Tăng sức nặng bài văn Nghị luận với yếu tố biểu cảm

GD&TĐ - ThS Trần Văn Chung - Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Huế) - cho rằng: Nếu sử dụng sáng tạo, hợp lí những yếu tố biểu cảm, không chỉ giúp bài văn thêm thuyết phục mà còn tăng thêm tính truyền cảm cho văn nghị luận.

Tăng sức nặng bài văn Nghị luận với yếu tố biểu cảm

Sử dụng yếu tố biểu cảm gắn với các từ giàu sắc thái biểu cảm

Theo ThS Trần Văn Chung, về phương diện ngữ nghĩa, biểu cảm là một thành phần ý nghĩa rất quan trọng của từ ngữ. Tự nó đã tồn tại một ý nghĩa biểu cảm nhất định và giới hạn phạm vi sử dụng cho con người.

Loại từ có khả năng biểu đạt cảm xúc rõ ràng nhất là những từ, ngữ cảm thán như: Chao ôi, hỡi ôi, than ôi, biết bao, xiết bao, biết chừng nào... Loại từ này được sử dụng để bày tỏ trực tiếp cảm xúc của người viết (người nói).

Để tạo ra tính truyền cảm và thu hút sự chú ý của người nghe (người đọc), chúng ta cũng có thể sử dụng loại từ này để tạo nên các câu cảm thán hay kết hợp với một nội dung thông báo nào đó trong bài văn nghị luận.

Bên cạnh đó, các đại từ nhân xưng trong tiếng Việt cũng có khả năng bộc lộ thái độ, tình cảm của người nói (người viết) một cách rất mạnh mẽ.

Vì thế, loại từ này cũng có thể sử dụng và phát huy hiệu quả biểu cảm trong bài văn nghị luận, nhất là nghị luận xã hội.

Trong đó, các đại từ ngôi thứ nhất số nhiều như: Nhân dân ta, đất nước ta, ta, chúng ta, đồng bào... thường biểu thị tinh thần đoàn kết, thống nhất trong suy nghĩ và hành động.

Các đại từ ngôi thứ hai, thứ ba số ít hoặc số nhiều như: Bọn, bọn bay, chúng, chúng bay, bọn chúng thường bày tỏ sự căm thù, khinh bỉ, đối nghịch.

Sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt nói chung và biểu cảm nói riêng là một việc làm không hề dễ dàng, ngay cả đối với những cây bút chuyên nghiệp.

Nó không chỉ đòi hỏi kiến thức về các phương thức này mà còn phải có kinh nghiệm giao tiếp và vốn sống, vốn ngôn ngữ nhất định.

Vì thế, những kiến thức về sử dụng kết hợp yếu tố biểu cảm khó có thể chuyển hóa thành kĩ năng nếu các em vẫn còn học tập một cách đối phó, càng không thể sử dụng được nếu các em tỏ ra hời hợt, vô cảm với đề Văn.

ThS Trần Văn Chung

Để công khai bày tỏ quan điểm, thái độ của mình, người làm văn nghị luận cũng có thể sử dụng các từ mang ý nghĩa khẳng định (sự thật là, tin rằng, chắc chắn rằng, quả quyết rằng..) hay phủ định (không, không chịu, không được...), các từ biểu thị sự quyết tâm, kiên quyết (nhất định, quyết, phải được..).

Những từ này vừa có khả năng biểu đạt cảm xúc, thái độ mạnh mẽ vừa làm cho lời văn trở nên đanh thép hơn.

Ngoài ra, trong bài làm văn nghị luận, người viết còn có thể sử dụng thêm những từ, cụm từ đậm phong cách khẩu ngữ vào câu văn nghị luận nhằm tạo được sự chú ý cho người đọc.

Sử dụng yếu tố biểu cảm gắn với các loại câu nhiều thành phần có kết cấu cân xứng

Ngoài từ ngữ, ThS Trần Văn Chung cho biết, sức mạnh biểu cảm trong bài văn nghị luận còn được tạo nên bởi cách sử dụng và tạo lập câu của người viết.

Trong văn nghị luận, người viết phải cố gắng đi tìm những cách diễn đạt mới mẻ, độc đáo.

Bên cạnh những câu ngắn dùng để nhấn mạnh, người viết có thể sử dụng những câu dài, nhiều thành phần có kết cấu cân xứng nhằm ra nhịp điệu và sức lan tỏa mạnh hơn.

Trong một số trường hợp, người viết có thể dùng câu đơn không gắn với các thành phần phụ hay tách các vế câu ra thành câu độc lập nhằm mục đích nhấn mạnh một nội dung nào đó.

Ngoài ra, người viết văn nghị luận cũng cần đặt những câu có tính chất hội thoại, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày nhằm thu hút sự chú ý và hứng thú của người đọc, từ đó góp phần tăng thêm tính biểu cảm cho lời nói.

“Nhằm tạo ra tính biểu cảm cho bài văn nghị luận, việc sử dụng câu không theo một mô hình hạn định nào mà phụ thuộc vào năng lực sử dụng ngôn ngữ của người viết. Đôi khi, không cần quá cầu kì trong câu văn nhưng người viết vẫn có thể tạo ra một bài văn nghị luận chặt chẽ, sâu sắc và truyền cảm” - ThS Trần Văn Chung cho hay.

Sử dụng yếu tố biểu cảm gắn với một số biện pháp tu từ

Biểu cảm và tạo hình là hai chức năng chính của các biện pháp tu từ. Bất cứ biện pháp tu từ nào, ngoài tác dụng gợi hình, còn có tác dụng gợi cảm.

Trong mỗi loại văn bản, biện pháp tu từ được sử dụng với những mục đích khác nhau.

Nếu như trong ngôn ngữ nghệ thuật, việc sử dụng biện pháp tu từ chỉ cốt yếu tạo ra tính hình tượng thì trong văn bản nghị luận, nó lại được sử dụng nhằm tăng thêm sức mạnh cho sự đánh giá, bình luận và tăng thêm tính truyền cảm cho lời văn…

Vì vai trò quan trọng đó, không một bài văn nghị luận nào, nhất là các văn bản chính luận lại không sử dụng các biện pháp tu từ.

Một số biện pháp tu từ thường được sử dụng trong bài văn nghị luận nhằm tạo ra hiệu quả biểu cảm được ThS Trần Văn Chung gợi ý như sau:

So sánh trong văn nghị luận chủ yếu làm cho vấn đề nghị luận hiện lên cụ thể, vừa gần gũi vừa ấn tượng, dễ đi vào lòng người đọc hơn.

Điệp ngữ là sự “lặp đi lặp lại có ý thức những từ, ngữ nhằm mục đích nhấn mạnh ý, mở rộng ý, gây ấn tượng mạnh hoặc gợi ra những cảm xúc trong lòng người đọc, người nghe...

Nhờ điệp ngữ, câu văn mới tăng thêm tính cân đối, nhịp nhàng, hài hòa, có tác dụng nhấn mạnh một sắc thái ý nghĩa, tình cảm nào đó, làm nổi bật những từ quan trọng, khiến cho lời nói trở nên sâu sắc, thấm thía, có sức thuyết phục mạnh.

Với khả năng đó, điệp ngữ được sử dụng nhằm tạo ra được tính truyền cảm cho văn bản nghị luận.

Câu hỏi tu từ là loại câu có hình thức nghi vấn nhưng nội dung của nó đã bao hàm ý trả lời. Xét về hiệu quả biểu cảm, câu hỏi tu từ dùng để khẳng định hay phủ định một vấn đề nào đó được đề cập đến trong câu và tăng cường tính diễn cảm của lời nói.

Ngoài ra, người viết cũng có thể sử dụng thêm nhiều phương tiện và biện pháp tu từ khác nhằm tăng thêm tính biểu cảm và thuyết phục cho văn bản nghị luận như phép đối, phép sóng đôi, liệt kê...

Khẳng định biểu cảm thể hiện một cách hết sức đa dạng trong văn nghị luận, ThS Trần Văn Chung cho rằng, muốn sử dụng hiệu quả yếu tố này này, học sinh không những phải hiểu rõ về khả năng biểu cảm của các đơn vị ngôn ngữ, các biện pháp tu từ mà còn phải có một thái độ nghiêm túc, một tình cảm chân thành thiết tha với vấn đề nghị luận.

Sử dụng kết hợp yếu tố biểu cảm nói riêng và các phương thức biểu đạt nói chung là yêu cầu tất yếu của quá trình tạo lập văn bản nghị luận. 

Vì vậy, chương trình sách giáo khoa Ngữ văn sau năm 2015 nên dành thời lượng nhiều hơn nữa cho việc dạy học về sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong văn bản nói chung và văn bản nghị luận nói riêng ở THCS và THPT. 

Ngoài ra, mỗi giáo viên cũng phải tìm những biện pháp để phát huy tính tích cực, tự giác và sáng tạo của học sinh trong việc sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt vào việc tạo lập văn bản như thay đổi cách ra đề, cách đánh giá và giúp các em không còn lệ thuộc những bài vẫn mẫu “dởm” để tạo nên những “tác phẩm” thực sự của mình.

ThS Trần Văn Chung 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ