Trong bối cảnh ngành xây dựng đang chiếm 38% lượng khí thải CO2 toàn cầu, giới kiến trúc khao khát hồi sinh nhà bùn. Họ tìm thấy cảm hứng ở 2 thành phố độc đáo, tuyệt đẹp được tạo nên bằng đất thô và khơi dậy trào lưu “chơi với bùn”.
Sana’a (Yemen)
Sana’a là thành phố lớn nhất Yemen (Tây Á), đồng thời là một trong các thành phố có dân cư trú liên tục cổ nhất thế giới. Trong diện tích 126 km2 của nó hiện có khoảng 2,5 triệu người ở.
Với giới kiến trúc toàn cầu, Sana’a là “viên ngọc cổ nguyên vẹn”. Nơi đây vẫn còn nhiều công trình nghìn năm tuổi, nổi bật nhất là Cung điện Ghumdan. Tiếp đến là hệ thống nhà thờ Hồi giáo với hơn 100 công trình và khoảng 6.500 nhà ở cổ xưa, được xây đắp hoàn toàn bằng đất son.
Dù chỉ bằng đất son, hầu hết nhà cửa ở Sana’a là cao tầng, mái bằng, bề mặt trang trí công phu. Khi nhà văn Jonathan Raban (Anh) ghé thành phố này vào thập niên 1970, ông đã bị choáng ngợp. “Toàn cảnh thành phố giống như một pháo đài, nhà cửa, đường sá hệt mê cung”, Raban miêu tả. Sau đó không lâu, vào năm 1986, Sana’a đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Bất chấp thời gian, các ngôi nhà cổ ở Sana’a vững chãi. Ngoài bền thiên niên, chúng còn nổi tiếng “đông ấm, hạ mát”, được giới xây dựng ngày nay ngưỡng mộ gọi là “kiến trúc của tương lai”.
Djenné (Niger)
Djenné là thành phố đồng bằng Niger (Tây Phi), diện tích 302 km2 và dân số khoảng 33 nghìn người. Nó được xây dựng từ năm 800, nổi tiếng với các kiến trúc bằng bùn tráng lệ, đặc biệt là công trình nhà thờ Hồi giáo bằng đất cao nhất thế giới (gần 20m).
Nguyên liệu xây dựng chính của Djenné là đất sét. Mỗi năm, cư dân nơi này sửa chữa và tôn tạo nhà ở cũng như các công trình công cộng bằng đất sét một lần. “Mọi người cùng tham gia. Thanh niên chưa kết hôn thì hợp lực trộn bùn, các chị có chồng gánh nước, đàn ông đã vợ trét tường…”, Trevor Marchand (Anh) ghi nhận.
Người Djenné xem đất sét như biểu tượng gắn kết xã hội và nguyên liệu xây dựng tiện dụng nhất. “Bùn rất dễ nhào nặn, thêm bớt, đáp ứng nhu cầu cơi nới nhà cửa khi thêm nhân khẩu hoặc hủy phòng”, Marchand công nhận.
Tùy vào số nhân khẩu, cư dân Djenné xây dựng không gian sống vừa đủ. Vì mỗi năm đều cần tôn tạo, họ tiện thể trang hoàng và bài trí lại nơi ở, khiến cảnh quan nhà cửa đổi mới liên tục.
“Cái tiện nhất của vật liệu đất sét là khi cần phá, đất lại trở về làm đất, không gây tác hại gì lên môi trường”, Marchand ngưỡng mộ.
Cư dân Djenné hăng hái tôn tạo nhà bùn hàng năm. |
“Chơi với bùn”
Nguyên liệu gây khí thải nghiêm trọng nhất của xây dựng hiện nay là bê tông. Ước tính, nó chiếm khoảng 7% CO2 toàn cầu. Dù vậy, sản lượng xi măng toàn cầu vẫn duy trì mức 4 tỷ tấn/năm. “Chúng ta không thể sống trong rừng bê tông thêm nữa”, Salma Samar Damluji (Yemen) kêu gọi. Lấy Sana’a làm bằng chứng, Damluji tuyên bố “bùn là sự thay thế bền vững hoàn hảo”.
Dragana Kojičić (Serbia, châu Âu) đồng tình với Damluji. Tại quê nhà của cô, người Serbia đang nỗ lực khôi phục và xây dựng các ngôi nhà bằng đất khắp cả nước. “Bùn rất dễ chịu, khiến bạn yêu ngay từ cái chạm đầu tiên. Với bùn đất, bạn còn không cần đồ bảo hộ mà cứ việc dùng tay trần. Chúng ta có thể chơi với bùn, như thể trẻ con nghịch đất”, Kojičić nói.
“Tôi cũng thấy như Kojičić”, Anna Heringer (Áo) xác nhận. Bà đã thiết kế và xây dựng với bùn gần 20 năm, là kiến trúc sư của Trường dạy Thủ công METI ở Rudrapur, Bangladesh (Nam Á). Nhờ công trình trường học bằng đất này, Heringer giành Giải thưởng Aga Khan 2007.
“Bùn rất sẵn có, đã nhiều còn rẻ như cho, có khả năng xây đắp bất cứ công trình nào”, Heringer ca ngợi. Với nguyên liệu chính là bùn, ngành xây dựng cũng chỉ việc tận dụng các thành phần tự nhiên như tre, rơm… làm phụ trợ, lên khung, tạo khuôn...
“Bùn là nguyên liệu xây dựng bền vững vô địch, tái chế vô hạn”, Heringer tiếp tục. Đặc trưng của các kiến trúc bằng bùn là ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè. Nguyên nhân vì, tường bùn có khả năng hấp thụ nhiệt. Với nó, bạn có thể không cần phải lắp đặt các thiết bị điều hòa nhiệt độ.
Năm 2021, Ủy ban Kiểm toán Môi trường Vương quốc Anh từng khuyến nghị “sử dụng các vật liệu xây dựng bền vững, sinh học và thoáng khí, ví dụ như bột trát tường làm từ đất sét”. Ngoài chức năng điều nhiệt, bùn còn hỗ trợ giảm tiếng ồn.
“Nhà bùn là kiến trúc lành mạnh, biết thở theo đúng nghĩa đen. Tường bùn có khả năng hấp thụ hơi ẩm dư thừa từ không khí và giải phóng nó khi không khí quá khô”, Damluji giải thích. Bùn cũng chống chịu thiên tai khá tốt, trừ ngập lụt. Tuy nhiên, chúng ta có thể tránh nguy cơ này bằng cách làm móng cao.
“Hãy cân nhắc việc xây nhà bằng bùn”, các kiến trúc sư “xanh” đề nghị. Với kỹ năng thiết kế và trang hoàng ngày nay, giới kiến trúc hoàn toàn có thể tạo ra ngôi nhà bằng bùn to đẹp không thua bất cứ vật liệu xây dựng nhân tạo nào.
“Mọi ngôi nhà bằng bùn đều rất thoải mái, tiện nghi, được lắp đặt hệ thống điện, nước, gas hoàn chỉnh”, Jerome cho biết. Sống trong nhà bằng bùn là góp phần vào nỗ lực chống nóng lên toàn cầu.