Biết cách phân bổ thời gian hợp lý
Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, Thạc sĩ Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) cho biết, năm học 2021-2022 vừa kết thúc đối với học sinh khối 12 thực sự rất đặc biệt. Các em phải trải qua 3 năm học liên tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thời gian học trực tuyến chiếm đa số. Điều này đã tác động không nhỏ đến kết quả học tập của các em.
Ngay sau khi được đi học trực tiếp trở lại, thầy cô phải phân học sinh làm hai nhóm. Một là nhóm các em bị hổng kiến thức, nhóm còn lại là các em học khá và muốn ôn tập nâng cao. Do đó giáo viên nói chung, nhất là thầy cô dạy môn Ngữ văn phải thêm việc. Tổ trưởng tổ Ngữ văn đã yêu cầu các giáo viên phân nhóm lớp, mỗi nhóm phải có thời gian biểu ôn tập riêng.
Cũng theo cô Hằng Nga, chương trình thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản giữ ổn định như các năm trước. Đề thi đều có hai phần lớn là đọc hiểu và phần làm văn. Ở phần đọc hiểu, cô luôn luyện cho học sinh những văn bản mới nhằm giúp các em không làm theo lối mòn. Các văn bản phải đề cập tới tình hình thời sự của đất nước. Văn bản đọc hiểu trong văn chương cũng không nằm trong chương trình phổ thông để các em rèn luyện được khả năng tự đọc và tự hiểu văn bản tốt nhất.
"Tương tự, phần Nghị luận xã hội cũng không nằm trong lối mòn bởi đây là vấn đề hiểu biết xã hội. Đề cập đến các vấn đề nóng hổi đang diễn ra chứ không chỉ là vấn đề trong quá khứ. Trong đó có vấn đề tư tưởng đạo lý của dân tộc yêu cầu học sinh phải nắm được.
Phần Nghị luận văn học vẫn bám sát vào chương trình cũng như các tác phẩm văn học cơ bản lớp 12. Đề tham khảo của Bộ GD&ĐT không dễ hơn đề chính thức của các năm trước. Mức độ phân loại vẫn đảm bảo tỷ lệ khoảng 20% là học sinh giỏi, còn lại là trung bình và khá" - cô Nga nhấn mạnh.
Trong giai đoạn "nước rút" khi chưa đầy một tháng nữa sẽ thi chính thức, học sinh nên bình tĩnh và chia nội dung ra từng phần, ôn đến đâu chắc đến đó. Ví dụ, phần đọc hiểu các em luyện theo đề thi thử của thầy cô và làm bài theo khung thời gian mà mình có thể khống chế. Với phần nghị luận xã hội, thí sinh cần luyện kỹ các vấn đề mà thầy cô giao cho hoặc mở rộng ra các vấn đề mà các em tìm hiểu ở các nguồn khác, sao cho thời gian làm phần này chỉ từ 20 - 25 phút. Thời gian còn lại khoảng 70 phút, các em nên tập trung cho phần nghị luận văn học.
Gia đình không nên tạo áp lực
Với 477 học sinh lớp 12 chuẩn bị dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022, thầy Dương Hai Bảy Mươi - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (Long Biên, Hà Nội) cho hay, nhà trường cũng đang tập trung toàn lực để bồi dưỡng, ôn tập cho các em. Trước đó, nhà trường đã cho khối 12 thi thử để bổ sung kiến thức các em còn bị hổng.
Vị Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh, lứa học sinh lớp 12 năm nay chịu thiệt thòi vì thời gian học trực tuyến quá dài, cuối tháng 3 mới được quay trở lại trường. Thậm chí nhiều em bị ảnh hưởng tâm lý dẫn tới kết quả học tập chưa được như mong muốn. Vì thế, nhà trường rất chú trọng khâu tư vấn tâm lý học đường để giải tỏa những bức xúc, thắc mắc cho các em. Đồng thời, phối hợp tốt với phụ huynh để tạo điều kiện tốt nhất để học sinh có đủ kiến thức, tâm thái bước vào kỳ thi.
Theo cô Hằng Nga, với các bậc phụ huynh, đây là giai đoạn bố mẹ nên tích cực bồi dưỡng thể chất và tinh thần cho các em, nhất là phải ăn uống đầy đủ. Bố mẹ không nên tạo áp lực cho các con và coi kỳ thi tốt nghiệp này là một việc bình thường mà con mình phải trải qua. Không nên quan trọng hóa để gây căng thẳng cho các em, đừng nên so sánh con nhà mình với "con nhà người ta". Đồng thời, gia đình cần tạo không gian thật thoáng đãng và yên tĩnh để thí sinh có thể ôn luyện, ghi nhớ kiến thức tốt nhất.