Nước uống và thuốc từ hoa hòe

Cây hòe tên khoa học là Sophora japonica thuộc họ Đậu đã được trồng từ lâu đời làm cây cảnh, cây thuốc ở nước ta và một số nước ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc (Hải Nam) hay một số nơi ở vùng Đông Nam Á.

Nước uống và thuốc từ hoa hòe

Ở nước ta, hòe được trồng nhiều ở Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng và Nghệ An, gần đây cũng trồng nhiều ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Bộ phận dùng là nụ hoa hòe  và quả hòe. Mùa hoa vào tháng 5-8, mùa quả vào tháng 9-10.

Làm trà uống: Trà uống là một loại thức uống thuần khiết của thiên nhiên, đặc biệt phối hợp trà và thảo dược đều là nguyên liệu của thiên nhiên càng tăng hiệu quả bảo vệ sức khỏe. Nụ hoa hòe được sao vàng nhẹ có mùi thơm rất đặc trưng. Để có được một ấm trà ngon người ta phải chọn ấm làm bằng sứ là tốt nhất, nếu không có phải dùng loại làm bằng thủy tinh.

Chọn nước nấu pha trà thì đầu tiên là nước suối từ núi đá chảy ra đó là nước thiên nhiên chưa bị ô nhiễm lại chứa nhiều loại khoáng chất có nguyên tố vi lượng rất cần cho con người. Loại nước pha trà này được liệt vào “thượng phẩm”.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay đều dùng nước sạch đã qua xử lý tiệt trùng mà ta gọi là “nước máy” thì không lý tưởng bằng “nước khoáng tuyền” (nước suối đá) nhưng nó cũng thuộc nước tự nhiên, phù hợp với tiêu chuẩn nước uống cho con người.

Bạn nhớ đầu tiên tráng qua bằng nước sôi cho ấm nóng, sạch sau đó đổ nước tráng đi, cho trà vào rồi rót nước đã đun sôi vào ấm, đậy nắp sau 5-7 phút là uống được. Uống hết nước trà pha lần thứ nhất thì trà tan ra chiết xuất khoảng 55%, pha lần thứ hai khoảng 30%, lần thứ ba còn khoảng 10% hương vị trà. Vì thế, mỗi lần dùng trà bạn phải pha 3-4 lần nước sôi mới tận dụng được hết hương vị trà. 

nuoc-uong-va-thuoc-tu-hoa-hoe-1
nuoc-uong-va-thuoc-tu-hoa-hoe-2

Hoa hòe, dược liệu có nhiều công dụng quý (ảnh trên). Trà hoa hòe (ảnh dưới) phải pha 3 - 4 lần nước sôi mới tận dụng được hết hương vị trà.

Làm thuốc hỗ trợ điều trị

    Tác dụng hạ nhiệt, cầm máu: Với những thành phần có trong hoa hòe như nhiều chất chống ôxy hóa là quercetin, kaemferol, glucosit  đặc biệt là rutin hàm lượng rất cao (34 % trong nụ hoa hòe). Đây là một chất có tác dụng làm giảm tính thẩm thấu của các mao mạch và làm tăng độ bền mao mạch nên tác dụng cầm máu rất tốt trong các trường hợp chảy máu cam, đại tiện ra máu, ho ra máu... Nếu cho vào nồi đất đun to lửa sao cháy tồn tính thì tác dụng mạnh hơn.

    Ngoài ra còn tác dụng hạ huyết áp phòng ngừa xuất huyết não, chữa thần kinh suy nhược, đầu óc choáng váng, mắt đau sợ chói, khó ngủ  dùng dưới dạng thuốc sắc, thuốc hãm hoặc dạng bột, dạng viên, tác dụng cầm máu... Hòe còn có nhiều tác dụng khác nhờ có thành phần hóa học rất phong phú đó là: làm hạ cholesterol giảm nguy cơ xơ mỡ động mạch; làm giảm trương lực cơ trơn của đại tràng, chống co thắt hay được dùng cho bệnh nhân bị trĩ chảy máu, băng huyết.

    Một số bài thuốc kết hợp hòe với các các thảo dược khác làm tăng tác dụng nâng cao sức khỏe

    Chữa các loại xuất huyết như đi ngoài ra máu: Dùng hoa hòe (sao qua) 10-15g hoặc dùng quả hòe 8-12g  sắc uống. Hoặc dùng hoa hòe 20g và địa du 10g (sao đen), diếp cá 12g, nước 300ml sắc còn 200ml uống.

    Chữa huyết áp tăng, thần kinh suy nhược, khó ngủ: Dùng hòe hoa và hạt muồng mỗi thứ bằng nhau sao kỹ tán bột, mỗi lần uống 5g, 3-4 lần/ngày hoặc dùng riêng mỗi vị 10g hãm uống thay chè.

    Chữa sốt xuất huyết khi sốt đã lui mà còn xuất huyết nhẹ, chảy máu dưới da hay trẻ em hay bị chảy máu mũi, chảy máu chân răng, khó ngủ cũng dùng hòe hoa và hạt muồng sao tán bột ngày dùng 10-20g hoặc sắc quả hòe 10g uống.

    Chữa trị sưng đau: Quả hòe phối hợp với khổ sâm lượng bằng nhau nghiền thành bột hòa với nước bôi ngoài.

    Theo Sức khỏe và đời sống

    Tin tiêu điểm

    Đừng bỏ lỡ