Nóng trong tuần: Vấn đề giá sách giáo khoa, cơ sở giáo dục đại học tăng hạng thế giới

GD&TĐ - Tuần qua, vấn đề giá SGK; Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cơ sở giáo dục Đại học Việt Nam vào bảng xếp hạng thế giới;... nhận nhiều quan tâm của dư luận.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ

Chiều 28/4, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.

Đây là hội nghị quan trọng để triển khai Quyết định số 1895/QĐ-TTg nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, định hướng giải pháp, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Điểm cầu trung tâm tại Bộ Giáo dục và Đào tạo kết nối tới các tỉnh/thành và nhiều cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm; các đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương,…

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, việc phê duyệt Chương trình ngay sau khi Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020” kết thúc cho thấy sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Từ Hội nghị này, Bộ trưởng mong muốn các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục rà soát các văn bản đã triển khai giai đoạn trước để cùng điều chỉnh, bổ sung và ban hành kịp thời các chính sách, kế hoạch, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo để các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện tốt Chương trình 1895. Đưa nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng vào chương trình hành động của các bộ, ban, ngành, địa phương. Tiếp tục đồng hành với ngành Giáo dục thực hiện thành công mục tiêu “hình thành một lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc” như Nghị quyết Đại hội 13 đã chỉ ra.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Công bố giá sách giáo khoa mới lớp 3, lớp 7 và lớp 10: Có bộ tăng gấp 3 lần

Trong tuần, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) công bố giá sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo các quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt danh mục sách sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, các bộ sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo sẽ được đưa vào giảng dạy trên cả nước từ năm học 2022 - 2023.

NXBGDVN đã thực hiện kê khai giá bán lẻ các bộ sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) theo quy định.

Giải đáp băn khoăn của dư luận về việc tăng giá sách giáo khoa mới, ông Hoàng Lê Bách- Tổng Giám đốc NXBGDVN cho biết: Trước hết cần khẳng định, giá bán SGK theo CTGDPT 2018 nói chung, SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 nói riêng được kê khai mới, không phải tăng giá.

Theo ông Bách, về giá của các bộ SGK mới theo CTGDPT 2018, đại diện Cục Quản lí giá – Bộ Tài chính đã cho rằng việc so sánh giá của các bộ SGK theo CTGDPT mới với bộ SGK hiện hành là không tương đồng, do việc biên soạn, xuất bản một bộ sách mới có những điểm khác biệt so với bộ sách trước đây.

Thứ nhất, về nguồn vốn: Việc tổ chức biên soạn, xuất bản SGK được thực hiện bằng nguồn vốn do doanh nghiệp tự đầu tư, thu xếp và vay ngân hàng. Còn đối với SGK hiện hành (cũ), toàn bộ chi phí tổ chức bản thảo được chi trả bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn vay Ngân hàng Thế giới, NXBGDVN chỉ đảm nhiệm chi trả các chi phí tổ chức bản thảo cho việc tái bản.

Chi phí tổ chức bản thảo sách giáo khoa hiện hành chỉ bằng khoảng 1/10 chi phí tổ chức bản thảo SGK mới.

Thứ hai, về chi phí nhuận bút: Chi phí nhuận bút đối với SGK mới cao hơn so với SGK hiện hành và phát sinh trong chế độ đãi ngộ do cơ chế cạnh tranh để tìm kiếm và giữ chân các tác giả giỏi.

Thứ ba, về quy cách chất lượng sách: SGK mới có khổ 19 x 26,5cm, lớn hơn 1,23 lần khổ SGK hiện hành (17x24cm). Để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục theo mô hình phát triển năng lực, SGK cần thay đổi theo hướng tăng cường kênh hình, hình ảnh hoá nội dung... Do đó, đơn giá công in đã bị tăng lên 23% so với SGK hiện hành.

Với chất lượng in ấn theo quy cách mới, sách có thể bảo vệ tốt hơn thị lực của học sinh, và có thể sử dụng trong nhiều năm.

sở GD Việt Nam vào top 1.000 đại học có tầm ảnh hưởng

Sáng 28/4, Tạp chí Times Higher Education (THE) đã công bố kết quả xếp hạng của bảng xếp hạng THE Impact Rankings. Đây là năm thứ tư Times Higher Education (THE) công bố bảng xếp hạng này nhằm đánh giá sự thành công của các tổ chức giáo dục đại học trong việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs) của Liên Hợp Quốc.

Nếu như năm 2020, Việt Nam chỉ có 2 cơ sở giáo dục đại học có mặt trong Bảng xếp hạng này, thì năm 2021 đã có 4 cơ sở được xếp hạng, và năm 2022 có 7 cơ sở. Cụ thể: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Phenikaa, và 3 cơ sở giáo dục mới được xếp hạng trong năm 2022: Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Trường ĐH FPT.

Kỳ xếp hạng năm 2022, có 1406 cơ sở giáo dục đại học đến từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 228 cơ sở giáo dục so với năm 2021) xếp hạng trong THE Impact Rankings.

Năm nay, cả 7 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đều được xếp hạng cao ở SDG số 8 (Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững) và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có thứ hạng cao nhất với 70.3 điểm. Tuy nhiên, duy nhất ĐHQGHN có thứ hạng cao ở SDG 4 (Giáo dục có chất lượng), với 63.1 điểm. Trong khi đó SDG 11 (Thành phố và cộng đồng bền vững) là 1 trong 3 chỉ số nổi bật của Trường ĐH PFT và Trường ĐH Tôn Đức Thắng; SDG 16 (Hòa bình, công bằng và thể chế vững mạnh) là thế mạnh của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân. Có thể nói các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã hướng nhiều hơn đến các mục tiêu phát triển bền vững và phục vụ cộng đồng khi năm 2022 có thêm 3 trường được xếp hạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.