Nữ thủ khoa khối C Đà Nẵng mê môn Văn mong ước trở thành giáo viên

GD&TĐ- Dù không theo học ở những ngôi trường danh tiếng tại Đà Nẵng nhưng kết quả đạt được của thủ khoa khối C ở Đà Nẵng đã cho thấy, nếu nỗ lực, có kế hoạch học tập hợp lý sẽ đạt được kết quả vượt ngoài kỳ vọng.

Em Tăng Thị Thùy Dang bên chỗ học tập của mình.
Em Tăng Thị Thùy Dang bên chỗ học tập của mình.

Đam mê nghề giáo từ nhỏ, Tăng Thị Thùy Dang (trú thôn Quan Nam 1, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) - học sinh lớp 12/2 Trường THPT Phạm Phú Thứ, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã nỗ lực học tập và đỗ thủ khoa khối C với tổng điểm 3 môn là 28 (trong đó môn Ngữ văn: 9; Lịch sử: 9,5 và Địa lý: 9,5).

Thời gian biểu luyện thi “kỳ lạ”

Trò chuyện với PV Báo GD&TĐ, Dang tâm sự, em và gia đình đã túc trực bên máy tính, điện thoại để tra điểm từ 23 giờ đêm 25/7, đến 0 giờ ngày 26/7, cả nhà reo lên sung sướng khi số điểm của Dang lần lượt Ngữ Văn 9; Lịch sử 9,5 và Địa lý 9,5.

Với số điểm này, Dang vỡ òa cảm xúc khi thấy mình đạt số điểm ngoài mong đợi. Niềm vui nhân lên khi Dang được thầy cô thông báo là thí sinh đạt điểm khối C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) cao nhất Đà Nẵng.

“Lúc có điểm thi thì mẹ em đang làm việc tại KCN Hòa Khánh và do dịch nên không về nhà hơn 2 tuần nay, còn chị gái thì đang làm nhiệm vụ chống dịch ở Trung tâm y tế huyện 2 tháng nay không về. Chỉ có bố và mấy chị em ôm nhau vì quá vui mừng. Sau đó em đã gọi thông báo cho mẹ và chị của mình”, Dang chia sẻ.  

Ngay từ nhỏ Dang đã ao ước trở thành một giáo viên giỏi. Để thực hiện ước mơ của mình và không phụ lòng cha mẹ, năm lớp 12, khi nhà trường chia ban em quyết định vào ban C và đăng ký nguyện vọng vào ngành Sư phạm Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Học viện Tòa án.

Giang vui vẻ khi biết mình đạt điểm cao và đỗ thủ khoa khối C ở Đà Nẵng.

Giang vui vẻ khi biết mình đạt điểm cao và đỗ thủ khoa khối C ở Đà Nẵng. 

Dang chia sẻ thêm: “Em rất thích môn môn Ngữ văn, em được nằm trong đội tuyển học sinh giỏi môn Văn từ năm lớp 6 đến lớp 12 và đạt được nhiều giải thưởng. Trong đó lớp 8 đạt giải ba môn Văn tại kỳ thi học sinh giỏi thành phố, lớp 12 đạt giải khuyến khích môn Văn cấp thành phố. Thế nhưng, bước vào thi môn Ngữ văn, em lo lắng vì phần đọc hiểu năm nay hơi khó, nên khi thi xong cảm em thấy áp lực”.

“Thời gian biểu một ngày của em hơi khác mọi người, 7 giờ sáng đi học đến 11 giờ trưa sau đó phụ gia đình, 13 giờ bắt đầu học tới 18 giờ tối. Sau đó ngủ từ 19 giờ đến 22 giờ đêm rồi thức dậy học. Thời điểm gần thi do ảnh hưởng của dịch nên không đến trường nhưng em vẫn duy trì thời gian biểu như vậy”, Dang cho biết.

“Bí kíp” làm nên điều tuyệt diệu

Chia sẻ về “bí kíp” đạt điểm cao trong kỳ thi này, Dang cho biết, em đã đặt ra một mục tiêu phải đạt điểm tuyệt đối ở môn Sử và Địa. Để cụ thể hóa điều này, Dang đã vạch ra kế hoạch cụ thể và dành nhiều thời gian cho 2 môn này.

Dang chia sẻ, đối với các môn ngoài thời gian trên lớp chúng ta phải tăng thời gian tự học là chính. Đối với môn Sử và Địa thì bên cạnh việc tập giải đề thi trên mạng cũng như đề thi giáo viên ra, học sinh phải tập trung học sâu vào phần kiến thức cần nhớ. Tìm các dạng đề sát với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT để từ đó tập giải và nâng cao kỹ năng làm bài.  

Góc học tập của Dang.

Góc học tập của Dang.

“Ở môn Sử và Địa, phải nắm những kiến thức cơ bản nhất. Bởi vì trong đề thi vừa qua, có 30 câu là nằm ở trong SGK. Khi nắm chắc kiến thức cơ bản thì chúng ta có thể nắm chắc điểm trung bình rồi tìm hiểu và học phần vận dụng cao, cần phải nhớ các mốc thời gian lịch sử cụ thể. Ở môn Địa lý chúng em được lợi thế khi có Atlat, tuy nhiên chúng ta phải nắm rõ và thuộc các ký hiệu trong Atlat và phải cực kỳ cẩn thận vì rất dễ nhầm lẫn. Chỉ cần một chút sai sót là có thể mất điểm rất đáng tiếc”, Dang bật mí.  

Dang cho hay, riêng môn Ngữ văn, em đọc khá nhiều sách, đây là nguồn kiến thức để em trau dồi vốn từ, cách viết để từ đó em biết cách hành văn và đưa vào trong bài làm của mình. "Phần đọc hiểu, nghị luận xã hội thì đòi hỏi kỹ năng, liên hệ thực tế nhiều nhiều hơn, chỉ cần em nắm được vấn đề thì em có thể tự tin diễn đạt ý của mình. Phần phân tích thơ hoặc đoạn văn, ngoài việc tìm hiểu kiến thức cơ bản thì cần phải tìm tòi, tham khảo nhiều nguồn trên mạng, sách, báo rồi từ đó có lý luận văn học để đưa vào bài viết. Tuyệt đối không nên học thuộc và học tủ, như thế sẽ không hiệu quả”, Dang nói.

Với số điểm đạt được, nữ sinh này cho biết sẽ đăng ký học Sư phạm Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội để trở thành một giáo viên.

“Để có được kết quả ngày hôm nay, em đã được rất nhiều thầy cô trong trường THPT Phạm Phú Thứ truyền đạt kiến thức. Đặc biệt, những tháng gần thi cô Lương Thị Yến – Giáo viên dạy Ngữ văn trường THPT Phạm Phú Thứ, đã truyền cảm hứng, động lực và giúp đỡ em rất nhiều trong học tập”, Dang thông tin.

Thầy Nguyễn Bá Hảo – Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang) cho biết, Dang là học sinh giỏi của trường trong nhiều năm liền. Bản thân Dang là một học sinh năng động, năng nổ tham gia các hoạt động của trường.   

“Tôi không bất ngờ với số điểm của Dang, em Dang đạt được điểm cao là thành quả xứng đáng với công sức và sự cố gắng của em trong những năm qua. Đặc biệt, Dang là học sinh đầu tiên của trường THPT Phạm Phú Thứ đỗ thủ khoa. Đây là niềm vui, niềm tự hào của gia đình và của nhà Trường”, thầy Hảo chia sẻ.

Theo thầy Hảo, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, để giúp các em ôn tập, thầy cũng như các thầy cô trong trường liên tục liên hệ với các em thông qua group trong zalo, facebook để gửi bài tập cũng như động viên các em trong suốt quá trình ôn thi. Để từ đó, các em có được tâm lý và kiến thức tốt để bước vào kỳ thi.

Sinh ra trong một gia đình bố mẹ là công nhân, nhưng các chị em Dang từ nhỏ đã tự bảo ban nhau cố gắng học hành. Và dù không theo học ở những ngôi trường danh tiếng tại Đà Nẵng nhưng kết quả đạt được của Dang đã cho thấy, nếu nỗ lực học tập, có kế hoạch phân bổ thời gian và nội dung hợp lý vẫn sẽ đạt được kết quả vượt ngoài kỳ vọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ