Nữ hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương và mối duyên lành với nghề dạy học

GD&TĐ - Xuất thân từ một gia đình có truyền thống sư phạm nhưng cô Nguyễn Thị Thu Hà lại theo học ngành Luật để mong muốn hoàn thiện bản thân...

Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương.

Để rồi đến cuối cùng, cô Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại nhận ra chính nghề giáo mới là nghề giúp bản thân hoàn thiện nhất.

Tìm được bản thân trong môi trường Sư phạm

Sự phát triển của ngôi trường có bề dày lịch sử và thành tích hàng đầu Thủ đô nhiều năm trở lại đây, có đóng góp không nhỏ của cô Nguyễn Thị Thu Hà (Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương). Cô Nguyễn Thị Thu Hà vào ngành từ năm 1997 và đến nay đã tròn 25 năm công tác dưới mái Trường THCS Trưng Vương.

Lật lại những “trang ký ức” đã xưa cũ, cô Hà kể rằng bản thân may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống sư phạm khi ông nội của cô xuất thân là một thầy đồ; rồi bố cô cũng là một giảng viên tại một trường Đại học danh tiếng của Thủ đô Hà Nội.

Có thể hình dung con đường đến với nghiệp “gõ đầu trẻ” của cô Hà được tóm gọn như sau: “Ước mơ làm giáo viên – sinh viên Luật – sinh viên Sư phạm – làm trái ngành – giáo viên”.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ con đường đến với nghề dạy học của cô trải qua nhiều thăng trầm.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ con đường đến với nghề dạy học của cô trải qua nhiều thăng trầm.

Chỉ sau một năm theo học tại trường Luật, cô sinh viên Nguyễn Thị Thu Hà thời điểm đó nhận thấy bản thân yêu thích sự lãng mạn hơn, sáng tạo hơn là những văn bản, điều luật có phần khô khan, gò bó.

Kỳ thi tuyển sinh Đại học 1 năm sau đó, cô Hà quyết định nộp hồ sơ thi vào Trường Đại học Sư phạm và Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội và trúng tuyển vào cả 2 ngôi trường trên với số điểm khá cao. Con đường đến với ước mơ trở thành một giáo viên thủa nhỏ của cô Hà cũng chính thức bắt đầu.

Trở lại với sự lãng mạn, sáng tạo vốn có của một ngôi trường sư phạm, cô sinh viên Nguyễn Thị Thu Hà cảm thấy bản thân rất thoải mái, tự nhiên và “quan trọng là tìm được lại con người thật của mình”. Trong suốt 3 năm học tập tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, nhờ thành tích học tập tốt, tích cực tham gia các hoạt động của khoa, của trường nên cô Hà được tin tưởng, bầu làm lớp trưởng trong cả 3 năm học rồi kiêm nhiệm vị trí Bí thư Liên chi đoàn khoa Xã hội.

“Khoa xã hội khi đó là một khoa lớn nhất của trường gồm nhiều chuyên ngành đào tạo như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật và hoạt động của khoa cũng rất sôi nổi. Với vai trò là Bí thư liên chi đoàn của khoa nên bản thân mình được khoa tin tưởng giao cho tổ chức nhiều chương trình cho sinh viên. Cũng chính vì thế mà mình bạo dạn hơn rất nhiều so với trước kia”, cô Hà nhớ lại.

Hoàn thiện bản thân trước khi đến với nghề

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, được được phân công về giảng dạy tại Trường THCS Nghĩa Tân nhưng cô Hà lại có một quyết định táo bạo.

Tuổi trẻ, muốn dành thêm nhiều thời gian để trải nghiệm và hoàn thiện bản thân trước khi đi dạy, cô Hà đã xin làm một công việc trái ngành.

Thời gian đi làm trái ngành mang đến cho cô Hà nhiều kinh nghiệm quý báu hỗ trợ trong công tác giảng dạy sau này.

Thời gian đi làm trái ngành mang đến cho cô Hà nhiều kinh nghiệm quý báu hỗ trợ trong công tác giảng dạy sau này.

“Hồi đó, Tổng cục Du lịch có tổ chức Hội chợ Quốc tế về Du lịch Việt Nam lần thứ nhất nên mình đã xin vào làm một năm hợp đồng để có cơ hội thử sức với một công việc hoàn toàn khác. Mình cũng định hướng sẽ chỉ làm một năm để có thêm những kinh nghiệm xã hội, nó sẽ có ích cho công việc giảng dạy sau này”, cô Hà nhớ lại.

Người nữ Hiệu trưởng cho biết, một năm đi làm trái ngành mang về cho cô rất nhiều kinh nghiệm quý báu khi cô được hiểu nhiều hơn về cuộc sống thực tế, có kỹ năng nhiều hơn về giao tiếp, thuyết phục mọi người, kỹ năng tương tác và làm việc nhóm. Những kinh nghiệm đó đến tận bây giờ vẫn được cô áp dụng trong những tiết dạy của mình.

Sau một năm tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân, năm 1997, cô Hà về “đầu quân” cho Trường THCS Trưng Vương và công tác liên tục tại ngôi trường giàu truyền thống này đến nay đã tròn 25 năm.

Dạy học quan trọng là phương pháp

25 năm theo nghề dạy học, cô Hà chia sẻ: lứa tuổi học sinh THCS, người giáo viên không nên quá chú trọng vào việc dạy kiến thức mà cần tác động nhiều hơn vào cảm xúc của học sinh để giáo dục. Việc dạy kiến thức cũng quan trọng nhưng cái quan trọng hơn là dạy cho học sinh có phương pháp học, có ý thức tự học. “Với môn Ngữ văn, mình không quá chú trọng đến kiến thức mà tập trung nhiều hơn vào phương pháp để các em nghe giảng và được khám phá một văn bản văn chương một cách nhẹ nhàng nhất”, cô Hà chia sẻ.

Để làm được điều này, với mỗi tiết học, cô Hà sẽ thường tập trung nhiều vào phương pháp, nhẹ nhàng, gần gũi, dễ hiểu. Nhiều năm giảng dạy, cô Hà chia sẻ, học sinh rất thích nghe kể chuyện nên trong những bài giảng của mình, cô thường sẽ đan xen những mẩu chuyện nhỏ. Đó có thể là một mẩu chuyện về lịch sử, câu chuyện dân gian, câu chuyện cuộc sống ngoài đời từ đó sẽ khiến các em cảm thấy rất hứng thú, thoải mái.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà cùng tập thể cán bộ, giáo viên công tác tại Trường THCS Trưng Vương.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà cùng tập thể cán bộ, giáo viên công tác tại Trường THCS Trưng Vương.

Cũng chính với cách truyền thụ kiến thức sáng tạo này mà cô Hà là giáo viên THCS duy nhất đã tham gia thi Giáo viên dạy giỏi Thành phố Hà Nội ở 3 môn thi Ngữ văn, Lịch sử và Giáo dục công dân và cả 3 cuộc thi ấy, cô đều giành giải Nhất Thành phố.

Bên cạnh kiến thức chuyên môn, cô Hà còn dành thời gian để tư vấn tâm lý cho các em học sinh. Theo cô, trong những cuộc trò chuyện, người giáo viên cần hết sức bình tĩnh, không trách móc, không đổ lỗi, lắng nghe học sinh nói. Việc có người lắng nghe sẽ giúp trẻ giải tỏa cảm xúc và dần bình tĩnh hơn. Sau khi nghe tâm tư của trẻ, giáo viên sẽ trò chuyện, gợi mở để các em tự đánh giá xem cách hành xử, suy nghĩ của bản thân đã đúng chưa chứ không áp đặt, không vội kết tội trẻ.

“Đến bây giờ, nhiều học sinh ra trường đi làm đã lâu nhưng khi có những khúc mắc, bế tắc, khủng hoảng về cuộc sống vẫn điện thoại cho mình để chia sẻ. Đó cũng là niềm hạnh phúc của người thầy, trở thành điểm tựa về tinh thần đồng hành cùng học sinh trong những năm tháng sau này kể cả khi các em đã ra trường”.

Trường THCS Trưng Vương năm nay đã bước sang tuổi thứ 105. Năm tháng qua đi, Trưng Vương vẫn giữ cho mình vẻ cổ kính, trầm mặc giữa thủ đô náo nhiệt. Trong ngôi trường ấy, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hà cùng những người đồng nghiệp khác vẫn đang miệt mài “gieo mầm xanh” cho Đất nước.

Ngôi trường 2 thế kỷ

Trường THCS Trưng Vương tiền thân là Trường nữ học Đồng Khánh – ngôi trường nữ sinh duy nhất của toàn xứ Bắc Kỳ lúc ấy. Trường được khởi công xây dựng từ năm 1897 đến năm 1917 và được dành riêng cho những học sinh nữ đến học tập.

Sau ngày 2/9/1945, trường được đổi tên thành Trường nữ học Trưng Vương và vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm lần đầu tiên vào năm 1946.

Trong những ngày mùa đông tháng 12/1946, trụ sở Bộ quốc phòng đặt tại nhà trường. Tại đây đã diễn ra những cuộc chiến đấu và hi sinh anh dũng của các chiến sĩ Tiểu đoàn 77 Trung đoàn Thăng Long (một trong hai Trung đoàn của Hà Nội) để bảo vệ trụ sở Bộ Quốc Phòng. Chính bởi sự kiện này, năm học 2004 – 2005, trường đã được công nhận là một Di tích lịch sử cách mạng giữa lòng thủ đô.

Bước sang Thế kỷ XXI, trong xu thế hội nhập và phát triển, Trường THCS Trưng Vương là một trong những trường đầu tiên của TP. Hà Nội tiến hành hợp tác quốc tế về giáo dục và đạt được nhiều thành tựu.

Với những thành tích rực rỡ trong công tác dạy và học, nhà trường đã vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kì đổi mới năm 2005. Đặc biệt, trong lễ kỉ niệm 90 năm thành lập Trường Đồng Khánh - Trưng Vương (1917 - 2007), thầy trò nhà trường đã được Đảng và Nhà nước trao tặng tấm huân chương Độc lập hạng Nhì cao quý. Trong Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập (11/11/2017), Trường THCS Trưng Vương đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ