Nữ sinh Việt Nam đạt điểm cao nhất trong một kỳ thi Olympic quốc tế

GD&TĐ - Không chỉ giành Huy chương Vàng, Nguyễn Phương Thảo còn đạt điểm cao nhất kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế 2018. Đây là lần đầu tiên học sinh Việt Nam đứng đầu cuộc thi này.

Thầy trò Trường THPT Chuyên KHTN chúc mừng thành tích của Thảo
Thầy trò Trường THPT Chuyên KHTN chúc mừng thành tích của Thảo

Thành tích vượt mong đợi

Một trong 3 chủ nhân chiếc Huy chương Vàng của kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm nay là em Nguyễn Phương Thảo - học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Đặc biệt, Phương Thảo còn đạt tổng điểm cao nhất cuộc thi trên tổng số 261 thí sinh, được tôn vinh là The first winner (người thắng cuộc cao nhất). Đây cũng là lần đầu tiên học sinh Việt Nam đạt điểm cao nhất kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế.

“Khi hai tiếng Việt Nam và tên của em được xướng lên, trong đầu em hiện lên tất cả hình ảnh của những người đã giúp đỡ, định hướng cho em cùng hình ảnh bản thân đã nỗ lực nhiều như thế nào trong thời gian qua để đạt kết quả tốt hơn năm ngoái”, Thảo kể lại khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong chương trình công bố kết quả và trao giải.

Lần thứ 2 liên tiếp dự thi Olympic quốc tế, với mục tiêu cao hơn năm trước, Thảo không tránh khỏi áp lực. Em tâm sự: Áp lực từ nhiều phía và áp lực từ bản thân, biến thành động lực thôi thúc em tiến lên.

Bạn bè cùng lớp chúc mừng thành tích của Nguyễn Phương Thảo

Bạn bè cùng lớp chúc mừng thành tích của Nguyễn Phương Thảo

Được biết, tại kỳ thi Olympic Sinh học năm nay, đề thi lý thuyết lẫn thực hành đều dài, khó, có tính phân hoá cao và cách chấm khắt khe hơn so với các năm trước. Một bài lý thuyết gồm 50 câu, mỗi câu có 4 ý yêu cầu chọn trắc nghiệm đúng sai.

Bình thường, nếu đúng 4 ý sẽ được trọn 1 điểm; 3 ý là 0,6 điểm; 2 ý là 0,2 và đúng 1 ý thì không được điểm. Tuy nhiên, theo quy định của năm nay, đúng 4 ý được trọn 1 điểm; 3 ý được 0,5; đúng 2 ý hay 1 ý đều là 0 điểm. Điều này khiến việc giành điểm cao trở nên khó khăn hơn.

Thảo cho hay, trải nghiệm Olympic quốc tế, giúp em có được nhiều điều ngoài những tấm huy chương. Ở cuộc thi, các đoàn có cơ hội giao lưu và trò chuyện với nhau. Em vốn là một người rất ngại nói tiếng Anh, nhưng sau khi nói chuyện với các bạn quốc tế thì em càng thêm tự tin và cảm thấy rất thoải mái, khác hẳn với lo sợ, e ngại ban đầu.

Qua đó em cũng học được cách phát âm, ngữ điệu và cách nói chuyện của các bạn. Thấy các bạn vui vẻ lắng nghe và hiểu mình nói, em càng thích thú và chắc chắn sẽ học thêm tiếng Anh, đó cũng là cách để em tiếp cận thêm các tài liệu nước ngoài.

Quá trình nuôi dưỡng đam mê

Thành công hôm nay của Nguyễn Phương Thảo là kết quả của quá trình dài nuôi dưỡng đam mê và tập trung học tập. Thảo bắt đầu hứng thú với môn Sinh học từ năm lớp 9, bắt đầu từ những tò mò về thế giới tự nhiên khi em xem các chương trình khám phá trên truyền hình. Từ đó, Thảo quyết định theo đuổi môn này để giải đáp những bí ẩn đó.

Cuối năm lớp 9, em đoạt giải Nhất thi học sinh giỏi thành phố Hà Nội và trở thành thủ khoa đầu vào của lớp chuyên Sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Dưới sự định hướng của thầy cô, em có cơ hội học sâu hơn, bồi đắp tình yêu với môn Sinh học. Lớp 11, Thảo được chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế. Nữ sinh Hà thành mang về tấm Huy chương Bạc. Năm nay, em tiếp tục nỗ lực và được đền đáp xứng đáng.

Thảo cho rằng, Sinh học có sự tích hợp liên môn với những đặc thù riêng mà nếu không đủ đam mê rất khó chinh phục. Nhìn bề ngoài, Sinh khô khan với những mảng kiến thức rời rạc, nhưng thực tế lại liên kết chặt chẽ. Vì thế, em thường hình ảnh hóa và sơ đồ hóa mọi thứ để tìm sự liên kết giữa các phần kiến thức với nhau.

Ngày thường, Thảo coi thư viện là nơi để được sống với niềm đam mê của mình. Em đặc biệt rất thích xem chương trình khám phá khoa học và thế giới động vật trên truyền hình. Thảo cho rằng đó cũng là kênh tiếp thu kiến thức cho môn học ngoài sách vở.

Đánh giá về học trò của mình, cô Đỗ Thị Thanh Huyền - cô giáo phụ trách đội tuyển Sinh học, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - cho biết: Thảo là một học sinh ngoan, hiếu học và đặc biệt có đam mê cháy bỏng với môn Sinh học.

Khi gặp vấn đề khó, Thảo luôn chủ động tìm kiếm câu trả lời, nếu không sẽ chủ động hỏi thầy cô. Em cũng vận dụng rất nhanh các phương pháp tự học được thầy cô trang bị, thậm chí biến những phương pháp của thầy cô thành phương pháp của riêng mình.

Còn thầy Nguyễn Quang Trung, giáo viên chủ nhiệm suốt ba năm THPT của Thảo cho biết: Thảo luôn khiến thầy cô yên tâm vì có thể tự tìm tòi, lên sơ đồ kiến thức một cách bài bản, chỉn chu. Nhờ khả năng tự học, Thảo không vướng mắc ở bất kỳ môn học nào.

Thảo và những người thân trong gia đình

Thảo và những người thân trong gia đình

Với Thảo, việc học tập là một quá trình rất dài mới đạt được mục tiêu mong muốn, em đặt ra mục tiêu từ rất lâu và theo đuổi nó. Thảo học cân bằng cả lý thuyết và thực hành, vì đây là hai phần không thể tách rời nhau. Khi học thực hành, Thảo sẽ tìm hiểu kĩ kiến thức xung quanh thí nghiệm đó. Ngược lại, khi học lý thuyết, em luôn đặt ra câu hỏi, với kiến thức đó có thể thực hiện những thí nghiệm nào.

Nguyễn Thị Nguyệt Hà - cô bạn gái thân thiết nhất của Phương Thảo - chia sẻ: “Thành tích đạt được rất xứng đáng với nỗ lực của Thảo. Bạn ấy luôn đề ra mục tiêu và kiên định với mục tiêu đó, không bị phân tâm với bất cứ việc gì. Thảo là định nghĩa của sự hoàn hảo, không chỉ xuất sắc trong học tập mà còn ứng xử rất tinh tế, hài hòa với mọi người xung quanh”.

Thảo đã đăng kí tuyển thẳng vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng Sinh học và theo đuổi những ước mơ, mục tiêu của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.