Nữ sinh 12 năm nuôi heo đi học

Gia đình nghèo, ngay từ lớp 1, Thanh Thúy đã biết lấy tiền lì xì của ông bà, nhịn ăn quà sáng… để nuôi heo đất, dành tiền đi học. Cũng nhờ thói quen nuôi heo đất đã giúp Thúy tiếp bước đến trường, nuôi ước mơ vươn tới giảng đường đại học.

Nữ sinh 12 năm nuôi heo đi học

Cái nghèo khó “bó” cái chữ

Cô nữ sinh 12 năm nuôi heo đất đi học là em Nguyễn Thị Thanh Thúy - học sinh lớp 12A2 Trường THPT Thới Lai (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ). 

Gia đình em Thúy thuộc hộ cận nghèo (vừa thoát nghèo được 1 năm, ấp Thới Xuân, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai), cũng vì ý thức được cái khổ của cái nghèo nên cha mẹ Thúy chỉ sinh mỗi mình em, dù vậy cuộc sống cũng hết sức khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung kể: “Trước khi gia đình về đây ở, trước đó cả nhà ra Vũng Tàu đi làm công nhân. Mấy năm đó cuộc sống tuy vất vả nhưng cũng đủ ăn nhưng đùng một cái, ba của cháu Thúy ngã bệnh nặng, bác sĩ bảo đưa về quê lo hậu sự.

Nhưng khi đưa cha cháu về đây, bà con thấy cha cháu còn sống nên đã góp tiền đưa cha nó vào viện (lúc bà Nhung không còn một đồng dính túi) và may mắn cha cháu được cứu sống.

Từ đó, tôi xin cha ruột cho cái nền nhà này để ở, vì thấy rằng, mình nghèo nếu ở quê có gì bà con còn tiếp giúp nhau được, chứ sống ở xứ lạ quê người, không tiền là khổ lắm!”.

Theo bà Nhung, khi có nơi “gối đầu” đúng lúc đó em Thanh Thúy cũng vừa đến tuổi vào lớp 1. “Ban đầu vợ chồng tôi cũng không muốn cho cháu Thúy đi học, tuy nhiên cháu Thúy ngày nào cũng nằng nặc đòi đi học. 

Tôi nói lí do không có tiền đóng tiền trường, cháu nó bê heo đất ra đập và đưa tiền cho tôi đi đóng tiền trường, tôi nhớ lúc đó được mấy chục ngàn gì đó.

Thấy vậy, tôi mới đưa cháu đến trường ghi danh cho cháu đi học nhưng không hy vọng mình có đủ sức cho cháu học tới lớp 12”.

Ông Nguyễn Văn Hùng - cha em Thanh Thúy bùi ngùi cho biết thêm: “Thời gian đó, tôi vừa khỏi bệnh, không thể làm được việc gì, cái ăn, cái mặc phần lớn là do bà con anh em giúp đỡ và một ít thu nhập từ việc vợ tôi trồng mớ rau và con cá do tôi đi giăng lưới bắt được. 

Có thể, cháu nó thấy cảnh khó khăn của gia đình nên từ đó, tất cả tiền lì xì của ông bà và kể cả tiền quà sáng (lâu lâu vợ chồng tôi mới cho tiền một lần), cháu nó đều bỏ hết vào heo đất. Đến mùa tựu trường, cháu nó đập heo, lấy tiền mua sách vở... Thấy con ham học, từ đó vợ chồng tôi mới quyết tâm dù vất vả thế nào cũng gắng cho cháu ăn học đến cùng”.

Cũng theo ông Hùng, nhờ trời thương, khoảng thời gian Thanh Thúy học lớp 5, sức khỏe ông hồi phục và có thể đi đào đất, cắt lúa, bốc vác… Khi có đồng ra đồng vô, vợ chồng ông Hùng bắt đầu nuôi heo, nuôi vịt... 

Tuy nhiên, gia đình ông Hùng chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn của việc “được mùa, thất chợ”, chưa tính những năm lợn, vịt bị bệnh chết sạch, bị mất hết vốn và cái khổ tiếp tục đeo bám gia đình.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng ấp Thới Xuân cho biết: “Dù chăn nuôi thất bại, nhưng vợ chồng ông Hùng xác định để thoát nghèo, có tiền cho cháu Thúy đi học là không thể bỏ nghề chăn nuôi. Vì thế, nhờ đồng vốn vay của nhà nước, vợ chồng ông Hùng tiếp tục vay tiền nuôi lợn, nuôi vịt… 

Để có tiền tấm cám cho heo vịt ăn, mỗi ngày ông Hùng đi bốc vác lúa ở các nhà máy trà gạo, mỗi ngày (đủ công) cũng kiếm được 80.000 - 100.000 đồng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ông Hùng bớt vất vả so với trước đây, cái ăn đã tạm ổn”.

12 năm nuôi heo đất đi học

Hỏi về chuyện học hành của em Thúy sắp tới, bà Nhung thở dài nói: “Phải nói cháu nó học đến bây giờ hoàn toàn trông chờ vào con heo đất của cháu. Còn thu nhập của gia đình hiện tại, chỉ có hoa lợi từ 1 công đất mà cha ruột tôi mới cho khi ông ấy mất.

Còn tiền bốc vác thuê của cha cháu chỉ đủ mua tấm cám cho con con mấy con lợn và đàn vịt. Bởi vậy, nói đến việc cháu xuống Cần Thơ ăn học 4 - 5 năm trời, vợ chồng tôi lo lắm nhưng cũng phải cố gắng, vì cháu đã bỏ ra nhiều công sức, quyết tâm học thì mình cũng phải gắng lo”.

Trước mắt để có kinh phí đưa em Thanh Thúy đi thi đại học, bà Nhung đành lòng bán con heo chưa đủ tạ để lấy tiền cho Thanh Thúy đi thi. 

Theo bà Nhung, bà tự hào về Thanh Thúy không phải ở thành tích học tập mà chính ở tấm lòng hiểu thảo của Thúy, nhất là việc Thúy biết sắp xếp giờ học để phụ cha mẹ chăm sóc đàn vịt, đàn lợn và việc nấu cơm, quét dọn trong nhà..., khi xong hết mọi việc Thúy mới ngồi vào bàn học.

Ngày 7/7 tới, Thanh Thúy lên Cần Thơ dự thi đại học, bà Nhung đang kêu bán con lợn chưa đủ tạ này để lấy tiền đưa con gái đi thi.
Ngày 7/7 tới, Thanh Thúy lên Cần Thơ dự thi đại học, bà Nhung đang kêu bán con lợn chưa đủ tạ này để lấy tiền đưa con gái đi thi..

“Em thấy nếu em không đi học tiếp mà dựng lại ở đây thì mãi mãi em không có cơ hội lo cho mẹ an nhàn khi về già. Thời gian qua, em biết cha mẹ rất vất vả với chuyện học hành của em. 

Vì thế đây cũng là động lực để em cố gắng học tập, mong mình được đặt chân vào giảng đường đại học, em hy vọng sau này có nghề nghiệp ổn định lo lại cho cha mẹ” - Thanh Thúy chia sẻ.

Nói về việc nuôi heo đất, Thanh Thúy cho biết thêm: “Nhà em nghèo nên việc em nuôi heo đất cũng “èo uột” lắm. Heo đất được “ăn” nó nhất là khi Tết về, khi đó ông bà, cha mẹ, các cô chú, anh chị… lì xì là em cho heo đất “ăn” hết. 

Còn tiền quà sáng thì ít lắm, thường thì những khi mẹ bán vịt, bán lợn hoặc cha đi vác lúa được ông chủ thưởng tiền thì những lúc đó, cha mẹ cho tiền, em cũng bỏ vào heo đất, chỉ lấy ít mua bút viết, ngoài ra em không dám chi xài vào việc khác”.

Ngoài giờ học, Thanh Thúy đạm nhận việc chăm sóc đàn lợn, đàn vịt và kể cả những việc cơm nước trong nhà để chia sẻ với công việc cha mẹ.
Ngoài giờ học, Thanh Thúy đạm nhận việc chăm sóc đàn lợn, đàn vịt và kể cả những việc cơm nước trong nhà để chia sẻ với công việc cha mẹ..

Cũng từ nguồn thu hạn hẹp này nên theo Thanh Thúy cho biết con heo đất “nặng ký” nhất mà Thanh Thúy “mổ bụng” là được 800.000 đồng (hồi em học lớp 11). Còn thông thường, theo Thúy mỗi con heo đất được em mổ bụng chỉ khoảng từ 400.000 - 500.000 đồng. Với số tiền này, Thanh Thúy chi xài vào việc mua sách vở và những dụng cụ học tập cần thiết nhất.

Trong suốt 12 năm học vừa qua, Thanh Thúy luôn đạt học sinh khá, giỏi. Tổng kết năm học lớp 12 vừa rồi, em là học sinh khá và đỗ kỳ thi tốt nghiệp THPT với tổng điểm 26,6. Hiện tại, Thúy đang ôn tập theo diện ưu tiên (học sinh khó khăn được miễn học phí ôn tập) tại trường để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh đại học sắp tới.

“Kỳ thi này em đăng ký thi vào ngành Luật Hành chính của Trường ĐH Cần Thơ. Nếu thi đậu vào trường, ngoài việc em tiếp tục nuôi heo đất đi học thì em sẽ tranh thủ sắp xếp thời khóa biểu để vừa học, vừa làm, giảm bớt phần nào khó khăn cho cha mẹ.

Nhất là tuổi cha đã cao, sức khỏe đã yếu không còn đủ sức đi bốc vác lúa hay làm những công việc nặng như trước được nữa” - Thanh Thúy chia sẻ với chúng tôi rồi lặng lẽ nhìn ông Hùng khi ông khoác cái áo sờn vai, chuẩn bị đi bốc vác thuê.

Theo tamguong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.