Ngoài nắm chắc khái niệm, kiến thức cơ bản cũng như phân tích, lý giải và vận dụng vào thực tiễn đời sống xã hội thông qua các tình huống, HS còn phải có kỹ thuật làm bài mới có thể đạt được điểm cao. 5 “bí quyết” để có thể đạt điểm cao được cô Hằng chia sẻ.
Hiểu từng khái niệm, định nghĩa
Qua phân tích đề thi những năm gần đây cũng như đề minh họa cho thấy: Đề thi môn Giáo dục công dân (GDCD) không bắt buộc HS phải ghi nhớ những tiểu tiết. Để làm bài thi theo hình thức trắc nghiệm, các em không cần thiết phải học thuộc từng khái niệm, định nghĩa, nội dung như trong sách giáo khoa, mà quan trọng phải hiểu khái niệm, biết phân tích, lý giải, tổng hợp, nhận xét, đánh giá hiện tượng pháp luật trong thực tiễn đời sống xã hội. Chính vì vậy, thời gian từ nay đến trước ngày thi, thí sinh cần nắm vững kiến thức, khái niệm cơ bản của các bài học trong chương trình sách giáo khoa (SGK). Chú ý bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng.
Nắm vững kiến thức nền tảng
Trước hết phải nắm vững kiến thức trọng tâm của SGK, chú trọng vào những nội dung bài học gắn với thực tiễn đời sống, vấn đề liên quan đến quyền lợi cũng như nghĩa vụ công dân.
Theo dõi đề thi cũng như đề minh họa, cho thấy: Nội dung kiến thức của Bài 2 - Thực hiện pháp luật, chương trình GDCD lớp 12 có số lượng câu hỏi nhiều nhất trong ma trận đề của Bộ. Đây cũng là bài có nhiều câu hỏi tình huống vì kiến thức gắn với đời sống thực tế. Với bài này, HS cần phải nhớ được hình thức thực hiện pháp luật, gồm: Hình thức Sử dụng pháp luật (cá nhân, tổ chức sử dụng đúng đắn các quyền của mình để làm những việc pháp luật cho phép).
Ở nội dung thi hành pháp luật, ngoài khái niệm thi hành pháp luật, HS cần nắm được từ khóa: Thực hiện nghĩa vụ và phải làm. Nội dung tuân thủ pháp luật, HS cần ghi nhớ công dân không làm điều pháp luật cấm. Áp dụng pháp luật cũng là một hình thức thực hiện pháp luật cần ghi nhớ. Với nội dung Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý, HS cần phân biệt được các hình thức vi phạm: Hình sự, hành chính, dân sự, kỷ luật.
Như vậy, ở bài 2, HS phải phân biệt được trong các hành vi vi phạm pháp luật, hành vi nào là vi phạm dân sự, hành chính hay hình sự. Đặc biệt, các em phải nhớ việc vận dụng pháp luật là quyền của công dân, tuân thủ pháp luật là nghĩa vụ của công dân.
Dùng phương pháp loại trừ
Khi chưa xác định được đáp án đúng, phương pháp loại trừ là cách hữu hiệu để tìm ra câu trả lời đúng. Mỗi câu hỏi thường có 4 đáp án, các đáp án không khác nhau nhiều lắm về mặt nội dung. Tuy nhiên, vẫn có cơ sở để các em dùng phương án loại trừ bằng "mẹo". Cách làm nhanh nhất là tìm phương án sai trước. Khi không còn đủ cơ sở để loại trừ, hãy dùng cách phỏng đoán, nhận thấy phương án nào khả thi hơn và đủ tin cậy hơn thì khoanh vào phiếu trả lời.
Ví dụ với câu hỏi 111 trong đề thi minh họa lần 2 năm 2020: "Với tinh thần xây dựng tổ dân phố kiểu mẫu, ông Q đã viết kinh nghiệm chia sẻ phòng, chống tệ nạn xã hội cho bà con. Ông Q đã thực hiện pháp luật theo hình thức nào:
Tuyên truyền pháp luật
Sử dụng pháp luật
Áp dụng pháp luật
Phổ biến pháp luật
Loại trừ 2 phương án sai nhất là A và D, sẽ có HS nhầm lẫn giữa đáp án B và C. HS lựa chọn đáp án đúng là B vì dựa vào chủ thể không phải là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà là cá nhân. Cá nhân và tổ chức sử dụng các quyền của mình mà pháp luật cho phép. Vậy ông Q đang sử dụng các quyền của mình để viết bài chia sẻ kinh nghiệm phòng chống tệ nạn xã hội – là hành vi pháp luật cho phép làm. Đây là quyền tự do ngôn luận.
Nắm chắc từ khóa
Ở bài Công dân với các quyền tự do cơ bản, các từ khóa cần phải nắm là: Quyền bất khả xâm phạm về thân thể; Quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; Quyền bất khả xâm phạm về chổ ở; Quyền được bảo đảm bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín; Quyền tự do ngôn luận.
Như vậy, nắm chắc từ khóa, giúp chúng ta định hướng được câu hỏi liên quan đến vấn đề gì và đáp án sẽ gắn liền với từ chìa khóa ấy. Đó được xem là cách để HS giải quyết câu hỏi nhanh nhất và tránh bị lạc đề hay nhầm dữ liệu đáp án.
Ví dụ trong câu hỏi đề cập anh A đánh đập anh B làm cho anh B bị thương tích. Với câu hỏi hành vi vi phạm vào quyền nào trong các quyền tự do cơ bản, nhiều HS sẽ dễ nhầm lần đây là quyền bất khả xâm phạm về thân thể nhưng thực chất đây là quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe. Từ khóa của vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể là bắt giam, giữ người trái phép còn từ khóa của quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe là từ khóa đánh đập.
Phân bổ thời gian làm bài
Theo cấu trúc đề thi minh họa, đề phân bố câu hỏi dễ trước, càng về sau độ khó tăng thêm. Chính vì vậy, thí sinh hãy làm câu dễ trước, để bảo đảm đạt tối đa số điểm. Chú ý phân bổ thời gian để không bỏ sót câu hỏi nào, nếu không biết chính xác đáp án hãy dùng phỏng đoán, loại trừ chứ không được để trống đáp án.
Sau khi nhận được đề thi, thí sinh cần đọc qua một lượt, câu nào mình biết rồi thì khoanh ngay vào phiếu trả lời. Sau khi làm hết những câu hỏi mà mình trả lời được thì chọn những câu hỏi đơn giản làm trước, vì bài thi trắc nghiệm các câu hỏi đều có thang điểm như nhau chứ không giống như bài thi tự luận.