Đổi mới giáo dục hướng nghiệp

Đổi mới giáo dục hướng nghiệp

Như vậy, nếu 100% học sinh lớp 9 ở TP được công nhận tốt nghiệp THCS và đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập sẽ có hơn 29.000 học sinh buộc phải lựa chọn hình thức khác (học nghề, học trường ngoài công lập…). Trong các buổi họp tư vấn sau THCS gần đây, vẫn nhiều phụ huynh cho biết nếu con mình rớt lớp 10 công lập sẽ chọn học tiếp trung học tư thục, học rút gọn văn hóa tại các trung tâm GDTX hay trường quốc tế, thay vì học nghề hay theo học hệ 9+ ở các trường cao đẳng.

Công tác phân luồng học sinh sau THCS được Đảng, Nhà nước quan tâm thông qua các Nghị quyết 29/NQ-TW của Đảng và Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Những năm trở lại đây, ngành Giáo dục cũng tích cực thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, lộ trình năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS rẽ hướng học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy vậy, đến nay đã giữa năm 2020, nhưng kết quả phân luồng thực tế chưa như mong muốn. PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - cung cấp con số: Phần lớn các tỉnh/thành đều có học sinh học tiếp lên THPT với tỉ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80%!

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh ít chọn học nghề, trong đó thuộc về khách quan mà bản thân ngành Giáo dục khó “đỡ” nổi như: Vẫn có địa phương quá tập trung đầu tư cho luồng THPT; Cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc cho dạy và học nghề không đáp ứng yêu cầu, kết quả “đầu ra” có nhiều hạn chế. Phần lớn phụ huynh vẫn còn tư tưởng khá nặng nề về bằng cấp. Nhiều người chỉ muốn con em tiếp tục học THPT và lên đại học, cao đẳng chứ không muốn vào học trung cấp mặc dù học lực của con em yếu kém. Tuy vậy, cũng có nguyên nhân thuộc về chủ quan của các nhà trường như: Công tác hướng nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, nhiều trường, giáo viên bỏ ngỏ công tác này, nhất là giáo dục hướng nghiệp qua môn học và tư vấn hướng nghiệp.

Phân luồng không hiệu quả tất yếu dẫn đến mất cân đối về cơ cấu trình độ, nguồn nhân lực quốc gia, hệ quả là năng suất, chất lượng, thu nhập đều thấp. Hệ lụy rộng hơn là kinh tế - xã hội chậm phát triển. Vì thế, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành khác thực hiện các giải pháp trong đề án về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với ngành GD-ĐT, giải pháp quan trọng nhất là đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia. Các trường cần tăng tính tự chủ xây dựng kế hoạch dạy học, thí điểm triển khai mô hình gắn dạy học với thực tiễn, sản xuất kinh doanh tại địa phương, hoạt động trải nghiệm trên cơ sở tận dụng các nguồn lực giúp đỡ.

Hiện một số nút thắt về chính sách Nhà nước liên quan đến học nghề đã được tháo gỡ, nếu nhà trường chủ động, sáng tạo nâng cao chất lượng hướng nghiệp, việc phân luồng sẽ hiệu quả hơn. Thực tế từ tỷ lệ học sinh chọn học nghề sau THCS cải thiện ở một số trường, địa phương trong những năm gần đây cho thấy mô hình nhà trường tổ chức cho phụ huynh, học sinh (trong nhóm định hướng) tham quan, tìm hiểu các trường trung cấp, cao đẳng nghề; Đồng thời phía các trường trung cấp, cao đẳng phối hợp với doanh nghiệp mở rộng và đa dạng kênh tư vấn hướng nghiệp - việc làm, sẽ mang lại kết quả tích cực. “Trăm nghe không bằng một thấy. Đây là những cách làm hay giúp phụ huynh chúng tôi có thông tin, từ đó thay đổi nhận thức, yên tâm cho con học nghề”, một phụ huynh Trường THCS Lạc Hồng, Quận 10, TPHCM, nơi đang làm tốt hoạt động này, cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ