Ôn tập thi tốt nghiệp THPT: Nghị luận về một tác phẩm, đoạn trích văn xuôi

GD&TĐ - Dưới đây là đề cương tài liệu ôn tập thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Ngữ văn - phần nghị luận về một tác phẩm, đoạn trích văn xuôi của Sở GD&ĐT Tuyên Quang.

Ôn tập thi tốt nghiệp THPT: Nghị luận về một tác phẩm, đoạn trích văn xuôi

1. Kĩ năng làm bài nghị luận về một tác phẩm, đoạn trích văn xuôi

Đối tượng của kiểu bài này rất đa dạng: Có thể là giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm nói chung, có thể chỉ là một phương diện, thậm chí một khía cạnh nội dung hay nghệ thuật của tác phẩm hoặc của các tác phẩm, đoạn trích khác nhau.

            1.1. Yêu cầu về kĩ năng

            - Phân tích đề, lập dàn ý cho bài văn nghị luận về một tác phẩm (đoạn trích) văn xuôi.

            - Nêu được luận điểm, nhận xét, đánh giá về nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi.

            - Biết huy động kiến thức sách vở và những cảm xúc, trải nghiệm của bản thân để viết bài nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi.

            - Vận dụng tổng hợp các thao tác lập luận (phân tích, bình luận, chứng minh, so sánh, bác bỏ…) để làm bài văn nghị luận về một một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi.

            1.2. Yêu cầu về kiến thức

            - Học sinh nắm được mục đích, yêu cầu, đối tượng của bài nghị luận về một tác phẩm (đoạn trích) văn xuôi; dạng đề so sánh tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi.

            - Các bước triển khai bài nghị luận về một một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi.

            a) Bước 1: Phân tích đề - xác định các yêu cầu của đề

            - Xác định dạng đề;

            - Yêu cầu nội dung (đối tượng);

            - Yêu cầu vê phương pháp;

            - Yêu cầu phạm vi tư liệu, dẫn chứng.

            b) Bước 2: Lập dàn ý - tìm ý, sắp xếp ý: Theo bố cục ba phần

          - Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích văn xuôi cần nghị luận.

          - Thân bài: Phân tích những giá trị nội dung, nghệ thuật tác phẩm, đoạn trích để làm rõ vấn đề cần nghị luận hoặc một số khía cạnh đặc sắc nhất của tác phẩm, đoạn trích.

          - Kết bài: Đánh giá chung về tác phẩm, đoạn trích.

            c) Bước 3: Viết bài.

            d) Bước 4: Kiểm tra, chỉnh sửa.

            1.3. Những nội dung ôn tập

            1. Các bài: Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân).

            * Yêu cầu về kĩ năng:

- Biết vận dụng kiến thức, kĩ năng viết để trình bày cảm nhận, phân tích về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi đáp ứng yêu cầu đề bài nêu ra; đáp ứng yêu cầu kiểu bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học hoặc so sánh văn học.

            * Yêu cầu về kiến thức:

            - Nắm được những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của từng bài; về số phận và vẻ đẹp tâm hồn của những con người có cuộc sống cực nhục, tăm tối đặc biệt là người phụ nữ; thấy được đặc sắc riêng trong cách miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật, tạo tình huống truyện, dựng đối thoại.

            2. Các bài: Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành); Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi).

            * Yêu cầu về kĩ năng:

            - Biết vận dụng kiến thức, kĩ năng viết để trình bày cảm nhận, phân tích về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi đáp ứng yêu cầu đề bài nêu ra; đáp ứng yêu cầu kiểu bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học hoặc so sánh văn học.

            * Yêu cầu về kiến thức:

            - Nắm được những nét chính về nội dung và nghệ thuật của từng bài; thấy được cảm hứng anh hùng ca và tình yêu nước quê hương đất nước trong thời kì chiến đấu chống Mĩ cứu nước; nét đặc sắc trong xây dựng nhân vật, tình huống truyện, bút pháp trần thuật mới mẻ.

            3. Bài: Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu).

            * Yêu cầu về kĩ năng:

            - Biết vận dụng kiến thức, kĩ năng viết để trình bày cảm nhận, phân tích về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi đáp ứng yêu cầu đề bài nêu ra; đáp ứng yêu cầu kiểu bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học hoặc so sánh văn học.

            * Yêu cầu về kiến thức:

            - Nắm được những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật tác phẩm: Về cách nhìn nhận đa diện, nhiều chiều trong cuộc sống và đánh giá về con người, mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống; đặc sắc trong cách khắc họa nhân vật, xây dựng tình huống truyện, sử dụng ngôn ngữ.

2. Hướng dẫn luyện tập làm bài nghị luận về Tác phẩm, đoạn trích trong chương trình THPT

Đề số 1:

            Suy nghĩ của anh/chị về nét đặc sắc trong cách xây dựng tình huống truyện qua tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

Gợi ý:

Tìm hiểu đề

(?) Nội dung vấn đề cần nghị luận:

Nét đặc sắc trong cách xây dựng tình huống truyện.

(?) Kiểu bài và thao tác lập luận:

- Kiểu bài: Nghị luận về một tác phẩm văn xuôi (về khía cạnh trong tác phẩm).

-  Thao tác lập luận chính: Phân tích; Thao tác lập luận hỗ trợ: Giải thích, chứng minh, bình luận.

(?) Phạm vi tư liệu và dẫn chứng:

Truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

Lập dàn ý

a. Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu luận đề: Nét đặc sắc trong cách xây dựng tình huống truyện trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.

b. Thân bài:

- Giới thiệu tình huống truyện.

- Nét đặc sắc trong tình huống truyện (khía cạnh nghịch lí, khía cạnh nhận thức).

- Bàn luận chung về vấn đề nghị luận.

c. Kết bài

- Đánh giá chung về tình huống truyện.

- Khẳng định ý nghĩa của việc xây dựng tình huống truyện.

Dàn ý chi tiết

a. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm: Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam thời chống Mĩ, là người mở đường xuất sắc cho công cuộc đổi mới văn học từ sau năm 1975. Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu trong thời kì sau năm 1975.

- Giới thiệu về luận đề: Tác phẩm đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo xoay quanh chuyến đi thực tế của nghệ sĩ Phùng, qua đó thể hiện cách nhìn sâu sắc của tác giả về cuộc sống và sự băn khoăn về thân phận con người.

b. Thân bài:

- Giới thiệu tình huống truyện: Đó là tình huống nhận thức trước một hiện tượng đầy nghịch lí của cuộc sống. Nghệ sĩ Phùng đến vùng biển miền Trung chụp ảnh làm lịch và tiếp cận được cảnh chiếc thuyền ngoài xa trong sương sớm hết sức thơ mộng. Ngay sau đó, tại bãi biển, anh chứng kiến nghịch cảnh của cuộc sống - đó là cảnh bạo hành trong gia đình hàng chài sống trên chính chiếc thuyền kia.  

- Khía cạnh nghịch lí của tình huống:

+ Cảnh thiên nhiên toàn bích nhưng cảnh đời thì đen tối; người có thiện chí giúp đỡ nạn nhân lại bị nạn nhân từ chối quyết liệt...

+ Người vợ tốt lại bị chồng ngược đãi; vợ bị bạo hành nhưng vẫn cam chịu, quyết không bỏ chồng, lại còn bênh vực kẻ vũ phu đó; người chồng vẫn gắn bó nhưng vẫn cứ hành hạ vợ; con đánh bố... 

- Khía cạnh nhận thức của tình huống: Thể hiện qua những phát hiện về đời sống của hai nhân vật Phùng và Đẩu.

+ Nhận thức về nghệ thuật và cuộc sống của người nghệ sĩ (qua nhân vật Phùng): 

+) Cái đẹp ngoại cảnh có khi che khuất cái xấu của đời sống (ban đầu Phùng ngây ngất trước cái đẹp bề ngoài của hình ảnh con thuyền, về sau anh nhận ra vẻ đẹp ngoại cảnh đó đã che lấp cuộc sống nhức nhối bên trong con thuyền).  

+) Cái xấu cũng có thể làm cái đẹp bị khuất lấp (tìm hiểu sâu gia đình hàng chài, Phùng lại thấy cuộc sống nhức nhối ấy làm khuất lấp nhiều nét đẹp của không ít thành viên trong gia đình). 

+) Từ sự phức tạp ấy, Phùng nhận ra rằng để hiểu được sự thật đời sống không thể nhìn đơn giản, người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn. 

+ Nhận thức về con người và xã hội của người cán bộ (qua nhân vật Đẩu): 

+) Đằng sau cái vô lí là cái có lí (việc người đàn bà bị hành hạ là vô lí, nhưng người đàn bà ấy không muốn rời bỏ chồng lại có lí riêng); đằng sau cái tưởng chừng đơn giản lại chứa chất nhiều phức tạp (ban đầu, Đẩu tưởng li hôn là cách giải quyết dứt điểm được sự việc, sau anh nhận ra quan hệ của họ có nhiều ràng buộc phức tạp hơn nhiều).

+) Muốn giải quyết những vấn đề của cuộc sống, không chỉ dựa vào thiện chí, pháp luật hoặc lí thuyết sách vở mà phải thấu hiểu cuộc sống và cần có giải pháp thiết thực.

- Bàn luận chung: Việc xây dựng tình huongs truyện độc đáo có ý nghĩa trong việc góp phần làm nổi bật chủ đề - tư tưởng của tác phẩm.

c. Kết bài:

- Đánh giá chung: Tình huống truyện có ý nghĩa khám phá, phát hiện đời sống và bộc lộ được cái nhìn nhân đạo của tác giả (mâu thuẫn giữa nghệ thuật giản đơn và cuộc đời phức tạp, mâu thuẫn nằm ngay trong đời sống, thân phận và bản chất con người...).

- Khẳng định: Nhờ tình huống truyện độc đáo, tác phẩm có sức hấp dẫn (kịch tính trong hành động và diễn biến mạch truyện, chiều sâu tâm lí...).

            Đề số 2:

            Cảm nhận của anh (chị) về tình mẫu tử qua nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân.

Gợi ý:

Tìm hiểu đề

(?) Nội dung vấn đề cần nghị luận:

Tình mẫu tử qua nhân vật bà cụ Tứ.

(?) Kiểu bài và thao tác lập luận:

- Kiểu bài: Nghị luận văn  học (nghị luận về nhân vật văn học).

-  Thao tác lập luận chính: Phân tích; Thao tác lập luận hỗ trợ: Giải thích, chứng minh, bình luận.

(?) Phạm vi tư liệu và dẫn chứng:

Truyện Vợ nhặt của Kim Lân (nhân vật bà cụ Tứ).

Lập dàn ý

a. Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu luận đề: Nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm đã thể hiện tình mẫu tử sâu sắc, cảm động.

b. Thân bài:

- Giới thiệu về nhân vật.

- Diễn biến trạng thái, cảm xúc của bà cụ Tứ (Khi nghe con giới thiệu về người vợ nhặt; Sáng hôm sau).

- Bàn luận chung về nhân vật.

c. Kết bài:

- Đánh giá chung về nhân vật.

- Khẳng định tình mẫu tử thiêng liên, cao quí.

Dàn ý chi tiết

a. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm: Kim Lân là nhà văn có sở trường về truyện ngắn; chuyên viết về nông thôn và đời sống của người dân nghèo với ngòi bút  đôn hậu và hóm hỉnh. Vợ nhặt là truyện ngắn tiêu biểu của Kim Lân.

- Giới thiệu về luận đề: Nhân vật bà cụ Tứ đã cho thấy tình mẫu tử thiêng liêng, sâu sắc.

b. Thân bài

- Giới thiệu nhân vật: Là dân ngụ cư, tuổi đã ngoài 70, sống nghèo khổ, phải làm thuê vất vả, có con trai đã luống tuổi nhưng chưa có vợ.

- Tình mẫu tử được bộc lộ qua diễn biến trạng thái, cảm xúc của bà cụ:

+ Khi nghe Tràng giới thiệu cô gái lạ mặt là “nhà tôi”, tâm trạng có nhiều nét đan xen phức tạp: vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng, vừa buồn tủi, lo lắng, xót xa thương cảm (thương người con trai bà thương luôn cả cô con dâu). 

Từ đó chia sẻ, đồng tình và tôn trọng cái quyết định gắn bó duyên phận của con trai và cô vợ nhặt; hi vọng vào tương lai tốt đẹp sau này của các con (Ai giàu ba họ, ai khó ba đời…).

- Sáng hôm sau: Khuyên nhủ, động viên hai con giữ gìn tình vợ chồng, niềm tin cuộc sống, quyết tâm vượt qua nạn đói, để hướng tới ngày mai tươi sáng hơn (bàn chuyện nuôi gà, nấu nồi “chè khoán”, cười nói vui vẻ...). Cùng con dâu dọn dẹp, vun vén cho mái ấm gia đình.

- Bàn luận chung: Bà cụ Tứ là người mẹ nông dân nghèo khổ, nói năng, hành vi, cử chỉ giản dị chất phác, thuần hậu xuất phát từ bản chất người lao động. 

Nhân vật bà cụ Tứ thể hiện tình yêu thương con, sâu sắc biết chia sẻ, tôn trọng những quyết định của con, động viên các con sống cho tốt để giữ gìn hạnh phúc, để nắm vững nhân cách, danh dự. Đó là tình cảm tiêu biểu cho tình mẹ Việt Nam, nhân cách, văn hóa Việt Nam rất thiêng liêng và đáng trân trọng.

c. Kết bài:

- Đánh giá chung: Qua nhân vật bà cụ Tứ, nhà văn Kim Lân đã bày tỏ tình yêu, lòng mến trọng thầm kín đem lại cho hình tượng nhân vật cảm hứng nhân văn thấm thía.

- Khẳng định: Qua hình tượng nhân vật, chúng ta vừa tự hào, vừa kính yêu và biết ơn những người mẹ Việt Nam mang đạo lí Việt Nam, văn hóa Việt Nam.

Theo Sở GD&ĐT Tuyên Quang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ