Nóng trong tuần: Quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

GD&TĐ - Tuần qua, các sự kiện lớn tập trung vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và môn Lịch sử bậc THPT;… thu hút sự quan tâm.

Ảnh minh hoạ/ITN.
Ảnh minh hoạ/ITN.

Thànhlập Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực

Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022 - 2026 vừa được Chính phủ quyết định thành lập. Hội đồng trước đây do Thủ tướng làm chủ tịch,  nay Phó thủ tướng làm chủ tịch.

Ngày 11/5, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh vừa ký quyết định về việc thành lập Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022 - 2026.

Hội đồng gồm 29 thành viên, nhiều hơn 1 thành viên so với hội đồng cũ; trong đó có 1 chủ tịch, 1 phó chủ tịch (hội đồng cũ gồm 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch), 27 ủy viên.

Hội đồng mới do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn làm Phó chủ tịch (hội đồng cũ do Thủ tướng làm Chủ tịch, Phó thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT là 2 phó chủ tịch).

Hội đồng mới có thành phần tập trung hơn, và có đại diện của một số ban, ngành liên quan, có cơ quan lập pháp (Quốc hội), có đủ đại diện các đơn vị giáo dục - đào tạo các bậc học (giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp, phổ thông).

Đặc biệt, trong khối giáo dục ĐH có nhiều lãnh đạo các tổ chức giáo dục tư nhân như ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT (ông Tùng là một trong số ít ủy viên hội đồng cũ được giữ lại, mời vào hội đồng mới); ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Phenikaa; bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo, Tổng giám đốc Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng.

Ảnh minh hoạ/ITN.
Ảnh minh hoạ/ITN.

Ghi nhận kết quả giáo dục-đào tạo trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện

Chiều 12/5, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 29 và định hướng phát triển giáo dục theo Nghị quyết Đại hội XIII.

Báo cáo một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021 và định hướng nhiệm vụ lớn giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết:

Giai đoạn 2016-2021, cùng với cả nước, ngành Giáo dục tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021; tập trung triển khai thực Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Quá trình thực hiện có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó có nhiều nhiệm vụ lớn, mới, chưa có tiền lệ, như: xây dựng chương trình giáo dục phổ thông chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực; tổ chức biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa; thực hiện tự chủ đại học một cách toàn diện… để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết 29.

Cùng các kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đồng thời chia sẻ một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc và các nhiệm vụ lớn được Giáo dục và Đào tạo xác định giai đoạn 2021-2025 nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Những nội dung này đồng thời được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Ngô Thị Minh, đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ hơn trong chia sẻ, trao đổi tại Hội nghị.

Dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và với Ban Tuyên giáo Trung ương.

Ảnh minh hoạ/ITN.
Ảnh minh hoạ/ITN.

Tham vấn chuyên gia về triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Sáng 12/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi làm việc tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và môn Lịch sử bậc trung học phổ thông.

Tại buổi làm việc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe ý kiến trao đổi về quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; trong đó đặc biệt trao đổi và lắng nghe những ý kiến phân tích sâu về cách bố trí và tổ chức dạy học môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng nhấn mạnh: Các chuyên gia đều khẳng định Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo đúng đường lối chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; công phu, khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Riêng với việc dạy học môn Lịch sử cấp trung học phổ thông, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.

Ảnh minh hoạ/ITN.
Ảnh minh hoạ/ITN.

Tăng cường kiểm tra chất lượng luận văn, luận án

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao.

Chỉ thị nêu rõ: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" đã xác định nhiệm vụ đối với giáo dục đại học là tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao và bồi dưỡng nhân tài. Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thực hiện chủ trương của Đảng, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đầu tư và có nhiều chỉ đạo về việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đặc biệt là đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (đào tạo sau đại học). Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều cơ chế chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nhân lực trình độ cao nói chung, trong đó có đào tạo sau đại học vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo sau đại học nhất là đào tạo trình độ tiến sĩ tại một số cơ sở vẫn để xảy ra sai phạm nhưng chưa được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời; chất lượng của không ít luận án chưa đáp ứng yêu cầu về khoa học và thực tiễn.

Chỉ thị yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - cơ quan quản lý trực tiếp các cơ sở đào tạo sau đại học phải chú trọng công tác nâng cao chất lượng đào tạo tiệm cận với chuẩn mực quốc tế; Tăng cường kiểm tra đào tạo sau đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ