Bí quyết đạt điểm cao môn Văn kỳ thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Thời gian này, khi kì thi THPT QG đang tới rất gần, tâm lí nói chung của học trò khá lo lắng. Tuy nhiên, theo cô Bùi Quế Anh, GV Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội), các em cần bình tĩnh, hệ thống hoá lại kiến thức đã học thành một hệ thống dạng đề thi. Khi đã tự tin về kiến thức, kĩ năng của mình, mọi lo lắng sẽ không còn là áp lực.

Cô giáo Bùi Quế Anh cùng học trò
Cô giáo Bùi Quế Anh cùng học trò

Luyện đề, củng cố kiến thức

Là giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và ôn luyện môn Ngữ văn, cô Bùi Quế Anh cho biết: Thời điểm này là thời gian GV tập trung ôn luyện kiến thức cơ bản cho HS. Các em hầu như đã nắm được các kỹ năng làm bài, các dạng bài. Trong quá trình ôn tập, GV chú trọng để các em luyện đề, củng cố kiến thức. Với môn văn, nhà trường phân loại HS theo nguyện vọng đăng ký của HS các ban A,B,C để có hướng ôn tập phù hợp.

Với HS chỉ thi để lấy điểm xét tốt nghiệp, các em cần nắm vững phần đọc hiểu. Đây là câu hỏi tối đa 3 điểm. Ngữ liệu đọc hiểu: vô cùng đa dạng, phong phú. Ngữ liệu đọc hiểu có thể là một văn bản, đoạn văn bản thuộc văn bản văn học hoặc văn bản nhật dụng, văn bản thông tin. Văn bản, đoạn văn bản đó có thể nằm trong chương trình học hoặc hoàn toàn xa lạ, mới mẻ với học sinh.

Ở phần này, các em cần đạt đước các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp. Mức độ vạn dụng cao các em cần biết suy luận, đánh giá, bày tỏ quan điểm nhận thức một cách đúng đắn, hợp lý. Các em cần trình bày câu ngắn gọn, rõ, bám sát vấn đề để có thể đạt điểm tối đa.

Ở phần Nghị luận xã hội, điểm tối đa ở phần này là 2 điểm. HS cần nắm được khái niệm vấn đề, biểu hiện hậu quả, nguyên nhân, phương hướng khắc phục điểm hạn chế tiêu cục, phát huy điểm tích cực, liên hệ, rút ra bài học. Nói chung là các em phải nắm được kỹ năng làm bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý, về một hiện tượng đời sống, về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm….Bài viết là một đoạn văn không xuống dòng, có dung lượng phù hợp, lập luận riêng rẽ, dẫn chứng tiêu biểu, thuyết phục.

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Ở phần Nghị luận văn học luôn là một học phần khó (tối đa là 5 điểm). Ở phần này, các em các em cần đọc kỹ yêu cầu của đề bài, xác định đúng vấn đề cần nghị luận, áp dụng kỹ năng làm bài theo từng kiểu bài nghị luận văn học.

Phần mở bài các em cần biết dân dắt để đi vào vấn đề cần nghị luận. Phần thân bài nên đi theo trình tự kỹ năng của từng dạng bài cụ thể, vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận giải thích, phân tích chứng minh, bình luận, so sánh bác bỏ. Biết khai thác vấn đề theo những luận điểm cụ thế, có điểm nhấn, có dẫn chứng chính xác, phù hợp.

Cô giáo Bùi Quế Anh cùng học trò
Cô giáo Bùi Quế Anh cùng học trò 

Đối với phần làm văn nghị luận văn học này, HS cần nắm vững kiến thức cơ bản của các tác phẩm văn học, biết dựa và các yếu tố nghệ thuật để tìm hiểu nội dung (cả thơ và văn xuôi đều phải chú ý khai thác nội dung và nghệ thuật). Đồng thời các em cũng cần phải nắm được đặc điểm nổi bật của phong cách tác giả, những nét đặc sắc riêng của trích đoạn từng tác phẩm…để đưa ra những đánh giá, nhận xét của bản thân sau khi nghị luận.

Với những HS thi lấy điểm xét tuyển vào đại học, đòi hỏi các em phải làm được những câu hỏi vận dụng cao, diễn giải sâu sắc, mạch lạc từng vấn đề. Đối với phần nghị luận văn học, đòi hỏi phải nắm kiến thức văn học trong 3 năm học THPT để viết một bài văn dài, với những dẫn chứng, liên hệ, so sánh; có sự sáng tạo tìm tòi đối với vấn đề nghị luận được nêu.

Chú ý đến từng chi tiết nội dung và nghệ thuật

Cô Bùi Quế Anh cho biết, theo đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT, năm nay, đề thi tập trung vào các tiểu tiết trong tác phẩm văn học, chủ yếu là kiến thức lớp 12 nên HS cũng không quá lo lắng.

Chẳng hạn trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” là các chi tiết: ô cửa nhỏ căn buồng Mị, hình ảnh thiên nhiên, tiếng sáo, Mị uống rượu, những hình ảnh mà trong ký ức Mị hình dung ra…Trong tác phẩm “Tây Tiến” là các chi tiết như “Anh bạn dãi dầu không bước nữa…bỏ quên đời” và “Áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành”… HS nên chú ý đến từng chi tiết về nội dung và nghệ thuật. Có nghĩa là khi dạy cho cho HS, GV luôn phải nhấn mạnh cho HS từng chi tiết nhỏ để HS biết phân tích, so sánh, đối chiếu, đánh giá.

Tuy nhiên đây chỉ là những gợi ý để các em có thể tham khảo, HS nên chú ý đến từng chi tiết nội dung và nghệ thuật hơn nhưng không được học tủ mà tránh các tác phẩm khác hay các tác phẩm đã rơi vào năm 2018. Bởi trên thực tế đã có trường hợp 2 năm liên tiếp đề thi có chi tiết của cùng một tác phẩm ở dạng so sánh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.