Nữ sinh 17 tuổi mở triển lãm tranh chống bạo hành phụ nữ

Còn ở tuổi học sinh nhưng Nguyễn Tường Uyên đã có nhân sinh quan khá sâu sắc. Cô bé dành nhiều thời gian để vẽ hơn là đọc truyện tranh, luyện piano nhiều hơn là online Facebook.

Nữ sinh 17 tuổi mở triển lãm tranh chống bạo hành phụ nữ

“Tiếng gọi từ trong con tim”

Nguyễn Tường Uyên sinh năm 1998 là học sinh lớp 12 Anh1, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Uyên là một trong những họa sĩ không chuyên hiếm hoi nhận được giấy phép mở triển lãm tranh từ Sở Văn hóa Hà Nội ở độ tuổi 17.

Chủ tịch hội Mỹ thuật Hà Nội – Phạm Kim Bình đã rất xúc động khi viết lời đề tựa cho triển lãm tranh của Uyên. Bà nói: “Tường Uyên vẽ bằng cảm thụ bản năng và với hệ thống ý tưởng mạch lạc khiến người xem ngỡ ngàng. Thật không ngờ ở tuổi 17 của em lại có những trăn trở, băn khoăn với những vấn đề xã hội hết sức lớn lao và bức xúc.

…Dĩ nhiên không phải là những vấn đề thuộc kĩ thuật hội họa. Kĩ thuật ấy không khó để học tập, rèn luyện bài bản trong vài trường chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chẳng có trường nào dạy người ta được ý tưởng”.

Triển lãm tranh của Nguyễn Tường Uyên mang chủ đề “Ngày mai hi vọng”, gồm nhiều tác phẩm ấn tượng, nói về thân phận người phụ nữ. Trong đó, nữ sinh này đề cập tới những vấn đề như: niềm khao khát tự do của người phụ nữ, nhưng rào cản xã hội đối với người phụ nữ, bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ… Điều đáng chú ý là Uyên không được qua một trường lớp đào tạo nào, chỉ vẽ bằng bản năng cảm thụ của em.

Nhiều nhà chuyên môn khác cũng đánh giá cao chủ đề mà Tường Uyên lựa chọn. Họa sĩ – nhà văn Đỗ Phấn, người đã chứng kiến từng bước trưởng thành của Uyên khâm phục cô gái trẻ ở khả năng cảm thụ và thể hiện vấn đề nóng của xã hội một cách tự nhiên nhất “Bởi vì cháu còn trẻ nên cháu có thể cảm nhận được những điều mà người lớn chúng ta đôi khi đã quá chai sạn”.

Ấn tượng với những tác phẩm của cô gái 17 tuổi, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đã xin phép Tường Uyên để sử dụng những bức tranh của em trong cuốn sách về vấn đề bình đẳng giới của bà.

Tại buổi triển lãm của mình, tác giả trẻ Tường Uyên chia sẻ: “Những bức tranh là tiếng gọi từ trong tim em, là cách mà em thể hiện những nỗi đau, sự bất công mà người phụ nữ phải đối mặt. Sự bất công đó có thể nhìn thấy được quanh chúng ta. Song song với đó, em muốn lột tả niềm khao khát hướng về ngày mai tươi sáng của họ - những người phụ nữ chịu sự bất công trong xã hội”.

Không chỉ vậy, Uyên còn luôn tích cực tham gia các dự án vì cộng đồng HOPE- Hội chợ giúp đỡ trẻ tự kỉ, Rainbow and Buttons - triển lãm về LGBT, hay Imperfection - Triển lãm tranh cho trẻ em khuyết tật…

Vẽ tranh là cách “giao tiếp” với thế giới

Là một học sinh chuyên Anh, nhưng ngôn ngữ lời nói hay chữ viết lại không phải là cách mà Tường Uyên thể hiện cá tính của mình. Cô bé kể rằng, đi đâu em cũng mang theo cuốn sổ vẽ. Uyên vẽ mọi thứ mà em nhìn thấy và có cảm xúc.

“Bạn bè em nhiều người cũng thấy lạ nhưng ai thân thiết đều hiểu đó là cách mà em giao tiếp với thế giới. Thông qua những bức tranh, em dễ dàng thể hiện bản thân.

Tuy vậy, em cũng là một cô gái tuổi teen bình thường thôi. Em thích đọc truyện tranh hoặc truyện ngắn lúc rảnh rỗi, và cũng thường xuyên online Facebook, tụ tập cùng bạn bè”, nữ sinh trường Ams bộc bạch.

Nhờ ngoại ngữ tốt, Tường Uyên tự tin trả lời những vị khách nước ngoài bị thu hút bởi những bức tranh của em
Nhờ ngoại ngữ tốt, Tường Uyên tự tin trả lời những vị khách nước ngoài bị thu hút bởi những bức tranh của em

Cũng nhờ đam mê vẽ, Tường Uyên đã gặp được những người bạn có cùng sở thích này ở trường. Em là chủ tịch câu lạc bộ mỹ thuật mang tên “Draft & Graph” – là nơi 25 bạn trẻ cùng nhau chia sẻ tình yêu nghệ thuật.

Hàng tuần, các thành viên câu lạc bộ “D&G” họp mặt để cùng nhau vẽ về một chủ đề, hoặc tìm hiểu về các họa sĩ nổi tiếng thế giới, hoặc đi xem các triển lãm tranh ở Hà Nội…

Tường Uyên đã ấp ủ mong muốn mở triển lãm tranh về chủ đề bảo vệ phụ nữ và bình đẳng giới từ lâu. Trong vòng 2 năm qua, em không ngừng vẽ và âm thầm chuẩn bị các điều kiện để mở triển lãm. Sau hơn 2 tháng tìm hiểu, em nộp đơn và tác phẩm lên Sở Văn hóa Hà Nội, Uyên đã nhận được giấy phép mở triển lãm.

Mẹ của Tường Uyên – cô Đoàn Thu Nga nói rằng: “Cháu Uyên là đứa con mà tôi rất tự hào và yên tâm. Từ bé cháu đã có suy nghĩ chững chạc, sâu sắc. Tôi chỉ biết cháu thích vẽ chứ không hề biết ý định mở triển lãm của con. Nhìn những tác phẩm này tôi rất xúc động và ủng hộ con đường mà con theo đuổi”.

Hiện nay, Tường Uyên đang ấp ủ ý định đi du học. Em khát khao được học và làm việc trong lĩnh vực mà em có thể giúp đỡ, bảo vệ những đối tượng yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật. Em có thể tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật, hay trở thành một luật sư, nhà truyền thông, tình nguyện viên…

17 tuổi Uyên chưa thể đưa ra quyết định về tương lai, chỉ biết rằng, trái tim nhân ái của em sẽ không thôi trăn trở và tiếp tục hành động vì những đối tượng yếu thế.

Dưới đây là một số tác phẩm của Tường Uyên trong triển lãm "Ngày mai tươi sáng":

Bức tranh Phận nữ nhi - một trong những tác phẩm thuộc chủ đề chống bạo hành phụ nữ
Bức tranh "Phận nữ nhi" - một trong những tác phẩm thuộc chủ đề chống bạo hành phụ nữ
Kẻ vũ phu
"Kẻ vũ phu"
Những kẻ buôn người
"Những kẻ buôn người"
Ngã giá
"Ngã giá"
Mâm trên - tác phẩm vì quyền bình đẳng giới
"Mâm trên" - tác phẩm vì quyền bình đẳng giới
Mắt trần
"Mắt trần"
Tường Uyên cũng có nhiều tác phẩm nói lên khát vọng của người phụ nữ. Nụ sen là một trong số đó
Tường Uyên cũng có nhiều tác phẩm nói lên khát vọng của người phụ nữ. "Nụ sen" là một trong số đó
Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.