Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy nhanh sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Hà Giang đã tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đồng bộ, đem lại hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, Hà Giang là tỉnh miền núi còn nghèo, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu và lạc hậu; quy mô nền kinh tế nhỏ bé; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; GDP bình quân đầu người thấp so với bình quân chung của cả nước (38%); chất lượng nguồn lao động, chỉ số PCI (nhóm cuối bảng xếp hạng 59/63) thấp. Đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa bền vững, số hộ tái nghèo và cận nghèo còn cao (tỷ lệ hộ nghèo 38,75%), so với mặt bằng chung của cả nước.
Để hạn chế những khó khăn trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Hà Giang phải quan tâm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, trước hết là hoàn thành việc xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng sản xuất hàng hoá, tập trung các xã, thôn, bản; đảm bảo điện thắp sáng, các công trình nước sạch, trường học, trạm y tế, chợ, gắn với sắp xếp, ổn định dân cư thuận lợi cho phát triển; hạn chế tình trạng di cư tự do.
Tỉnh cần có giải pháp giảm nghèo bền vững từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo năm 2020 tăng gấp 3,5 lần so với hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở xã nghèo giảm 5%/năm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng các ngành nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; tạo cơ hội tốt để đồng bào tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ dịch vụ, phúc lợi xã hội.
Về giáo dục, đào tạo, cần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số; triển khai thực hiện tốt công tác giáo dục đào tạo ở các cấp học, trong đó quan tâm đến các trường phổ thông dân tộc nội trú; nâng cao hiệu quả các chính sách giáo dục, đào tạo.
Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ và thực hiện dịch vụ y tế của trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, bảo đảm công bằng, hiệu quả ở vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt quan tâm tốt chính sách bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ; chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em dân tộc thiểu số; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Phó Thủ tướng lưu ý, trong những năm tới, tỉnh Hà Giang cần tăng cường lực lượng cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt đến công tác ở địa bàn dân tộc thiểu số, nhất là những nơi xung yếu về quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt chính sách động viên, khuyến khích người có uy tín tham gia công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án vùng dân tộc thiểu số theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; đồng thời vận động quần chúng nhân dân chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế nhất là kinh tế biên mậu gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng”; ngăn chặn các hoạt động chống phá khối đại đoàn kết dân tộc thông qua “diễn biến hoà bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lừa gạt, lôi kéo, kích động, chia rẽ đoàn kết đồng bào các dân tộc thiểu số; đồng thời đẩy mạnh đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, buôn bán, vận chuyển… bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.