Công việc chính của Mỹ ở khu du lịch sinh thái là trồng, chăm sóc, quản lý sâu bệnh cho vườn rau sạch phục vụ khách tham quan với mức lương khá hấp dẫn.
Một lần tình cờ được một bác nông dân nơi đây hướng dẫn tham quan mô hình nuôi giun Ấn Độ sinh sản, Mỹ thấy hứng thú, bắt đầu tìm hiểu và muốn tìm hướng đi mới cho bản thân. Mỹ chia sẻ, cô rất thích mô hình này vì nó có rất nhiều ưu điểm như: Hạn chế ô nhiễm môi trường, có thể làm phân bón trồng rau sạch thay phân hóa học.
Quyết tâm “liều”, Thanh Mỹ về quê mượn phần đất ruộng của ba để nuôi thí nghiệm. Với diện tích 100m2, Mỹ thả nuôi hơn 100kg giun sinh khối mua tại trại giống ở Củ Chi, sử dụng phân bò của các trại nuôi bò gần nhà cho giun ăn và sau đó thu hoạch giun thương phẩm, giun sinh khối và cả phân giun thải ra.
Thanh Mỹ cho biết, mô hình nuôi giun Ấn Độ từ thức ăn là phân trâu, bò rất hiệu quả, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời góp phần tăng thêm thu nhập cho nhiều hộ chăn nuôi.
Thế mạnh của giun Ấn Độ là con lớn, tốc độ ăn và cho sinh khối nhanh, giun con mau lớn. So với trùn quế thì giun Ấn sinh sản chậm hơn nhưng có thể cho sinh khối lớn, do giun con lớn gấp 3 - 5 lần so với trùn quế.
Hiện tại, giun Ấn Độ được phối trộn để bán làm thức ăn cho gà, cá, lươn… nhờ chứa nhiều chất dinh dưỡng. Giá giun thương phẩm từ 50.000 - 100.000 đồng/kg, giá giun sinh khối từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Mặt khác, giun được thả nuôi từ 4 - 6 tháng có thể lấy phân làm phân bón cho rau, phối trộn để trồng hoa kiểng.
Thanh Mỹ cho biết, bước đầu khởi nghiệp rất khó khăn, chịu nhiều áp lực từ người quen vì họ nghĩ con gái ai lại đi làm những chuyện lấy phân nuôi giun. Tuy nhiên, đó là đường đi lâu dài, quyết định cả đời người, nên Mỹ tự nhủ sẽ cố gắng để không phụ lòng gia đình đã tin tưởng.
Thanh Mỹ còn đầu tư nhà lưới trên diện tích gần 200m2 để trồng rau sạch, tiến tới là rau hữu cơ cung cấp cho thị trường. Nhiều loại được trồng thí nghiệm như: cải ngọt, cải xanh, dưa leo, bắp… Sắp tới, Thanh Mỹ cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu cho ra sản phẩm dịch trùn quế, loại phân bón sinh học để thay thế dần cho phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
Mô hình của nữ kỹ sư 9x hứa hẹn nhiều điều bất ngờ từ việc tận dụng phế phẩm trong chăn nuôi đến việc tạo ra sản phẩm nông sản sạch.