Theo phân tích của thầy Bình, trong đề thi môn Toán những năm gần đây thường có từ 2 đến 3 câu hỏi phân loại học sinh (HS), đòi hỏi HS cần có tư duy tổng hợp, còn lại các câu hỏi khác cơ bản bám sát nội dung chương trình các em được học. Như vậy việc học sinh đạt điểm 7 trong đề thi môn Toán không hề khó, chỉ cần các em có phương pháp học và cách giải đề thi.
Để làm tốt bài thi, HS cần đặc biệt lưu ý luyện làm bài tập trên cơ sở nắm vững kiến thức lý thuyết và các công thức toán học. Do vậy, các em cần tìm ra phương pháp học phù hợp nhất để tự "trám" kiến thức còn thiếu của mình. Quá trình đó thực chất là tìm: phương pháp học và luyện giải các dạng đề bài.
1. Phương pháp học môn toán
- Phải nắm vững kiến thức, tức là nhớ các công thức, định lý và biết cách vận dụng chúng để giải được bài tập.
- Đối với môn Toán việc làm bài tập rất quan trọng. Sau mỗi bài, mỗi chương nên tìm ra dạng bài cơ bản (làm nhiều bài tập tương tự nhau), sau đấy là làm bài tập mang tính tổng hợp của toàn chương. Từ đó, phát hiện những thiếu sót, sai lầm mắc phải để khắc phục kịp thời. Việc làm bài tập mang tính tổng hợp như vậy cũng là dịp có thể huy động các kiến thức liên quan để giải một bài toán. Việc làm này rất cần thiết vì các bài toán tổng hợp thường giống với đề thi.
- Kiến thức lớp 10 và lớp 11: Đây là phần kiến thức nền tảng về Hình học không gian, Lượng giác và Đại số (phương trinh, bất phương trình và hệ phương trình) thường có trong các đề tuyển sinh ĐH mà lớp 12 thì không dạy trực tiếp. Thực tế cho thấy rất đông thí sinh làm bài kém ở phần các câu hỏi ở nội dung này, nếu không nắm vững chương trình lớp 10 và 11 thì cần phải có kế hoạch tự ôn tập một cách đều dặn, bền bỉ từng tuần, từng tháng; không thể ôn cấp tập trong một thời gian ngắn.
- Với kiến thức lớp 12: Sau khi học qua hết các phần kiến thức thi việc cẩn làm là hệ thống hóa các kiến thức cơ bản thuộc chương trình lớp 12 theo dạng chủ đề và đưa ra phương pháp giải cho mỗi dạng.
2. Luyện giải đề thi môn toán
- Sưu tập các đề thi Toán hai, ba năm gần đây để làm bài thi thử. Hoặc tìm trên mạng một số website có đăng tải các bài tập, tư liệu liên quan tới môn học này.
- Tập giải đề như thi thật: Sau khi hệ thống hóa kiến thức theo chủ đề, học sinh nên chuyển qua làm thử các đề thi dạng tổng hợp, cố gắng chỉ làm bài trong khoảng thời gian 2/3 so với thời gian thi từng môn theo quy định. Đề thi cũng nên chọn ở nhiều dạng khác nhau và nên khó một chút để có nhiều kinh nghiệm.
- Không đầu tư quá nhiều thời gian để giải các bài khó: học sinh không nên lao theo các bài toán quá khó, sẽ mất rất nhiều thời gian trong khi đề thi có thể sẽ không ra tới. Thay vào đó, nên tập giải cẩn thận các dạng đề cơ bản. Các bước làm bài cẩn thận sẽ giúp thi sinh đạt điểm cao trong kỳ thi. Mặt khác, cũng nên tập trung luyện thêm các dạng đề có kiến thức tổng hợp, sau đó là nâng cao.
Với những em học sinh khá, mục tiêu trước tiên các em cần đặt ra là đạt được 6 đến 7 điểm trong kỳ thi. Để đạt được số điểm này, học sinh cần tập trung ôn thi vào các nội dung sau: Hàm số; phương trình- bất phương trình-hệ phương trình Mũ logarit; tích phân; hình không gian; hình giải tích trong không gian; phương trình lượng giác và bài toán tổ hợp-xác suất. Trừ câu hỏi phương trình lượng giác và bài toán tổ hợp-xác suất ra còn lại các nội dung này đều nằm trong chương trình lớp 12 các em vừa mới được học xong vẫn còn nhớ được kiến thức cơ bản nên việc ôn thi rất thuận lợi.
Với những em học sinh khá và giỏi, để đạt được 8 điểm trở lên thì các nội dung trên các em cần phải nắm thật chắc chắn, rèn luyện được kĩ năng trình bày bài nhanh, rõ ràng, ngắn gọn và học thêm các nội dung kiến thức sau: Hình học giải tích phẳng; phương trình- bất phương trình vô tỷ; hệ phuơng trình và cuối cùng là bài toán chứng minh bất đẳng thức- bài toán tìm Min, Max. Những nội dung này thường là các câu hỏi dùng để phân loại học sinh. Để đạt được điểm nội dung này ngoài việc nắm kiến kiến thức cơ bản các em cần phải mở rộng, nâng cao và rèn luyện tư duy tổng hợp kiến thức.
3. Một vài chú ý
Bài thi là kết quả cụ thể nhất của quá trình ôn luyện, vì vậy, thầy Bình nhắn nhủ HS: Khi làm xong một bài toán nên tập thói quen kiểm lại kết quả vừa tìm được vì nếu không rất dễ bỏ qua những sai sót một cách ngớ ngẩn.
Thầy lưu ý thêm HS trong quá trình ôn tập: Muốn làm một bài toán đạt hiệu quả cao, ta cần có cả kiến thức và kỹ năng thực hành, phải biết cách giải, tính toán chính xác, nhanh gọn. Có nhiều học sinh khi nghe giảng thì hiểu nhanh nhưng khi trình bày một bài giải hoàn chỉnh lại tỏ ra lúng túng vì các em thường chỉ nghĩ ra cách giải mà không làm đầy đủ các bước để đi đến kết quả cuối cùng. Vì vậy, khi vào phòng thi, với khối lượng công việc nhiều, trong tâm trạng căng thẳng lại bị khống chế thời gian nên dễ mắc sai sót, nhầm lẫn.