Khơi dậy ý chí thoát nghèo
Sau hơn hai năm triển khai, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tại Phú Thọ đã cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đời sống người dân được cải thiện đáng kể; diện mạo nông thôn, nhất là nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi rõ nét.
Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã được đầu tư đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Thu nhập của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao. Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 5,19%, hộ cận nghèo giảm còn 4,18%; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 1,38%... Tỉnh phấn đấu hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,5%; hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2%, đạt mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, so với cả nước, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao, kết quả giảm nghèo chưa thực sự vững chắc, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư vẫn còn khoảng cách.
Nhằm tạo bứt phá cho các địa phương trong công tác giảm nghèo, tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, MTTQ và các đoàn thể, các cơ quan báo chí tổ chức các hoạt động, biên soạn, phát hành các tin, bài, tuyên truyền về chính sách, chương trình giảm nghèo, về gương điển hình hộ nghèo làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo…
Qua đó đã truyền tải phổ biến các chính sách, chương trình giảm nghèo đến được đông đảo cộng đồng, người dân; khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, loại bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp để vươn lên thoát nghèo.
Ngành chức năng huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) quan tâm hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Ảnh: Hoàng Phương |
Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập
Xã Hoàng Cương của huyện Thanh Ba được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba xã Yên Nội, Thanh Xá và Hoàng Cương. Sau khi sáp nhập năm 2020, quy mô về diện tích tự nhiên và dân số tăng lên, trên cơ sở đó, xã xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Xã tập trung khai thác những điều kiện thuận lợi, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, có cơ cấu chuyển đổi theo điều kiện liên kết phù hợp. Hiện nay, diện tích trồng cây hàng năm của xã duy trì trên 800ha/năm, sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt hơn 2.900 tấn/năm, an ninh lương thực được đảm bảo. Cùng với đó, xã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư phát triển đa dạng ngành nghề để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương.
Khai thác tiềm năng diện tích đất bãi phù sa ven sông Hồng và chuyển đổi những diện tích trồng màu kém hiệu quả, xã đã quy hoạch diện tích trồng chuối, hình thành vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa.
Riêng diện tích của HTX Chuối an toàn Hoàng Cương hiện có trên 50ha. Ông Nguyễn Đức Lương - Giám đốc HTX cho biết: Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên chuối trên đồng đất Hoàng Cương mẫu mã đẹp, được khách hàng ưa chuộng. HTX hướng dẫn thành viên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu, gia tăng năng suất, chất lượng cây trồng, đồng thời hướng dẫn bà con thời vụ trồng để cho thu hoạch đúng thời điểm, mang lại lợi nhuận cao hơn. Mỗi năm sản lượng chuối tiêu thụ của HTX khoảng 400 tấn, đem lại thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/ha. HTX đang hướng đến chuẩn hóa sản phẩm, xây dựng liên kết bền vững để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu chính ngạch.
Bằng những định hướng phù hợp, cộng với tính chủ động, tích cực của người dân trong phát triển kinh tế nên đời sống người dân trong xã ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 40 triệu đồng/năm.
Tiếp tục triển khai các giải pháp giảm nghèo bền vững, thời gian tới, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các địa phương tiếp tục ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025 và mục tiêu đến năm 2030 với các giải pháp phù hợp để cải thiện tiêu chí thu nhập và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghèo đa chiều theo quy định của Chính phủ.