Ông chủ ngân hàng “di sản online”

18 tuổi, Nguyễn Trí Quang đã là chủ nhân của website 3D về cổ vật, linh vật và di sản Việt đầu tiên ở Việt Nam, với hàng trăm mẫu cổ vật, linh vật truyền thống được sưu tầm ở nhiều nơi trên khắp đất nước.

Ông chủ ngân hàng “di sản online”

Bước ngoặt tuổi 15

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề thủ công – mỹ nghệ, ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Trí Quang đã tỏ ra rất thích thú với những khuôn mẫu, hoa văn được khắc trên các sản phẩm thủ công.

Cậu thường dành phần lớn thời gian trong ngày để mày mò, tìm hiểu về mỹ thuật, điêu khắc qua các cuốn sách của Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ…, và cùng bố đi ghi dữ liệu, thu thập, sưu tầm mẫu cổ vật, linh vật mỗi khi có cơ hội.

Mọi chuyện bắt đầu từ những ngày giữa năm 2012, Quang thực sự đã khiến cả gia đình bị sốc với quyết định xin nghỉ học, để tập trung xây dựng website 3D, phục vụ cho ý tưởng số hóa các sản phẩm truyền thống của mình.

Quang nhớ lại: “Mọi người phản đối nhiều lắm, ai cũng khuyên mình nên học hết cấp III. Song bản thân mình cảm thấy việc học khiến công việc của mình không hiệu quả. Vậy nên, mình quyết định dồn hết tâm sức để thiết kế website”.

Trong khoảng thời gian này, Quang cùng bố đi khắp các di tích, tìm kiếm và thu thập dữ liệu về linh vật, cấu kiện cổ. Quang cho biết thêm: “Khó khăn nhất chính là khâu thu thập, phân tích dữ liệu mẫu vật.

Để chiếc máy quét 3D có thể nắm bắt mọi góc cạnh, chi tiết hoa văn trên bề mặt mẫu vật, đòi hỏi người sử dụng phải thu thập dữ liệu nhiều lần, sử dụng nhiều loại máy quét khác nhau. Với linh vật có kích thước lớn, nhiều góc cạnh, hoa văn hoặc điều kiện ánh sáng trong môi trường làm việc không đảm bảo, việc quét 3D có khi mất nguyên một ngày”.

Sau mỗi chuyến đi, trở về nhà, cậu lại ngồi hàng giờ bên máy tính để tối ưu hóa hình ảnh cho những mẫu vật 3D, rồi đăng tải chúng trên trang thông tin điện tử của mình. Toàn bộ công việc kéo dài trong khoảng từ 5 tới 10 ngày.

Sau hơn một năm làm việc không ngừng nghỉ, trang thông tin về cổ vật, linh vật và di sản 3D của Quang dần trở thành một “địa chỉ vàng”, thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhiều nhà nghiên cứu di sản, nghệ nhân làm nghề điêu khắc, chế tác, những người yêu linh vật…

Tham vọng số hóa di sản Việt

Khác với nhiều sản phẩm 3D hóa thông thường, người thực hiện phải quan sát trực tiếp mẫu vật hoặc chụp ảnh, sau đó, dựng lại trên máy tính bằng phần mềm đồ họa, độ chính xác thường không cao.

Hình ảnh của các mẫu vật được Nguyễn Trí Quang xử lý theo công nghệ VR 3D và đăng tải trên mạng cho phép người xem có thể quan sát ở mọi góc độ, chạm tới những họa tiết nhỏ nhất.

Màu sắc và kích thước của mẫu vật ảo đều được quét từ linh vật, cổ vật thực tế, nên có độ chân thực rất cao. Ngay cả những vết bụi, vết nứt nhỏ trên cấu kiện, khó có thể quan sát bằng mắt thường, cũng được giữ nguyên vẹn khi chuyển sang mô hình 3D.

Nhờ sự hỗ trợ của thầy Trần Yên Thế (giảng viên trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam) và nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm), website của Quang từng bước được hoàn thiện.

Hiện tại, với kho dữ liệu “di sản online” gần 100 linh vật Việt cổ, trong số đó, nhiều linh vật có giá trị lịch sử như: Sư tử đá thời Lý ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), bệ sư tử thời Lý tại chùa Hương Lãng (Hưng Yên), nghê đá ở bậc thềm Đại nội Huế, rồng đá cổ chầu bên điện Kính Thiên – Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội),… giúp người xem có được cái nhìn tổng quan về hình tượng linh vật, cổ vật của các triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam.

Không chỉ dừng lại ở những linh vật, cổ vật hiện có, Quang cho biết, trong tương lai, cậu muốn sử dụng công nghệ VR 3D để số hóa toàn bộ di sản Việt, đóng góp vào “Tổng kho di sản”, nơi lưu giữ toàn bộ dữ liệu về di sản Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, để mọi người có thể chiêm ngưỡng dễ dàng.

Quang bật mí thêm: “Mình đang cố gắng hoàn thiện công cụ đo tỉ lệ, kích thước cho chiếc máy quét 3D. Sau khi hoàn thành, chiếc máy sẽ cho chúng ta số liệu đo chính xác của từng chi tiết trên linh vật, các nghệ nhân sẽ dễ dàng hơn khi tính toán kích thước tương ứng lúc tạc tượng”.

Theo Hoa học trò

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ