Nước sạch trường học: Trăn trở từ những vùng đất khát

GD&TĐ - Trú chân trên những vùng đất khô cằn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhiều trường học, thầy cô giáo, học sinh vùng cao đang hàng ngày đối diện với nguồn nước sạch sinh hoạt thiếu thốn.

Nước sinh hoạt được tái sử dụng tưới cây từ hố tích nước tại Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu
Nước sinh hoạt được tái sử dụng tưới cây từ hố tích nước tại Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu

Cuộc sống, sinh hoạt của họ phụ thuộc vào từng cơn mưa, khe nước nguồn, giếng nước khoan… Để bớt đi những vất vả lo lắng, đảm bảo điều kiện cho việc dạy và học đạt hiệu quả cao nhất rất cần sự quan tâm hơn nữa của toàn xã hội.

Gieo chữ vùng đất khát

Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu (Mường Khương – Lào Cai) nằm trên địa bàn xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương nơi có địa chất đặc thù núi đá nhiều hơn đất nên tình trạng thiếu nước trầm trọng đã diễn ra nhiều năm nay. So với các xã khác của huyện thì xã Tả Gia Khâu thuộc diện thiếu nước và khô hạn hơn cả chỉ với vài nguồn nước chảy, lượng mưa không đáng kể.

Tại Mường Khương, mùa mưa diễn ra từ tháng 6 tới tháng 9 và thời gian còn lại là mùa khô nên cứ vào mùa mưa, bà con dân tộc thường tập trung hết vào việc gieo trồng sản xuất. Từ người già, trẻ em… đều được huy động ra đồng làm việc. Tất cả đều trông vào nguồn nước mưa nên mọi sinh hoạt, hay gieo trồng phụ thuộc vào trời đất, thời tiết.

Tình trạng thiếu nước đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân mà đặc biệt vào thời điểm hanh khô cực điểm kéo dài từ Tết âm lịch đến tháng 4. Người dân ở đây cho biết, để có được can nước sinh hoạt 20 lít họ phải xếp hàng cả ngày trời, phải đi địu nước 5 - 7km, và thậm chí để hứng được nước chảy từng giọt từ vách đá xuống người dân phải xếp hàng từ sáng sớm.

Việc tắm giặt không cách nào khác hoặc đi bộ, hoặc xe máy xuống sông Xanh nằm dưới chân thung lũng. Nhiều đồng bào dân tộc tận dụng cả nước đọng ở cống để giặt quần áo. Những công trình để hỗ trợ thiếu nước trong vùng cũng chỉ khắc phục phần nào. Nước sạch sinh hoạt cho giáo viên, học sinh và người dân Mường Khương vẫn là mơ ước.

Xã A Túc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cũng là một trong những địa bàn khô cằn và nguồn nước bị nhiễm vôi nặng… Mùa mưa ở nơi đây diễn ra từ tháng 4 đến tháng 10, cao điểm tháng 8, 9 còn lại mùa khô.

Nước sạch cho trường học vẫn là mong ước của nhiều trường học vùng cao

Nước sạch cho trường học vẫn là mong ước của nhiều trường học vùng cao

Nhiều năm qua, nguồn nước không chỉ thiếu mà còn không đảm bảo chất lượng khiến sinh hoạt hàng ngày của thầy và trò Trường THPT A Túc bị ảnh hưởng nặng nề. Nhà trường phải thường xuyên trích ngân sách hạn hẹp để mua nước uống chở từ dưới xuôi cách 50km cho giáo viên và học sinh. Giáo viên phải mua nước sạch sinh hoạt (ăn, tắm giặt) trong quá trình bán trú; nước bị nhiễm vôi nặng cũng khiến các thiết bị công trình vệ sinh trường học nhanh xuống cấp, hư hỏng; các nhà vệ sinh trường học không đủ nước duy trì công tác vệ sinh khiến không đảm bảo vệ sinh, bẩn thỉu bốc mùi hôi…

Trường Tiểu học Trung Lý 1, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa cũng được ghi nhận như một điển hình về khó khăn nguồn nước sinh hoạt cho giáo viên và học sinh. Trường có gần 500 học sinh và 30 giáo viên với 8 điểm trường thì chỉ có 2 điểm trường tạm đủ nước để duy trì các hoạt động sinh hoạt hàng ngày còn lại 6 điểm trường luôn trong tình trạng thiếu nước. Đáng nói, thiếu nước để duy trì hoạt động vệ sinh các nhà vệ sinh trường học cộng thêm sự quá tải nhà vệ sinh đã khiến vệ sinh môi trường trường học chịu nhiều ảnh hưởng. 

Mọi mái nhà đều được lắp đặt máng hứng nước chảy thẳng về bể chứa
Mọi mái nhà đều được lắp đặt máng hứng nước chảy thẳng về bể chứa 

Khắc phục khó khăn

Với sự khó khăn về thiên nhiên, địa lý, kinh tế chung thì khắc phục nguồn nước sinh hoạt theo từng điều kiện, cách làm của từng trường là giải pháp duy nhất để tạm ổn định việc sinh hoạt, học tập và giảng dạy.

Ví như tại Tả Gia Khâu, địa bàn xung quanh cách Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu 3km không có nguồn nước nào để có thể lấy về phục vụ cho hoạt động sinh hoạt của học sinh và giáo viên. Vì vậy, nhà trường đã và đang áp dụng nhiều giải pháp khả thi nhất. Trường đào bể chứa nước, hoặc tích nước vào téc nước lớn sử dụng cho cả năm học.

Tất cả các mái tôn của trường có thể hứng nước mưa đều được lắp đặt hệ thống ống máng để khi có mưa nước được dẫn thẳng về các bể chứa nước. Với nước thải sinh hoạt của giáo viên và học sinh cũng được tận dụng tối đa bằng cách đào hố rồi lót áo mưa tránh thấm để tích nước. Khi nước thải sinh hoạt lắng xuống sẽ tiếp tục được dùng để tưới cây cảnh, vườn rau tự trồng tại trường. Các công trình nhà vệ sinh của học sinh đều sử dụng tự hoại, khử mùi bằng cách phủ tro đốt. Đặc biệt, Ban giám hiệu nhà trường đang tích cực huy động các nguồn ủng hộ, xã hội hóa giáo dục để sắm thêm téc đựng nước nổi.

Téc chứa nước mưa cho sinh hoạt, ăn uống của giáo viên
Téc chứa nước mưa cho sinh hoạt, ăn uống của giáo viên  

Nhiều nhà trường đã tích cực trong việc khoan giếng nước ngầm; mời các công ty y tế xét thẩm định và có giải pháp xử lý nước… tuy nhiên, nước sạch để sử dụng vẫn là bài toán nan giải. Tình trạng, giáo viên vùng cao đầu tuần trở lại trường chở từng can nước để nấu nướng ăn uống, cuối tuần mang hết quần áo đồ dùng, chăn màn về giặt là đương nhiên...

Có thể nói, tình trạng thiếu nước kéo dài đã trở thành một thách thức với sự nghiệp “Gieo chữ trồng người” ở những vùng đất khát. Nếu như giáo viên nam, học sinh nam vất vả một hai phần thì giáo viên nữ, học sinh nữ vất vả tám chín phần. Trong khó khăn họ phải cùng nhau chia sẻ từng ca nước đánh răng rửa mặt, từng chậu nước mưa để tắm hoặc nấu ăn hàng ngày. Những vườn rau được tăng gia thêm cho bữa ăn bán trú của học sinh và giáo viên luôn cộc cằn khô khát từng giọt nước. Đồng lương của giáo viên miền núi cũng vơi bớt để mua nước sạch với giá không hề rẻ để phục vụ ăn uống.

Các hố tận dụng nước thải đều được trải ni lông để trống thấm
Các hố tận dụng nước thải đều được trải ni lông để trống thấm 

Cũng bởi đặc thù khó khăn này, trong những bài học giáo dục kĩ năng sống cho học sinh dân tộc tại các trường có học sinh nội trú, bán trú.. hầu hết được các thầy cô giáo lồng ghép cả nội dung sử dụng tiết kiệm nước ra sao? Giáo viên nhà trường ngoài dạy học còn kiêm cả công việc giám sát việc sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày để đảm bảo tiết kiệm.

Quanh năm ăn uống, sinh hoạt bằng nước mưa, nước khe suối… đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe của thầy cô giáo và học sinh. Tuy nhiên, với họ có đủ nước sinh hoạt đã là hạnh phúc và đáng mừng. Nhiều cô giáo cũng cho biết: Biết là có ảnh hưởng tới các bệnh mà nữ nhà giáo mắc phải nhưng biết làm sao được. Bao thầy cô, học sinh và người dân địa phương đang hàng ngày vẫn phải đối diện, khắc phục khó khăn để sống và làm việc.

 Điều mong mỏi lớn nhất của học sinh và giáo viên trên mảnh đất khô cằn từ năm học này sang năm học khác vẫn là sự quan tâm, giúp đỡ của địa phương, xã hội trong việc xây dựng thêm những công trình chứa nước, téc đựng nước… để cuộc sống, sinh hoạt, dạy và học bớt nhọc nhằn. Vẫn biết đây là việc làm không dễ dàng nhưng để các thầy cô giáo, học sinh yên tâm bám trường, bám lớp thì nhất định những khó khăn về nước sạch trường học cần được tháo gỡ khắc phục.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.