Cô Trần Thị Thu Cúc - Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT Chiêm Thành Tấn (Hậu Giang):
Học sinh muốn làm tốt bài nghị luận xã hội cần chú ý: Quan tâm đến những vấn đề thời sự nổi bật trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Quan sát nhận thức tư duy sâu sắc hiện thực đời sống với thái độ, quan điểm đúng đắn. Trình bày suy nghĩ chân thành, đưa ra những chính kiến, nhận định, đánh giá về vấn đề xã hội được nêu, những đề nghị giải pháp thích hợp.
Bài viết cần vận dụng các thao tác lập luận có tính chất tổng hợp, tích hợp, phân tích, minh chứng đầy đủ các khía cạnh.
Đồng thời, vận dụng kiến thức thực tế đời sống, lịch sử, xã hội, lựa chọn từ ngữ sắc bén, chính xác, gợi cảm thuyết phục được người đọc.
Thầy Nguyễn Thanh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Bình (Tiền Giang):
Để làm nghị luận xã hội tốt học sinh phải biết vận dụng những thao tác cơ bản của bài văn nghị luận như giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận, so sánh, bác bỏ cùng với các phương thức biểu đạt như biểu cảm, nghị luận…
Đồng thời, phải trang bị cho mình kiến thức về đời sống xã hội. Vì bài văn nghị luận xã hội nhất thiết phải có dẫn chứng thực tế.
Chẳng hạn về tình hình biển Đông trong thời gian gần đây, Nếu vấn đề Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại Việt Nam, vấn đề chủ quyền biển đảo được đưa vào đề Văn nghị luận năm nay, học sinh phải có những hiểu biết nhất định về việc làm sai trái của Trung Quốc; tinh thần của nhân dân Việt Nam, thái độ của các nước trên thế giới trước việc làm đó. Học sinh cũng cần có những kiến thức về lịch sử, địa lí…
Khi tiếp cận với đề, học sinh cần làm rõ vấn đề nghị luận, sau đó mới đi vào đánh giá, bàn luận, rút ra bài học cho bản thân
Cuối cùng, phải tạo ra được niềm đam mê trong học tập và người thầy góp phần quan trọng vào việc thắp lên niềm đam mê đó.