Nỗi niềm… thâm niên

Nỗi niềm… thâm niên

Lý do được đưa ra là thực hiện Luật Giáo dục 2019, nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ… Có địa phương còn cho rằng, nếu chi trả sau này thu lại rất khó, nhất là với những người chuẩn bị nghỉ hưu hay nghỉ theo chế độ!

Việc ngưng phụ cấp thâm niên tại một số địa phương khiến không ít người tâm tư. Bởi lương cơ sở chưa tăng, bảng lương mới theo vị trí việc làm cũng chưa thấy. Lương nhà giáo vốn dĩ không cao, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhà giáo cũng vậy. Do đó, việc tạm ngưng phụ cấp thâm niên, dù chỉ vài trăm nghìn đến hơn triệu đồng nhưng tác động không nhỏ đến chi tiêu mỗi gia đình. Bất cập hơn nữa, việc dừng chi trả không thống nhất. Tại Thừa Thiên - Huế, 2.000 giáo viên huyện Phú Lộc nhận được thông báo tạm ngưng cấp phụ cấp thâm niên trong khi đơn vị khác vẫn chi trả bình thường. Trước đó, TPHCM, Sóc Trăng, Trà Vinh cũng tạm dừng trong khi địa phương lân cận chi trả bình thường. Băn khoăn, lo lắng là tâm trạng chung của đội ngũ nhà giáo bởi họ không biết sự việc trên kéo dài đến khi nào.

Trước tâm tư của số đông giáo viên và ý kiến của các địa phương, Bộ GD&ĐT có công văn báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện phụ cấp thâm niên nhà giáo. Theo đó, các chính sách về chế độ tiền lương (trong đó có chế độ thâm niên) với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành cho đến khi có các quy định, hướng dẫn mới của Chính phủ.

Một số địa phương đã kịp thời thông báo đến đội ngũ nhà giáo để thầy cô yên tâm công tác. Địa phương trước đó ngưng phụ cấp thâm niên nhà giáo đã có sự điều chỉnh, đề nghị các đơn vị thuộc ngành GD-ĐT tiếp tục thực hiện chế độ tiền lương (trong đó có chế độ thâm niên) đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo quy định hiện hành.

Văn bản trả lời của lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) gửi các địa phương mang lại niềm vui cho mỗi nhà giáo và những ai quan tâm đến giáo dục, vì những cố gắng, cống hiến của thầy cô được ghi nhận, vì mỗi gia đình nhà giáo có một khoản trang trải trong giai đoạn kinh tế hết sức khó khăn.

Khúc mắc được giải tỏa, tuy vậy, trong câu chuyện này không ít nhà giáo vẫn cảm thấy đượm buồn vì sự cứng nhắc, rập khuôn, thiếu tình, thiếu lý trong thực hiện chính sách. Đại dịch Covid-19 phải giãn cách xã hội, các ngành nghề khác tạm nghỉ thì thầy cô giáo vẫn âm thầm làm việc, dạy học online, đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà học trò để giao bài, dạy kiến thức với mong muốn duy trì nền nếp học tập, để học trò không rơi rụng kiến thức. Rồi chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT mới, đội ngũ giáo viên cũng được kêu gọi nỗ lực vượt qua khó khăn để tiếp cận, tham gia tập huấn và tự bồi dưỡng. Những người được giao nhiệm vụ tiên phong thực hiện chương trình mới hiểu rằng đây là sứ mệnh, trách nhiệm của người thầy với trò, tự trọng nghề nghiệp để cố gắng, nỗ lực. Đáp lại những cống hiến thầm lặng đó, họ rất cần sự thấu hiểu, đồng hành và tin tưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.