Phân hiệu và bài toán chất lượng

GD&TĐ - Năm 2023 Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết sẽ tuyển sinh 600 chỉ tiêu với 14 chương trình đào tạo cho Phân hiệu Vĩnh Long.

Như vậy, sau 3 năm tuyển sinh, số chỉ tiêu, chương trình đào tạo của Phân hiệu Vĩnh Long đã có sự tăng trưởng ngoạn mục. Trước đó, năm 2020 phân hiệu này chỉ tuyển sinh 300 chỉ tiêu với 6 ngành đào tạo, năm 2021 tuyển 500 chỉ tiêu cho 10 ngành.

Đưa trường học đến gần hơn với học sinh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ địa phương là chính sách của nhiều trường đại học hiện nay, trong đó phát triển phân hiệu đại học đang là xu hướng. Từ năm 2017, Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục có hiệu lực, nhiều trường trung cấp, cao đẳng sư phạm sáp nhập, chia tách, số phân hiệu đại học được thành lập và xúc tiến thành lập ở các tỉnh ngày càng nhiều hơn.

Cuối năm 2019, Trường ĐH Kinh tế TPHCM mở phân hiệu tại tỉnh Vĩnh Long trên cơ sở Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Vĩnh Long. Trong năm 2022, Hội đồng Trường ĐH Cần Thơ phê duyệt thành lập 2 phân hiệu tại Hậu Giang và Sóc Trăng; Trường ĐH Đông Á thành lập phân hiệu tại Đắk Lắk; Trường ĐH Sư phạm TPHCM làm việc với UBND tỉnh Gia Lai, Long An để thành lập phân hiệu trên cơ sở các trường CĐSP của tỉnh. Trước đó, tỉnh Tây Ninh cũng có những khởi động liên quan đến việc mở phân hiệu của hai trường ĐH Sài Gòn và ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM…

Thực tế cho thấy, việc thành lập, tuyển sinh và đào tạo tại các phân hiệu đại học sẽ góp phần hạn chế bớt các trường kém chất lượng, tập trung các trường mạnh để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng, giảm áp lực cho các trường tuyến trên. Bên cạnh đó, mở phân hiệu cũng là dịp để các trường cạnh tranh lành mạnh bằng cách nâng cao chất lượng giảng dạy.

Đặc biệt, học ở phân hiệu sinh viên có nhiều điểm lợi như: Điểm chuẩn đầu vào và học phí thấp hơn so với cơ sở chính nhưng bằng cấp vẫn như nhau, được học gần nhà, tiết kiệm được rất nhiều sinh hoạt phí. Các địa phương nơi nhà trường mở phân hiệu cũng được hưởng lợi theo, nhờ được đào tạo nhân lực tại chỗ, phát triển kinh tế - xã hội.

Mang lại nhiều lợi ích nhưng việc phát triển mạnh các phân hiệu đại học cũng đặt ra nhiều dấu hỏi về công tác bảo đảm chất lượng. Dĩ nhiên để thành lập được phân hiệu, các trường phải đạt được các điều kiện theo quy định của Nghị định 46/2017/NĐ-CP, như đất đai, thiết bị và cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, giáo trình, chương trình... Tuy vậy, để duy trì và phát triển một phân hiệu, bảo đảm chất lượng đúng như cơ sở chính đòi hỏi rất nhiều đầu tư, cần nguồn lực tài chính rất lớn.

Trong khi tình hình tuyển sinh ở đa số phân hiệu không mạnh, học phí thấp, xây dựng đội ngũ giảng viên tại chỗ khó khăn. Hiện ở đa số phân hiệu, giảng viên tại chỗ chỉ dạy môn cơ bản, môn cơ sở và chuyên ngành phải do giảng viên từ cơ sở chính xuống. Chất lượng đầu vào của sinh viên ở phân hiệu thường thấp hơn cơ sở chính, đòi hỏi các trường phải có sự chăm chút, quan tâm hơn trong quá trình đào tạo.

Bảo đảm chất lượng đào tạo đối với phân hiệu đại học, hiện một số trường đã có nhiều giải pháp để khắc phục sự chênh lệch về khoảng cách giữa cơ sở chính - phân hiệu. Trong đó đáng chú ý là xu hướng luân chuyển sinh viên. Ở Trường ĐH Kinh tế TPHCM, toàn bộ sinh viên của Phân hiệu Vĩnh Long sẽ tham gia chương trình luân chuyển campus, học tập tại cơ sở TPHCM trong năm cuối.

Tương tự, từ năm 2022, Phân hiệu Quảng Ngãi của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM áp dụng hình thức đào tạo 2+2 (2 năm đầu học ở Quảng Ngãi, 2 năm cuối học tại cơ sở chính ở TPHCM). Dù sinh viên sẽ tốn kém hơn về sinh hoạt phí so với học 100% tại địa phương nhưng mô hình này cũng được xem là hướng mở trong công tác bảo đảm chất lượng, có thể xem xét nhân rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ