống đáy biển và phân rã thành nhiều mảnh nhỏ gây ảnh hưởng nặng nề tới thảm cỏ biển địa phương. Trong năm 2015, nhiệm vụ loại bỏ 2.500 lốp xe trên đã được thực hiện để chứng minh rằng họ có thể trục vớt chúng một cách an toàn và hiện họ đang làm việc để mở ra các giai đoạn làm sạch quan trọng tiếp theo.
Theo dự kiến, khoảng 10.000 lốp sẽ được trục vớt bởi các thợ lặn và thủy thủ đoàn trong vòng vài tuần tới. 12.500 lốp còn lại sẽ được trục vớt trong quý 2 của năm 2019.
Phóng viên của AFP đã lên tàu cùng thủy thủ đoàn trong tuần trước để quan sát quá trình trục vớt hàng chục lốp xe lên từ ngoài khơi, với các biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng của Riviera (Pháp) có thể được nhìn thấy từ bờ biển phía sau.
Thủy thủ đoàn Morgan Postic trên tàu Ocean cho biết: “Vào buổi sáng, nước trong suốt khiến việc trục vớt rất dễ dàng. Tuy nhiên, khi chúng tôi bơi xuống đáy và khuấy động tất cả mọi thứ lên, chúng tôi gần như không thể thấy gì cả và vấn đề trở nên phức tạp”.
Các lốp xe sẽ được chuyển đến thành phố Nice gần đó và sau đó được xử lý tại các trung tâm tái chế thành hạt sử dụng trong các dự án xây dựng. “Sau đó chúng tôi sẽ để đáy biển tự phục hồi 1 cách tự nhiên và tiếp tục giám sát bằng cảm biến” - nhà khoa học biển Patrice Francour từ ĐH Nice tiết lộ về kế hoạch.
Chính phủ Pháp đã tài trợ 1 triệu euro cho dự án làm sạch biển này, trong khi công ty lốp xe Michelin của Pháp cũng đóng góp 200 triệu euro.