Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long dịp 30/4 - 1/5: Hứa hẹn 'hút' khách

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đặc trưng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn.

Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long hứa hẹn 'hút' khách dịp lễ. Ảnh: Thành Thật
Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long hứa hẹn 'hút' khách dịp lễ. Ảnh: Thành Thật

Dịp 30/4 và 1/5 năm nay thời gian nghỉ lễ kéo dài đến 5 ngày, thời tiết nắng nóng, dự kiến khách chọn loại hình du lịch sinh thái sẽ tăng cao.

Nâng chất lượng dịch vụ

Khu du lịch (KDL) Quốc gia Mũi Cà Mau, KDL Khai Long, Hòn Đá Bạc; KDL sinh thái Sông Trẹm và những điểm du lịch sinh thái cộng đồng là những nơi thường được đông đảo du khách lựa chọn tham quan khi đến vùng đất tận cùng Tổ quốc. Trong những ngày này, các điểm tham quan kể trên đã và đang chuẩn bị mọi điều kiện để đón khách.

Ông Giang Hoàng Hon, Giám đốc KDL Hương Tràm (xã Khánh An, huyện U Minh) cho biết, đặc trưng ở vùng U Minh, Cà Mau là loại hình du lịch sinh thái, miệt vườn. Du khách về đây thường muốn được trải nghiệm, tận hưởng không gian xanh và được thưởng thức các món ăn ngon dân dã, đặc sản địa phương.

“Nắm bắt tâm lý đó, KDL đã xây dựng nhiều sản phẩm hấp dẫn để phục vụ du khách dịp lễ như: Chèo xuồng len lỏi trong rừng đặt lờ, giăng lưới bắt cá; trải nghiệm nghề gác kèo ong; làm bánh và thưởng thức bánh dân gian”, ông Hon nói.

Ông Quách Văn Ngãi, một hộ dân làm du lịch cộng đồng tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển chia sẻ, thời gian qua du khách đến đây thích thú nhất là được trải nghiệm “Một ngày làm nông dân”.

Thời điểm này, gia đình đã cải tạo, vệ sinh xong khu vực nuôi tôm, thả thêm một số loài thủy sản để du khách có thể trải nghiệm dịch vụ câu cá; chèo xuồng bắt vọp, ốc len hoặc đặt lờ cua và tự tay chế biến, thưởng thức các loại đặc sản mình bắt được.

Tỉnh An Giang có nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng như: Rừng tràm Trà Sư, núi Sam, núi Cấm, đồi Tức Dụp, khu tham quan điện mặt trời An Hảo… Nói về việc chuẩn bị đón khách dịp lễ, ông Lê Hoàng Ân, Phó Tổng giám đốc Công ty CP du lịch An Giang, kiêm Giám đốc điểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư cho biết, đơn vị đã tu bổ chỉnh trang cơ sở vật chất, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp với rất nhiều tiểu cảnh ấn tượng. Hiện công ty đã thay màu áo mới cho Cầu Kiều, trang trí, sửa chữa nâng cấp phim trường đất rừng Phương Nam, trang trí thêm đa dạng các loại hoa.

“Hiện tại, rừng tràm Trà Sư không chỉ có nhiều địa điểm sống ảo “đốn tim” du khách, mà còn có nhiều dịch vụ vui chơi giải trí hấp dẫn như: Chạy xe đạp xuyên rừng, đua thuyền thúng, đạp xe qua cầu gỗ, chơi cầu lắc, cầu trượt bùn tuổi thơ, trải nghiệm đi cầu khỉ, đạp xe đạp xuyên rừng, câu cá giải trí…”, ông Lê Hoàng Ân thông tin.

Tại TP Cần Thơ, nhiều khu, điểm du lịch đã chú trọng mở rộng những mảng xanh và tổ chức nhiều hoạt động thu hút du khách tham quan.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc làng du lịch Mỹ Khánh cho biết, bên cạnh các dịch vụ thường có, dịp lễ này làng còn tổ chức các hoạt động đặc sắc như: Lễ hội bánh trái Mỹ Khánh 2024 diễn ra từ ngày 27/4 đến ngày 1/5 với các gian hàng bánh dân gian, gian hàng trái cây, gian hàng đặc sản, làng nghề truyền thống; ẩm thực chợ quê Mỹ Khánh.

Cùng với đó, làng đã đầu tư hơn 20 trò chơi giải trí khác nhau từ truyền thống đến hiện đại nhằm thu hút khách tham quan, nhất là giới trẻ.

Điểm Du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư nhìn từ trên cao. Ảnh: Thành Thật

Điểm Du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư nhìn từ trên cao. Ảnh: Thành Thật

Kỳ vọng lượng khách tăng cao

Với sự chuẩn bị chu đáo, các điểm, khu du lịch ở ĐBSCL kỳ vọng lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan sẽ tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc làng du lịch Mỹ Khánh chia sẻ, làng kỳ vọng sẽ đón trên 10.000 khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay. Còn Giám đốcVườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Lê Văn Dũng cho biết: Theo thống kê, lượng khách đến với các điểm du lịch về rừng thời gian qua tăng khoảng 20% và dự kiến sẽ còn tăng cao trong dịp lễ.

Do đó, KDL Mũi Cà Mau đã và đang trong quá trình thực hiện các bước rà soát, lập phương án tập trung xây dựng thêm các sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch trải nghiệm rừng, trải nghiệm về đêm để thu hút du khách.

Du khách tham quan tour xuyên rừng tại KDL Quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh: Quách Mến

Du khách tham quan tour xuyên rừng tại KDL Quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh: Quách Mến

Du khách tham quan cột mốc tọa độ Quốc gia tại KDL Quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh: Quách Mến

Du khách tham quan cột mốc tọa độ Quốc gia tại KDL Quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh: Quách Mến

Ông Trần Văn Thảo, Giám đốc Vietraval chi nhánh Cà Mau thông tin, để chuẩn bị đón khách về Cà Mau dịp lễ, công ty đã xây dựng hai chương trình tour chính: Một chương trình đi tham quan KDL Quốc gia Mũi Cà Mau kết hợp các điểm du lịch cộng đồng ở Đất Mũi và một chương trình tham quan Vườn Quốc gia U Minh Hạ, KDL Hòn Đá Bạc, kết hợp các điểm du lịch sinh thái ở U Minh. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày lượng khách về Cà Mau thông qua công ty khoảng 500 khách.

“Có rất nhiều đoàn đã liên hệ đặt tour cho kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Hiện tại công ty đang liên hệ các điểm du lịch, đối tác dịch vụ xe, nhà hàng, khách sạn... để đảm bảo du khách đến tham quan được hưởng dịch vụ tốt nhất”, ông Thảo nói.

Trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, tại Cà Mau sẽ diễn ra nhiều hoạt động nằm trong chương trình “Cà Mau - điểm đến 2024” như: Sự kiện Hương rừng U Minh diễn ra từ ngày 30/4 đến ngày 1/5; lễ hội bánh dân gian Nam Bộ tổ chức từ ngày 27/4 đến 2/5/2024.

“Với nhiều hoạt động phong phú cùng sự chuẩn bị chu đáo của các điểm, KDL, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành du lịch... Cà Mau kỳ vọng sẽ đón trên 100.000 khách du lịch trở lên”, ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Cà Mau chia sẻ.

Bên cạnh chuẩn bị các điều kiện đón khách, Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành ĐBSCL cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc, chính quyền địa phương có điểm du lịch; đơn vị kinh doanh lữ hành, các cơ sở lưu trú và điểm tham quan du lịch trên địa bàn tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách; đảm bảo vệ sinh môi trường; phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về xuất nhập cảnh, cư trú, tham quan đối với người nước ngoài; thực hiện quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch; niêm yết công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết; không tùy tiện tăng giá, ép giá với khách, chèo kéo khách mua hàng... gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch địa phương”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ