Tuy nhiên, để hoạt động này trở thành phong trào, rất cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp cũng như toàn dân hưởng ứng.
Đừng để cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên
Theo dự báo, đến năm 2030 sẽ có khoảng 1,8 tỷ người sống tại khu vực “hoàn toàn khan hiếm nước” và 2/3 số dân trên thế giới sẽ sống trong điều kiện khó khăn về cung cấp nguồn nước. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, đang phải đối mặt với sức ép của sự gia tăng dân số. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng và sự tác động của biến đổi khí hậu gây ra, dẫn đến tình trạng nguồn nước bị suy thoái cả về chất lượng và trữ lượng.
Đáng lo ngại là tình trạng khan hiếm nước ở một số địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên, nước mặn xâm thực ở đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, đời sống của người dân.
Được Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ hỗ trợ để đạt được các mục tiêu trên song vấn đề quản lý, vận hành và sử dụng các công trình cấp nước và nhà vệ sinh trong trường học đâu đó còn chưa hiệu quả, thậm chí hỏng hóc không sử dụng được gây phản cảm đối với phụ huynh và xã hội.
Dự án cấp nước và vệ sinh trường học tuy nhỏ nhưng phải tuân thủ các quy trình của một dự án đầu tư. Điều này có gây khó khăn cho ngành GD khi được giao chủ đầu tư làm. Các đơn vị giáo dục lại khác nhau về đơn vị trực thuộc nên khi thực hiện chủ trương phân cấp đã gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện dự án (THPT trực thuộc Sở GD&ĐT, còn các cấp học phổ thông khác trực thuộc Phòng GD&ĐT).
Nỗ lực của ngành
Bộ GD&ĐT cũng đã chủ động đưa nội dung truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường vào Chỉ thị năm học để chỉ đạo toàn ngành thực hiện, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về Nước sạch, Vệ sinh môi trường và ngày Môi trường thế giới hằng năm.
Ngành Giáo dục đã xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường trong trường học, góp phần tăng cường tuyên truyền, phổ biến và nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là công tác truyền thông về sử dụng, bảo quản công trình nước sạch, vệ sinh trong các trường học nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ, nhân viên, nhà giáo, người học và cộng đồng.
Nhờ thế, cảnh quan trường học cũng như giải quyết vẫn đề nước sạch trường học đã được chú trọng. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng như các địa phương, đến nay có 91% các cơ sở GD phổ thông có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.
Ở tỉnh Bắc Giang, phong trào “Vườn rau sạch cho bé” đã được Sở GD&ĐT phát động trong bậc học mầm non từ hai năm nay. Tổng kết năm đầu triển khai, 100% các trường mầm non trong tỉnh đã triển khai mô hình với tổng thu nhập từ rau đạt hơn 1,7 tỷ đồng.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có môn học là Kỹ thuật bảo vệ môi trường đại cương dành cho sinh viên các ngành không thuộc môi trường. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường được lồng ghép trong các bài học chuyên ngành, ví dụ: Vấn đề môi trường trong chế biến thực phẩm, vấn đề môi trường trong lĩnh vực năng lượng, vấn đề môi trường trong công nghiệp hóa chất. Đối với sinh viên ngành Kỹ thuật môi trường, kiến thức về môi trường là bắt buộc nên kể từ năm thứ 2, sinh viên đã bắt đầu học những môn liên quan đến môi trường. Còn ở các trường ĐH khác, các vấn đề môi trường cũng được lồng ghép trong chương trình đào tạo.
Từ nhiều năm nay, phong trào xây dựng trường học “Xanh - Sạch - Đẹp” được nhiều trường học ở Tiền Giang quan tâm. Theo đánh giá ban đầu, thông qua phong trào này đã giúp HS có một môi trường học tập sạch, đẹp, an toàn, góp phần tích cực trong việc học tập của HS tốt hơn. Phong trào đang có sức lan tỏa. Thông qua phong trào xây dựng trường học “Xanh - Sạch - Đẹp” không chỉ giúp HS có một môi trường học tập tốt, mà còn có ý nghĩa rất thiết thực trong việc giáo dục HS ý thức giữ gìn vệ sinh chung và tác động tích cực đến phụ huynh học sinh trong việc bảo vệ môi trường....
Lạng Sơn tuy là tỉnh miền núi phía Bắc nhưng lại điển hình trong phong trào xây dựng mô hình “Trường học - Công viên”. Đây là mô hình mở rộng, nâng cấp từ “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Sau 1 năm triển khai, đến nay mô hình đã phát triển rộng khắp, góp phần xây dựng môi trường an toàn, thân thiện. Đặc biệt 67 trường đạt tiêu chuẩn sau 1 năm triển khai.
Một trong những hiệu quả tích cực của mô hình là góp phần tạo diện mạo trường lớp khang trang. Nếu như năm học trước, toàn tỉnh mới chỉ có 67 trường học đạt chuẩn “Trường học - Công viên” thì năm học 2015 - 2016, địa phương đề ra mục tiêu phấn đấu ít nhất 132 trường chuẩn quốc gia sẽ xây dựng thành công mô hình “Trường học - Công viên”.
Phong trào “Vườn rau của em” do Hội đồng Đội tỉnh Yên Bái phát động đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tự túc rau sạch, và nâng cao ý thức lao động của học sinh tại các trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh.
Tóm lại, với sự nỗ lực của ngành Giáo dục, nhiều trường học khắp mọi miền Tổ quốc đã và đang hướng tới môi trường giáo dục “Xanh – Sạch – đẹp”.