Để sinh viên được cống hiến: Đưa sản phẩm khoa học vào đời sống

GD&TĐ - Không dừng lại ở việc giúp sinh viên sáng tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng còn đẩy mạnh đầu tư để hiện thực hóa các sản phẩm khoa học của sinh viên thành sản phẩm thương mại đưa ra thị trường.

Để sinh viên được cống hiến: Đưa sản phẩm khoa học vào đời sống

Khởi đầu cùng dự án “Gậy thông minh cho người già”

Đến với Ngày hội “Kết nối ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” cụm các trường đại học, cao đẳng khu vực Nam Trung Bộ năm 2018 vừa diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, chúng tôi thật sự ấn tượng với sản phẩm nghiên cứu khoa học “Gậy thông minh cho người già” của sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng. Sản phẩm sáng tạo này đã thu hút sự chú ý của nhiều người bởi không chỉ cung cấp giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn đối với những người khuyết tật, người già, người bệnh, mà còn mang ý nghĩa hết sức nhân văn trong việc giúp ích, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nhóm sinh viên với ý tưởng nhân văn về sản phẩm “Gây thông minh cho người già”
Nhóm sinh viên với ý tưởng nhân văn về sản phẩm “Gây thông minh cho người già” 

Với tính sáng tạo, mang ý nghĩa nhân văn, ứng dụng vào thực tiễn, sản phẩm nghiên cứu “Gậy thông minh cho người già” của nhóm sinh viên SRT-AAP do bạn Lê Như Thiên Sao làm trưởng nhóm đã xuất sắc vượt qua hơn 60 ý tưởng sáng tạo đến từ 35 đơn vị giáo dục đại học khu vực Nam Trung Bộ giành giải Nhì ngày hội.

Không dừng lại đó, sản phẩm nghiên cứu “Gậy thông minh cho người già” của nhóm sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng tiếp tục được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lựa chọn tham gia Triển lãm “Khát vọng sinh viên Việt Nam” tại Hà Nội diễn ra từ ngày 14 - 17/12/2018. Niềm vinh dự của sinh viên nhà trường càng lớn hơn khi Triển lãm “Khát vọng sinh viên Việt Nam” tập trung những sản phẩm sáng tạo khoa học tiêu biểu của sinh viên Việt Nam trong giai đoạn 2013 - 2018. Các sản phẩm này nhằm thể hiện những thành quả, trí tuệ và sáng tạo của sinh viên Việt Nam.

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện sản phẩm khoa học này, sinh viên Lê Như Thiên Sao - đại diện nhóm sinh viên SRT-AAP (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng), cho biết: Từ thực tiễn cuộc sống, nhóm nghiên cứu nhận thấy việc chăm sóc người già là một vấn đề cấp thiết trong xã hội ngày nay. Bắt nguồn từ việc đi lại khó khăn của người già cũng như việc giám sát và ứng cứu chưa kịp thời dẫn đến các hậu quả đáng tiếc như té ngã, đột quỵ, tai biến trong quá trình đi lại. Từ thực tế, các thành viên cũng thấy một số người lắp camera khắp nhà và thường xuyên theo dõi trên máy tính trong quá trình làm việc để đảm bảo phát hiện người già (người thân) té ngã. Điều này rất bất tiện trong quá trình làm việc và cũng rất tốn kém để lắp đặt hệ thống camera quan sát trong nhà. Và từ đó trong đầu nhóm nghiên cứu đã nảy ra ý tưởng thực hiện nghiên cứu sản phẩm khoa học này.

Trực tiếp hướng dẫn nhóm sinh viên thực hiện sản phẩm “Gây thông minh cho người già”, ThS Phạm Duy Dưởng - giảng viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) - chia sẻ: Khi bắt tay vào thực hiện sản phẩm, tôi và nhóm sinh viên nghiên cứu chỉ có ý nghĩ tạo ra sản phẩm để có thể hỗ trợ cho các gia đình trong việc chăm sóc người già một cách an toàn, thuận lợi. Khi sản phẩm hoàn thành và đưa ra trưng bày, giới thiệu tại các diễn đàn khoa học và vinh dự nhận được giải cao trong các cuộc thi. Chúng tôi cảm thấy vui mừng, tự hào hơn khi sản phẩm được mọi người yêu thích và có những phản hồi tích cực. Những kết quả đạt được từ sản phẩm khoa học này mang lại nằm ngoài sức mong đợi và tưởng tượng của tôi và cả nhóm nghiên cứu.

Nỗ lực vì người sử dụng

Nói về điều khó khăn nhất khi nghiên cứu thực hiện sản phẩm, ThS Phạm Duy Dưởng cho hay: Khó khăn nhất mà nhóm nghiên cứu gặp phải khi thực hiện đề tài là việc tích hợp các thiết bị vào sản phẩm mà không gây ảnh hưởng, vướng víu trong quá trình sử dụng của người dùng. Vì vậy, qua quá trình khảo sát thực nghiệm, nhóm nghiên cứu đã quyết định đưa các cảm biến, linh kiện vào trong tay cầm, để vừa có thể thấy thân gậy mà không ảnh hưởng đến chức năng của gậy.

Không dừng lại ở sản phẩm đạt giải, hiện nay, dưới sự hướng dẫn của ThS Phạm Duy Dưởng, nhóm sinh viên nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm nhằm mong muốn đưa sản phẩm đến tay người sử dụng. ThS Phạm Duy Dưởng cho biết: Với suy nghĩ không muốn sản phẩm chỉ dừng lại ở dạng sản phẩm khoa học, mà muốn biến thành sản phẩm khoa học phục vụ đời sống, sản phẩm được thương mại hóa trong thời gian tới.

Cho nên, hiện nay, tôi và nhóm sinh viên đang nỗ lực hoàn thiện sản phẩm “Gậy thông minh cho người già” một cách tốt nhất. Hiện nay, nhóm đang thiết kế lại mạch để giảm kích thước và giảm giá thành sản phẩm với mong muốn đưa sản phẩm này đến với mọi hộ gia đình thậm chí là gia đình nghèo khó. Hơn nữa, nhóm đang phát triển thêm về phần mềm ứng dụng trên điện thoại để đem lại tiện ích lớn nhất cho người dùng. Với sản phẩm nhân văn và mang lại nhiều lợi ích trong cuộc sống này nhóm cũng mong muốn được các nhà đầu tư thương mại hóa sản phẩm này đến tay mọi gia đình.

Niềm tin, động lực để nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện sản phẩm như càng được thắp lên khi được Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cấp kinh phí đầu tư nghiên cứu, với quyết tâm thương mại hóa sản phẩm vào thực tiễn cuộc sống. PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng, cho hay: Quan điểm của lãnh đạo nhà trường là luôn tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên, sinh viên thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học. Đối với các sản phẩm khoa học đạt giải cao, có tính ứng dụng thực tiễn lớn, nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư kinh phí để hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm khoa học nhằm thương mại hóa sản phẩm, hoặc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp thực hiện chuyển giao sản phẩm.

PGS.TS Phan Cao Thọ cho biết: Đối với sản phẩm “Gậy thông minh cho người già”, lãnh đạo nhà trường cũng đã có hướng chỉ đạo nhóm nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm một cách hiệu quả nhất. Khi sản phẩm có được công nghệ khoa học tốt nhất thì sẽ tiến hành chế tạo. Để đánh giá tính hiệu quả của sản phẩm, nhà trường cũng muốn trao tặng số lượng sản phẩm chế tạo lượt đầu tiên cho các bệnh nhân người già tại các bệnh viện. Sau đó, để thương mại hóa sản phẩm, nhà trường sẽ kêu gọi, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp nhằm đưa sản phẩm khoa học này vào thực tiễn cuộc sống.

Những bước đi khởi đầu đầy gian khó nhưng những nỗ lực của nhà trường đã tiếp thêm động lực, niềm tin cho giảng viên, sinh viên vững tin trên con đường nghiên cứu, sáng tạo khoa học. PGS.TS Phan Cao Thọ
Theo Đại Thắng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ