Thầy Nguyễn Hồng Sơn – giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Mê Linh (Hà Nội) lưu ý học sinh lớp 12:
Để làm được điều đó các em cần lập kế hoạch học tập cụ thể, từng bước một, học đến đâu, nắm chắc kiến thức đến đó và xây dựng chiến lược trong học tập. Hãy đề ra cho mình 1 mục tiêu nhất định và lập kế hoạch để đạt được những mục tiêu đó.
Khi học, hãy chủ động trước kiến thức, phân tích để hiểu và có thể áp dụng vào các dạng bài tập. Đừng bao giờ học thuộc một cách máy móc và cần có ghi nhớ kiến thức hệ thống.
Các em cần ôn tập toàn diện, nắm thật vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, không bỏ sót chuyên đề nào vì trong đề thi THPT quốc gia có rất nhiều dạng bài khác nhau nên các em cần làm chủ mọi khái niệm, biết cách vận dụng trong quá trình làm bài thi.
Việc hệ thống kiến thức, khái quát hóa kiến thức cũng rất quan trọng với các em vì vậy các em cần tìm ra cho mình những cách ghi nhớ khoa học và phù hợp nhất với mình.
Ví dụ: Việc sơ đồ hóa kiến thức, lựa chọn các tài liệu chính thống để làm kênh tham khảo trong ôn tập môn Giáo dục công dân, nhất là bám sát đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT trong các Kỳ thi THPT quốc gia của một vài năm gần đây.
Các em cũng cần học tập nghiêm túc, nghiên cứu các bài giảng trên Đài truyền hình Trung ương, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội … Sách giáo khoa và sách bài tập là nguồn tài liệu căn bản, nhưng các em có thể lựa chọn tài liệu khác để bổ sung thêm kiến thức, tạo cơ hội cho mình đạt được điểm cao.
Hãy tìm các đầu sách từ các nhà giáo uy tín, các cuốn sách được các anh chị đi trước khuyên nhủ và nên mua hay những cuốn sách được các thầy cô giáo góp ý.
Thầy Trần Văn Thành – giáo viên Hóa học Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai), các em không nên đọc những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội và các nguồn tin không chính thống. Vì khi tiếp cận những thông tin này, vô hình trung các em sẽ bị tâm lý hoang mang, lo lắng không đáng cần thiết.
Căn cứ vào đề thi tham khảo mà Bộ GD&ĐT vừa công bố và chương trình tin giản đã Bộ, dự báo đề thi THPT quốc gia năm nay sẽ được “giảm tải” so với những năm trước.
Vì thế, các em cần ôn tập thật chắc kiến thức cơ bản. Trong quá trình ôn luyện, các em nên giành nhiều thời gian ôn tập ở 3 mức độ kiến thức: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp.
Tất nhiên là, cần bố trí thời gian hợp lý để luyện giải các bài vận dụng vừa và vận dụng cao, nhưng không nên quá sa đà mà bỏ qua kiến thức cơ bản.