Với đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong GDPT giai đoạn 2018 - 2025”, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 1223/KH-BGD&ĐT và Công văn số 1676/BGD&ĐT-GDTrH hướng dẫn việc triển khai thực hiện Đề án. Theo đó, Bộ triển khai thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể: Nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS phổ thông; Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; Tăng cường CSVC, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong GDPT; Bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS phổ thông; Huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng HS phổ thông; Tăng cường quản lý với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng HS phổ thông.
Đưa nội dung hướng nghiệp, phân luồng vào Luật Giáo dục năm 2019 (Điều 9). Trong Chương trình GDPT mới, trên cơ sở phân tích thực trạng và nguyên nhân thành công, hạn chế của giáo dục hướng nghiệp và phân luồng trong các chương trình đã có, nội dung giáo dục hướng nghiệp đặc biệt được chú trọng, lồng ghép trong từng môn học và hoạt động giáo dục thông qua việc lựa chọn nội dung giáo dục gắn với thực tiễn. Với môn Toán, Tin học, Khoa học Tự nhiên, chương trình sẽ được triển khai theo định hướng giáo dục STEM. HS được trang bị kiến thức gắn liền với ứng dụng công nghệ, có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tiễn trong quá trình học tập.
Triển khai Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025: Với mục đích hỗ trợ các tỉnh không bảo đảm nguồn ngân sách địa phương, Bộ GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ (chủ yếu là Tiếng Anh, ưu tiên giáo viên phổ thông; xây dựng chương trình và học liệu dùng chung…).
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất và phân bổ, bố trí kinh phí cho các địa phương đặc biệt khó khăn; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với cơ sở GDPT thực hiện tư vấn nghề; thực hiện thí điểm mô hình kết hợp dạy văn hóa phổ thông và dạy nghề; chỉ đạo đa dạng hóa các chương trình, nội dung và hình thức tổ chức dạy học; chú trọng phát triển các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn thiết thực và hiệu quả để thu hút nhiều người đến học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên; tiếp tục mở rộng dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề, góp phần phân luồng HS sau THCS.