Ôn thi THPT quốc gia: Không dàn trải, hời hợt

Ôn thi THPT quốc gia: Không dàn trải, hời hợt

Bám sát thời sự

Theo thầy Lê Văn Linh – giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi), đề thi tham khảo như lời nhắn nhủ đến học sinh: Học gì sẽ thi nấy. Vì thế, các em học thật kỹ nội dung chương trình bài học. Các tình huống trong đề thi tham khảo bám sát nội dung bài học. Có câu mang tính thời sự như cùng phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, đề thi tham khảo đã giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề thi, cách đọc phương án và các mức độ của đề: Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng - Vận dụng cao. Đồng thời, giúp các em chủ động trong quá trình ôn tập.

Trên cơ sở đó, thầy Linh lưu ý học sinh: Thứ nhất: Các em cần ôn lại thật kỹ nội dung kiến thức cơ bản môn Giáo dục công dân lớp 11 và lớp 12. Ôn kỹ từng bài, theo thứ tự, từ bài đầu đến bài cuối. Thứ hai: Tập trung giải quyết các câu hỏi trắc nghiệm khách quan ở mỗi bài học mà giáo viên đã hướng dẫn trên lớp. Khi có thắc mắc, hoặc chưa hiểu câu hỏi nào thì phải hỏi thầy/cô ngay, không được bỏ qua để nắm chắc, kỹ kiến thức.

Thứ ba: Mỗi học sinh cần chủ động trong học tập và ôn tập theo kế hoạch cá nhân. Làm thử bài thi do thầy, cô giáo giao. Đồng thời học trên kênh truyền hình, mạng xã hội học tập của trường, của Sở GD&ĐT. Thứ 4: Trong bối cảnh học sinh tự học ở nhà như hiện nay, thì bắt buộc các em phải có tài khoản Facebook hoặc Zalo, đặc biệt trên Viettelstudy.vn... Ngoài ra, các em cần được trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet. Các em cần tham gia học tập và hoàn thành bài kiểm tra đầy đủ theo hướng dẫn của giáo viên.

Cô Lê Thị Thu – giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Tháng 10 (Yên Sơn, Tuyên Quang) nhận xét: Đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT vừa công bố tương đối dễ; bám sát với nội dung chương trình mà Bộ giảm tải. Nội dung kiến thức phù hợp với học sinh mọi vùng miền và có tính phân hóa. Cấu trúc đề thi hợp lý, nội dung kiến thức chủ yếu là lớp 12. “Các câu hỏi rõ ràng, tường minh, dễ hiểu, không có những câu đánh đố học sinh. Tôi đã tổ chức khảo sát nhóm học sinh ôn thi đại học làm thử đề thi này. Kết quả, các em đều đạt từ 8 điểm trở lên” – cô Thu chia sẻ.

Từ đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT, cô Thu xác định sẽ dạy học và ôn tập cho tất cả học sinh có nhu cầu thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp cũng như xét tuyển đại học. “Tất nhiên, tôi sẽ phân loại đối tượng học sinh để điều chỉnh phương pháp dạy học hợp lý. Trước mắt, tôi sẽ tập trung hướng dẫn các em nắm chắc kiến thức ở học kỳ I của chương trình lớp 12. Ở phần này, tôi sẽ dành thời gian nhiều hơn hướng dẫn các em. Mục đích là để các em học đến đâu, chắc đến đó và nếu có thi vào phần này thì dễ dàng “ăn điểm” – cô Thu nhấn mạnh, đồng thời dự đoán: Học kỳ I, chưa xảy ra dịch Covid-19 nên các em được đến lớp học tập đầy đủ. Vì thế, rất có thể đề thi năm nay sẽ tập trung nhiều vào khối lượng kiến thức của học kỳ I – lớp 12.

Học đâu chắc đấy

Với kiến thức của học kỳ II, cô Thu đã dạy trên lớp được một nửa thời lượng chương trình, phần kiến thức còn lại cô hướng dẫn học sinh học trên truyền hình. Sau đó, cô sẽ ra bài kiểm tra tương ứng để giúp các em ôn tập và nắm vững kiến thức. Quan điểm là: Học đến đấu chắc đến đấy, không dàn trải, hời hợt.

Với môn Ngữ văn, cô Đặng Thị Minh Nguyệt – giáo viên Trường THPT Đan Phượng (Hà Nội) cho rằng, đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT đáp ứng đúng nội dung giảm tải chương trình mà Bộ đã công bố. Nội dung nằm trong phần học sinh phải học. Cấu trúc đề tương đương với đề thi năm 2019. “Tôi yêu cầu học sinh làm thử xem mức độ hiểu bài của các em đến đâu, để có thể hỗ trợ kịp thời. Kết quả sơ bộ cho thấy: Lớp thiên về Khoa học Xã hội tỷ lệ học sinh đạt điểm trung bình trở lên chiếm hơn 70%. Lớp thiên về Khoa học Tự nhiên tỷ lệ học sinh đạt điểm trung bình trở lên đạt khoảng 50%” – cô Nguyệt trao đổi.

Dựa vào đề thi tham khảo và kết quả khảo sát học sinh, cô Nguyệt lưu ý: Trong quá trình ôn tập, các em cần đọc kỹ tác phẩm văn học để nắm chắc nội dung tác phẩm. Xu hướng đề thi là hỏi sâu, không hỏi rộng. Muốn hiểu sâu thì phải nắm chắc tác phẩm, không được phép mơ hồ. “Dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến dạy - học của thầy và trò nhưng nếu nhìn tích cực thì đây là thời gian để các em có điều kiện “đào sâu” tác phẩm văn học. Vì thế, các em phải tận dụng thời gian này để tranh thủ học những thứ mình cần. Các em hoàn toàn chủ động tự chọn kiến thức để học tập và ôn luyện sao cho hiệu quả” – cô Nguyệt lưu ý.

Theo cô Nguyệt, hiện nay việc các em cần làm là, bám sát các bài học trên truyền hình theo yêu cầu của Sở GD&ĐT Hà Nội. “Bản thân tôi cũng ngồi theo dõi để kịp thời hỗ trợ học sinh khi các em cần. Ngoài ra, tôi tổ chức cho học sinh làm bài tập ở nhà, hướng dẫn các em liên kết kiến thức, tích hợp kiến thức, hoặc mở rộng kiến thức vào thực tế đời sống. Có những câu hỏi, tôi yêu cầu học sinh viết thành bài, hoặc đoạn văn, sau đó gửi email cho cô giáo góp ý. Mục đích là tôi muốn rèn cho học sinh tư duy diễn đạt và kỹ năng viết lách” – cô Nguyệt chia sẻ.

“Hiện tại, chúng tôi đã và đang triển khai ôn tập cho học sinh qua app.onluyen.vn; zoom; messenger; email nhóm lớp… bước đầu khá hiệu quả. Chúng tôi sẽ tiếp tục sát sao việc học tập của các em, để giúp các em tự tin bước vào Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới”. - Cô Lê Thị Thu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.