Theo thầy Lê Văn Linh – giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi), đề thi tham khảo mà Bộ GD&TĐ vừa công bố nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12. Câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 chiếm 90% và xuyên suốt chương trình lớp 12.
Đề thi tham khảo đã được thiết kế theo tinh thần giảm tải của Bộ GD&ĐT. Trong các câu hỏi, các phương án trả lời có độ gây nhiễu tương đối dễ, học sinh nắm chắc nội dung bài sẽ trả lời đúng 75-90% số câu hỏi trong đề tham khảo. Tuy nhiên có khoảng 10% số câu hỏi, học sinh rất dễ nhầm trong chọn lựa phương án đúng.
Đồng quan điểm, cô Trần Thị Nga – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) nhận xét: Riêng đối với môn Lịch sử, đề thi tham khảo – Kỳ thi THPT quốc gia 2020 của Bộ GD&ĐT đã bám sát nội dung điều chỉnh dạy học; các kiến thức rất cơ bản và trọng tâm, phù hợp với tình hình thực tế.
Các câu hỏi trong đề tham khảo đã giảm mức độ 4 (mức độ khó - vận dụng cao) và tăng mức độ 1 (mức độ - nhận biết). Về nội dung, đề thi tham khảo không xây dựng các câu hỏi vận dụng ở phần nội dung chương trình học kỳ 2 (1954-2000).
“Nhìn chung, đề thi tham khảo đã giảm nhẹ mức độ yêu cầu cho HS so với đề thi năm 2019; đặc biệt ở chương trình học kỳ II” – cô Nga chia sẻ, đồng thời trao đổi: Giáo viên có thể dựa vào vào đề thi tham khảo để điều chỉnh nội dung phương pháp dạy và xây dựng kế hoạch dạy học cũng như ôn tập phù hợp cho học sinh.
Đối với các em học sinh, cô Nga lưu ý: Các em cần nắm chắc kiến thức cơ bản để không bị mất điểm ở những câu hỏi dễ (mức độ nhận biết). Đối với những học sinh khá, giỏi, các em cũng không vì quá nôn nóng để đạt điểm cao mà bỏ qua những kiến thức cơ bản.
Không nên chỉ tập trung vào luyện tập những câu vận dụng mà cần ôn tập hài hòa giữa các mức độ từ nhận biết – thông hiểu cho đến vận dụng và vận dụng cao.
“Đối với học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia với nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT, cần học chắc kiến thức trong sách giáo khoa là có thể yên tâm vượt vũ môn” – cô Nga khuyến nghị.