Nữ sinh ngoại giao kể chuyện nghiên cứu thuốc kháng viêm

GD&TĐ - Từng tham gia nhóm nghiên cứu cho ra sản phẩm thuốc chống viêm với hoạt tính sinh học cao, giảm thiểu tối đa tác dụng phụ, Hoàng Diệu Linh – sinh viên Học viện Ngoại giao – đang nỗ lực tiếp tục phát triển các hoạt động xã hội và hỗ trợ hướng dẫn nghiên cứu các dự án khoa học, kỹ thuật ở THPT.

Diệu Linh tại Cột cờ huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, trong thời gian thực hiện dự án 60DAYS của tổ chức ICE Vietnam năm 2017
Diệu Linh tại Cột cờ huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, trong thời gian thực hiện dự án 60DAYS của tổ chức ICE Vietnam năm 2017

Thành công từ WICC

Có lẽ, một trong những quãng thời gian đáng nhớ nhất và ý nghĩa với Diệu Linh là thời gian học tại Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).

Thời gian đó, cô nữ sinh năng động, xinh xắn bắt đầu hiện thực hóa được giấc mơ từ thời THCS, đó là nghiên cứu khoa học, thỏa lòng đam mê với 2 bộ môn yêu thích là Sinh và Hóa học.

Linh kể : Khi đó, các thầy cô ở trường luôn động viên và không ngừng tạo điều kiện để các bạn học sinh được thực nghiệm, phát triển nghiên cứu. Em được học hỏi và được nhận hỗ trợ từ những người giỏi chuyên môn cũng như có nhiều thông tin về các cuộc tranh tài trên thế giới như WICC – một cuộc thi do Hiệp hội các trường ĐH Hàn quốc tổ chức về các sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Tham gia WICC, Diệu Linh và các bạn trong nhóm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của PGS. TS Phan Minh Giang, Khoa Hoá - Trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên, ĐH Quốc Gia Hà Nội đã thực hiện thành công giai đoạn tiền lâm sàng dự án “Hướng tới tính chọn lọc của thuốc chiết xuất từ thiên nhiên thông qua phương pháp lai ghép hoá học”

Từ hoạt chất sinh học ent-Kaurane (chiết từ lá cây khổ sâm Bắc Bộ - tên khoa học là Croton tonkinensis Gagnep., Euphorbiaceae), nhóm nghiên cứu đã thiết kế 1 quy trình lai ghép hoá học để điều chế ra thuốc kháng viêm không có chất kích thích steroids (viết tắt tên tiếng anh là NSAIDs - thuốc giảm đau ngoại vi và không có tác dụng gây nghiện).

Kết quả nghiên cứu đã được thử nghiệm tiền lâm sàng thành công, cho ra sản phẩm thuốc chống viêm với hoạt tính sinh học cao và giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ của thuốc.

Với kết quả thử nghiệm thu được rất khả quan và có tính ứng dụng cao, nhóm đã tham dự và đạt Huy chương Vàng toàn cuộc tại International Youth Invention Contest (viết tắt là IYIC - tiền thân của cuộc thi WICC với hơn 200 đề tài khoa học kĩ thuật tham gia) được tổ chức tại Hàn Quốc năm 2015.

Sau cuộc thi, Diệu Linh tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn phát triển tiếp dự án nghiên cứu các tác nhân chống ung thư từ hợp chất ent-Kaurane, nhóm báo cáo đã đạt huy chương Vàng chung cuộc trong 1 cuộc thi khoa học kỹ thuật tổ chức tại Đài Loan năm 2016.

"Em đã học được rất nhiều điều từ kiến thức chuyên môn, các kỹ năng trong phòng thí nghiệm, tới những kĩ năng trong cuộc sống.

Được thử sức ở đấu trường quốc tế, có cơ hội giao lưu, học hỏi từ rất nhiều người cùng đam mê và vô cùng tài giỏi, em đã mở mang tầm mắt và cảm thấy cần nỗ lực hơn nữa để phát triển chuyên môn của mình.

Ngoài ra, em cũng nhận thức rõ hơn về giá trị và tầm ảnh hưởng của những gì mình học và nghiên cứu tới cộng đồng.

Vì vậy, em rất hi vọng mô hình học sinh nghiên cứu và báo cáo khoa học sẽ được tạo điều kiện để mở rộng hơn nữa ở các trường THPT trên toàn quốc để các bạn học sinh được phát triển đam mê và tài năng, đồng thời rèn luyện những kĩ năng mềm trong cuộc sống" - Diệu Linh chia sẻ.

Diệu Linh và các bạn trong cuộc thi tại Hàn Quốc năm 2015
Diệu Linh và các bạn trong cuộc thi tại Hàn Quốc năm 2015  

NCKH không có nghĩa là hạn chế quan tâm tới các vấn đề xã hội

Với niềm tin học khoa học, kỹ thuật không có nghĩa là hạn chế những mối quan tâm tới các vấn đề xã hội, trong năm qua, Linh đã có những chuyến đi từ thiện, trải nghiệm dọc biên giới phía Bắc bằng xe máy để học thêm về con người và đất nước mình.

Trong mùa hè vừa qua, tổ chức International Catalyst for Empowerment (viết tắt là ICE Vietnam - 1 tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục) mà Linh tham gia đã mang dự án 60DAYS tới Huyện Đảo Lý Sơn với mục đích nâng cao chất lượng giáo dục và kiến thức môi trường, đồng thời tạo cầu nối phát triển cho học sinh vùng đảo xa.

Song song với đó, nữ sinh ngoại giao cũng cùng các bạn tổ chức một chương trình Tài năng trẻ, dạy tư duy khởi nghiệp và tư duy phản biện cho học sinh tại tỉnh Quảng Ngãi.

"Gần đây nhất, em cùng với dự án Human Library Vietnam (Thư viện Sách sống) tổ chức sự kiện mùa thứ 2 ở Hà Nội nhằm phá bỏ các định kiến xã hội đối về các bệnh thể chất, vấn đề sức khoẻ tâm lý, … qua các cuộc trò chuyện nhỏ với các “đầu sách” - những người chịu nhiều định kiến trong xã hội.

Em cũng rất may mắn có được sự ủng hộ của gia đình trong mọi hoạt động học tập và xã hội của mình, đặc biệt là mẹ em, một người cũng làm trong ngành y dược.

Trong thời gian tới, em hi vọng có thể tiếp tục phát triển các hoạt động xã hội của mình và hỗ trợ hướng dẫn nghiên cứu được nhiều dự án khoa học, kỹ thuật của các bạn học sinh THPT hơn nữa" - Diệu Linh chia sẻ dự định tương lai.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.