Tuy nhiên, cô Hoàng Thị Hồng Hạnh - GV dạy giỏi cấp tỉnh môn GDCD, Trường THPT số 1 Văn Bàn (Lào Cai) cho rằng chỉ cần HS chăm chỉ và biết cách học, việc “săn” điểm 8 - 9 không quá khó.
Không bỏ sót lý thuyết
Theo cô Hoàng Thị Hồng Hạnh, với cấu trúc đề minh họa tốt nghiệp THPT môn GDCD năm nay, HS cần lưu ý kiến thức rơi vào 4 bài của chương trình lớp 11 và 9 bài chương trình lớp 12.
So với năm trước, việc ôn tập cũng có thay đổi ít nhiều. Năm trước bài 4 của chương trình lớp 11 không xuất hiện trong đề thi minh họa, năm lại thêm bài 4 nhưng bỏ bài 5 trong chương trình lớp 11.
Mặt khác, năm trước đề thi không xuất hiện câu hỏi nào của bài 1 và bài 5 trong chương trình lớp 12, chỉ thi kiến thức trong 7 bài còn lại. Nhưng năm nay xuất hiện đủ cả 9 bài.
Cụ thể, số câu hỏi xuất hiện trong các bài từ 1 - 9 như sau: Bài 1 có 2 câu; Bài 3 có 1 câu; Bài 2 có 7 câu; Bài 4 có 4 câu; Bài 5 xuất hiện 3 câu; Bài 6 có 6 câu; Bài 7 có 8 câu; Bài 8 có 4 câu; Bài 9 có 1 câu. Khối 11, từ bài 1 - 4, mỗi bài có 1 câu.
Theo cô Hạnh, để làm được bài thi môn GDCD bắt buộc HS phải học thuộc lý thuyết. Nếu không sẽ không “giải quyết” được phần bài tập dù ở mức độ không khó.
Mặt khác, với môn GDCD, HS bắt buộc phải học từ tiêu đề trở đi bởi đây là nội dung chính nhất của bài. Và thông thường những câu hỏi nhận biết được đưa ngay vào tiêu đề kể cả phần 1 hoặc chọn a, b, c trong đề thi.
Tuy nhiên, quá trình HS ôn tập môn GDCD cần có “mẹo” riêng để đạt được hiệu quả. Nếu môn Sử phải nhớ chi tiết, cụ thể, rõ ràng, với môn GDCD, HS có thể dựa vào kiến thức xã hội để trả lời câu hỏi.
Đặc biệt, với phần tình huống của câu hỏi vận dụng môn GDCD khá rắc rối. Để tránh bị loạn tình huống đưa ra “đánh lừa”, HS có thể tránh bằng cách đọc thẳng vào câu hỏi, không đọc tình huống để tránh bị “loạn”.
Ví dụ với câu hỏi: “Ai vi phạm kỷ luật?”, HS cần nghĩ ngay tới “Vi phạm kỷ luật là gì?”. Vi phạm kỷ luật thường liên quan đến cán bộ, công chức, người lao động, người hưởng lương. Sau đó quay trở lại tình huống để tìm các nhân vật, nếu nhân vật nào là lao động tự do (lái xe ôm, nông dân…) thì loại trừ trong số những người vi phạm kỷ luật, bởi họ không thuộc người được hưởng lương.
Hoặc với câu hỏi: “Ai vi phạm bình đẳng trong hôn nhân gia đình?”, HS cần xác định được các mối quan hệ hôn nhân - gia đình để loại trừ các nhân vật không nằm trong các mối quan hệ đó, khoanh vùng đáp án tốt hơn.
Từ khóa và phương pháp loại trừ
Việc nắm chắc từ khóa trong câu hỏi là điều cần thiết khi HS làm bài thi môn GDCD.
Ví dụ ở bài 2 “Thực hiện pháp luật”. Trong bài có nội dung cơ bản về 4 hình thức thực hiện pháp luật và HS hay nhầm lẫn 4 hình thức này. Để phân biệt được, các em phải nắm được thế nào là thực hiện pháp luật và 4 hình thức thực hiện pháp luật khác nhau thế nào?
HS phải tìm được từ khóa 4 hình thức thực hiện pháp luật gồm: Sử dụng pháp luật; Thi hành pháp luật; Tuân thủ pháp luật và Áp dụng pháp luật. HS cần căn cứ vào những từ khóa này để hiểu và nắm bắt kiến thức tốt hơn, đồng thời áp dụng kiến thức vào thực tế để dễ nhận biết.
Với bí quyết sử dụng phương pháp loại trừ cô Hoàng Thị Hồng Hạnh tư vấn: Hệ thống kiến thức pháp luật của Nhà nước Việt Nam rất nhiều. Những quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân cũng không ít.
Nhưng trong SGK lớp 12 chỉ lựa chọn một số quyền và nghĩa vụ cơ bản để dạy nên HS cần học tất cả các bài theo sơ đồ tư duy, phải “nắm” được bài học trong “lòng bàn tay”. Những gì GV dạy, những gì SGK có chắc chắn là một trong những đáp án đúng. Những phần đáp án có vẻ đúng ở ngoài đời sống xã hội, pháp luật có quy định như vậy nhưng không có trong chương trình SGK, mặc nhiên HS loại trừ.
Cô Hạnh nêu ví dụ cụ thể: Công dân có quyền được bảo vệ tài sản của mình nhưng trong chương trình GDCD không dạy HS bất cứ quyền nào có tên là bảo vệ tài sản thì loại trừ.
Cụ thể trong tình huống: A đột nhập vào nhà B để trộm cắp tài sản. Một trong số đáp án bên dưới đưa ra là A đã vi phạm quyền bảo vệ tài sản của người khác; A đã vi phạm quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của người khác… Như vậy, phần bất khả xâm phạm chỗ ở GV đã dạy, phần bảo vệ tài sản pháp luật có quy định nhưng chương trình SGK không có - GV không dạy, HS có thể loại trừ.
Cùng đó, để có thể thực hiện tốt phương pháp loại trừ, HS cần vẽ được sơ đồ tư duy của từng bài để hình dung mình học những gì, từ đó khoanh vùng kiến thức tốt hơn.
Kĩ năng làm bài thi hiệu quả
Cô Hoàng Thị Hồng Hạnh cho rằng: Câu hỏi của môn GDCD được sắp xếp từ dễ đến khó nhưng khó đến đâu thì điểm cũng bằng câu hỏi dễ (đều 0,25 điểm). Do đó, HS không được làm bài kiểu xáo trộn, cứ làm lần lượt từ câu 81 - 120.
Bắt đầu từ câu 111 - 116 liên quan đến kiến thức vận dụng xã hội nhiều nên HS cần hết sức chú ý. Câu hỏi thường hỏi đến tình huống thực ngoài đời sống, tuy nhiên đáp án lại là những gì HS được học trong nhà trường chứ không phải HS muốn gì, hoặc hiện nay xã hội đang diễn ra thế nào thì trả lời theo như thế.
HS cần hiểu, có những đáp án diễn ra như trong xã hội và bản thân HS cũng muốn như thế, nhưng SGK không dạy như vậy thì không nên chọn. Cụ thể: A và B đang đánh nhau. C quay video lại để đăng, phát trực tiếp lên mạng xã hội cho mọi người cùng xem. Đứng trước tình huống này, bạn D lựa chọn đáp án nào? 1: Tiếp tục chia sẻ trên mạng xã hội và tag tên thầy cô vào để biết; 2: Khuyên bạn A tắt điện thoại đi không nên quay phát trực tiếp như thế; 3: Can ngăn, báo cho người có trách nhiệm biết.
Ở câu hỏi dạng này, HS hay lựa chọn đáp án 1 vì các em nghĩ đây là cách hiệu quả có thể nhờ thầy cô can thiệp… Nhưng thực tế nó vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đến nhân phẩm và danh dự người khác đồng thời vi phạm Luật An ninh mạng. Trong trường hơp này, HS bắt buộc phải chọn theo đáp án mà SGK đã dạy chứ không phải theo cảm tính bên ngoài xã hội.