Chỉ 1kg sữa bột cũng phải mất 4.700 lít nước mới làm ra. Ai cũng muốn bảo vệ môi trường, nhưng có phải tất cả các bậc cha mẹ đều có thể nuôi con… “xanh” bằng phương pháp thân thiện với tự nhiên không?
Thực tế đáng sợ
“Sau 2 năm có con, tôi nhận ra một thực tế ngang trái. Đấy là nuôi con trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu này không khác nào… hủy hoại môi trường”, Lucy Pasha-Robinson (Anh) viết. Đối với các bậc sinh thành, ưu tiên hàng đầu luôn là con cái. Ai cũng muốn cho con điều kiện sinh trưởng tốt nhất, đáng buồn là nỗ lực này có thể tàn phá Trái đất.
Theo báo cáo từ chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc, ngành công nghiệp đồ chơi trẻ em sử dụng nhiều nhựa nhất. Chỉ tính riêng các sản phẩm bị ế, mỗi năm đã lên tới hàng triệu và tất cả đều bị vứt ra ngoài bãi rác.
“Nhìn lại nhà mình, tôi không khỏi giật mình. Không có phòng nào lại không đầy rẫy đồ chơi, đồ dùng bằng nhựa cho trẻ em. Những thứ như túi nhựa, bát nhựa, bình sữa và thìa nhựa nhiều đến phát sợ”, cô Lucy viết. Ước tính đến năm 2040, lượng rác nhựa toàn cầu tăng gấp 3 so với hiện nay, trung bình 29 triệu tấn/năm.
Sau nhựa, một trong các loại rác thải đáng ngại nhất trên thế giới là tã lót trẻ em. Chúng có 2 chất liệu không phân hủy, lớp chống thấm bằng polyetylen và lớp chống tràn bằng polypropylen.
Thời gian tự phân hủy của 2 chất liệu này lên tới hơn 500 năm. Trong khi đó, toàn cầu thải ra 300 nghìn tã lót/phút. Tại Anh, rác tã lót trẻ em lên tới 3 tỷ chiếc/năm, chiếm 2 – 3% tổng rác thải sinh hoạt.
Hầu hết các loại sữa bột cho trẻ em đều phải qua nhiều công đoạn mới sản xuất ra được. Trung bình, quá trình sản xuất 1kg sữa bột thải ra môi trường 11 - 14kg khí nhà kính và tốn 4.700 lít nước.
Ít nhất, 1/4 các bậc cha mẹ không có khả năng nuôi con 'xanh'. Ảnh: UNICEF |
Cái khó của “xanh”
Mối quan tâm lớn nhất của nhân loại hiện nay là sức khỏe hành tinh. Các bậc cha mẹ có con nhỏ đều nhận thức rõ tác động khủng khiếp của biến đổi khí hậu, muốn góp phần bảo vệ môi trường. Chỉ là, nuôi con… “xanh” quá khó.
Cái khó phổ biết nhất là tã lót… “xanh”. Những năm gần đây, tã vải dùng nhiều lần được bày bán rộng rãi. Các thương hiệu thi nhau quảng cáo tã vải của mình là bền nhất, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, tã vải phải giặt sạch mới có thể dùng lại.
Nó đồng nghĩa với tốn nước, tốn điện, phát thải khí nhà kính và bột giặt, nước xả cũng không tốt cho sinh thái. Ở những quốc gia có mùa đông quá ẩm, các bậc cha mẹ còn phải sấy tã vải. Chi phí sử dụng tã vải có khả năng cao ngoài dự kiến, thậm chí vượt qua khả năng chi trả của một số gia đình.
Một vài địa phương, công ty đang giới thiệu tã lót tự phân hủy sinh học. Chúng được sản xuất từ các chất liệu tự nhiên như tre, bông hữu cơ… Có điều, không có bất cứ loại tã nào có khả năng tự phân hủy sinh học 100%. Và, cho dù là tã sinh thái hay không thì cũng kết thúc ở bãi rác, giải phóng khí thải, chất lỏng độc hại trong quá trình phân hủy.
Cái khó thứ 2 là thức ăn cho trẻ. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường thực phẩm trẻ em lớn nhất thế giới, tiếp đến là Ấn Độ. Họ sản xuất đa dạng các kiểu thức ăn, sữa, nước uống dinh dưỡng cho trẻ em. Ai cũng biết, ngành sản xuất thực phẩm chế biến sẵn gây tác động tiêu cực lên môi trường.
Thêm vào đó, các mặt hàng này không tốt cho trẻ em nếu lạm dụng. Thế nhưng, ngay cả ở Anh - quốc gia không thuộc nhóm thị trường thực phẩm trẻ em lớn nhất thế giới, lĩnh vực này vẫn tăng trưởng bùng nổ.
Nguyên nhân chính khiến các bậc cha mẹ chọn thực phẩm chế biến sẵn là thiếu thời gian, vì bận bịu công việc. Nguyên nhân phụ có lẽ là tự nấu ăn cũng chưa chắc “xanh”.
Lúc tự nướng bánh quy thay vì mua, cô Lucy nhận ra, chỉ khi không tính công làm thì mới rẻ hơn một chút. Vì cô cần dùng lò nướng, nỗ lực… “xanh” thế là xôi hỏng bỏng không. “Thành ra, tự nướng bánh thiệt hại cả tài chính lẫn môi trường”, cô Lucy kết luận.
Cuối cùng, cô Lucy còn gặp rắc rối trong việc bảo quản bánh… “xanh”. Cô phải gói bánh thừa vào giấy bạc, cất trong tủ đông và dĩ nhiên, sử dụng tủ đông cũng không phải là hành động thân thiện với môi trường.
Hiện tại, trên thị trường chưa có loại tã lót nào sinh thái 100%. Ảnh: AP/Nati Harnik |
Con cái hay môi trường?
Mặc dù cố gắng nuôi con “xanh” hết mức, cô Lucy nhận ra không “xanh” được là bao. Thời gian gần đây, công ty One Poll (Anh) thực hiện khảo sát “bạn có sẵn lòng nuôi con bằng phương pháp thân thiện với môi trường không?”. Họ nhận được kết quả, 1/4 người tham gia cho biết “ngoài khả năng”.
Bất chấp đa dạng sáng kiến hạn chế và thay thế nhựa đã được phổ biến, hầu hết các sản phẩm tiêu dùng dành cho trẻ em vẫn dính dáng đến nhựa, bao gồm cả nhựa dùng một lần.
“Đối với các bậc cha mẹ, thương hiệu được lựa chọn không nhất thiết phải từ công ty, tập đoàn sản xuất thân thiện với môi trường. Mua sắm bền vững cũng không phải là ưu tiên hàng đầu, nhất là khi kinh tế không khá giả.
Cha mẹ nghèo không có nhiều lựa chọn, chỉ có thể mua thứ có thể và tiện dụng nhất”, Jen Gale, tác giả cuốn sách “Hướng dẫn nuôi dạy con cái “xanh” bền vững” (The sustainable (ish) guide to green parenting), giải thích.
Phương pháp “xanh” được khuyến khích nhất là tái sử dụng, đặc biệt là tái sử dụng đồ chơi, đồ dùng sinh hoạt. Tuy nhiên, trong tư cách cha mẹ, các bậc sinh thành luôn muốn thứ tốt nhất cho con em.
Dù giàu hay nghèo, họ cũng muốn cái ăn, cái mặc của con cái là đồ tốt, đồ mới. “Tôi cảm thấy thẹn với lòng, mất mặt với người khác khi cho con cái dùng đồ cũ. Tôi nghĩ các bậc cha mẹ khác cũng giống như mình”, nhà sinh hóa Charlotte Lloyd (Anh) thừa nhận.
Nuôi con “xanh” không chỉ khó ở cách thức thực hiện mà còn khó cả trong tâm lý. Nếu bắt buộc phải lựa chọn giữa con cái và môi trường, e rằng toàn bộ các bậc cha mẹ đều lựa chọn con cái, bất chấp môi trường.