Được công bố trên tạp chí Nature Communications, nghiên cứu tập trung vào cá voi xanh, vây và lưng gù. Các nhà nghiên cứu đồng thời xem xét khối lượng vi nhựa mà những loài này tiêu thụ.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, cá voi chủ yếu kiếm ăn ở độ sâu từ 50 - 250 mét dưới bề mặt. Độ sâu này cũng là nơi có nồng độ vi nhựa cao nhất trong đại dương. Sinh vật lớn nhất hành tinh - cá voi xanh - ăn nhiều nhựa nhất, với ước tính khoảng 10 triệu mảnh mỗi ngày. Bởi, cá voi xanh hầu như chỉ ăn động vật nhuyễn thể.
“Nhuyễn thể ăn nhựa và sau đó cá voi ăn nhuyễn thể”, đồng tác giả nghiên cứu Matthew Savoca - học giả sau tiến sĩ tại Trạm Hàng hải Hopkins, phòng thí nghiệm hàng hải của Stanford trên Bán đảo Monterey, cho biết.
Cá voi lưng gù ăn khoảng 200.000 mảnh vi nhựa mỗi ngày. Trong khi đó, những loài chủ yếu ăn nhuyễn thể thường hấp thụ ít nhất 1 triệu mảnh vi nhựa. Cá voi vây, vốn ăn cả nhuyễn thể và cá, ăn khoảng 3 triệu đến 10 triệu mảnh vi nhựa mỗi ngày. Ông Savoca cho biết, tỷ lệ tiêu thụ này thậm chí còn cao hơn đối với cá voi ở những vùng ô nhiễm nặng nề, như biển Địa Trung Hải.
Các tác giả phát hiện, gần như tất cả vi nhựa mà cá voi tiêu thụ đến từ con mồi, không phải từ khối lượng nước biển khổng lồ. Đây là một khám phá đáng lo ngại.
Bởi, kết quả cho thấy, cá voi có thể không nhận được dinh dưỡng cần thiết để phát triển. Tác giả chính của nghiên cứu Shirel Kahane-Rapport - Phòng thí nghiệm Goldbogen tại Stanford cho biết: “Chúng tôi cần nghiên cứu thêm để hiểu liệu cá có gầy hơn không. Lý do là vì chúng tưởng đã no khi ăn vi nhựa”.
Theo các nhà khoa học, nếu những cá voi ăn con mồi chứa vi nhựa nhưng không đủ dinh dưỡng, thì đó là sự lãng phí thời gian. Nghiên cứu được xây dựng dựa trên hơn một thập kỷ thu thập và phân tích dữ liệu. Các nhà khoa học đã trả lời những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng cơ bản như: Cá voi ăn bao nhiêu, chúng ăn như thế nào, tại sao chúng lớn như vậy nhưng không phát triển hơn...
Họ sử dụng một loạt công nghệ, bao gồm máy bay không người lái và các thiết bị chứa cảm biến. Sau đó, nhóm nghiên cứu đưa các thiết bị này vào lưng cá voi để thu thập dữ liệu chuyển động và sinh lý. Họ cũng sử dụng máy đo tiếng vang, sóng âm thanh để lập bản đồ độ sâu và mật độ cá cũng như nhuyễn thể.
Đây là lần đầu tiên nhóm thông tin chi tiết về cuộc sống và sinh học của cá voi có liên quan đến ô nhiễm nhựa. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, làm tăng thêm các mối đe dọa từ ô nhiễm tiếng ồn, hóa chất và sinh học.